- Lời tòa soạn: Tuần qua, thông tin về sự thay đổi của giáo dục Phần Lan được nhiều bạn đọc quan tâm.  VietNamNet đã nhận được bài viết của TS Võ Xuân Quế, người sống và làm việc lâu năm ở Phần Lan. Dưới đây là bài viết của tác giả về vấn đề này.


Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, một trong những thông tin về giáo dục gây "sốt" trên các phương tiện truyền thông thế giới là tin trường học Phần Lan sẽ thay việc dạy các môn học theo cách dạy truyền thống bằng việc dạy theo các chủđề trong chương trình đổi mới giáo dục vào năm 2016.

Cơn sốt được bắt đầu từ bài viết ”Finland schools: Subjectsscrapped and replaced with 'topics' as country reforms its education system” (Trường học Phần Lan: Các môn học sẽ bị bỏ và thay bằng chủ đề khi nhà nước cải cách hệ thống giáo dục) trên báo The Independent  ngày20.3.2015. Tác giả bài báo còn nhận xét đây sẽ là cuộc cách mạng chưa từng có trong giáo dục trên thế giới.

Ngay lập tức, thông tin trên được nhiều báo mạng khác ở Anh, Italia, Brazil và một số nước khác đồng loạt đăng theo.

Ở Việt Nam, mở đầu là báo Vietnamnet, chỉ 3 ngày sau, đã phỏng dịch bài báo nói trên của The Independent. Tiếp theo là các báo khác, như: Tiền phong, Dân trí, Dân Việt, VTV, VnExpress.net; Khám phá…

Thông tin trên từ các báo nước ngoài đã khiến truyền thông và những người trong cuộc hết sức ngạc nhiên. 

{keywords}
Hình ảnh một phòng thi ở Phần Lan (Ảnh: Washington Post)

Ngày 25/3, Nha giáo dục quốc gia Phần Lan (OPH) đã chính thức “cải chính” trên trang mạng của mình về thông tin gây "sốt" đó, rằng:

 “Việc dạy theo các môn học không bị bãi bỏ mặc dù chương trình khung mới của giáo dục cơ sở (từ lớp1-9) sẽ có một số thay đổi vào năm 2016. Theo đó các cơ sở giáo dục được tự do hơn trong việc thực hiện chương trình khung quốc gia và có thể phát triển các phương pháp sáng tạo riêng của mình.  Chương trình khung mới của giáo dục cơ sở sẽ được thực hiện ở các trường học từ tháng 8/2016 bao gồm một số thay đổi có thể đã gây nên sự hiểu nhầm. Để thích ứng với những thách thức trong tương lai, chương trình chú trọng tới các năng lực chung và hợp tác qua các môn học.Các giờ học thực hành tập thể, nơi học sinh có thể học và thực hành đồng thời với một số giáo viên trong thời gian học kết hợp dựa trên chủ đề được chú trọng. Mỗi năm, học sinh cần thực hành ít nhất một hình thức học kết hợp này. Việc thiết kế các chương trình học kết hợp này do các cơ sở giáo dục thực hiện và học sinh cần tham gia vào việc thiết kế đó” (1).

Trên trang mạng của OPH ngày 25.3.2015 còn có bài viết của bà Irmeli Halinen, Trưởng ban phát triển chương trình của OPH, về Chương trình khung quốc gia (National Core Curricula) của bậc giáo dục cơ sở Phần Lan. 

Bà Halinen viết: “Tháng 12.2014, Phần Lan đã hoàn thành việc đổi mới chương trình khung quốc gia của giáo dục cơ sở và giáo dục tiền học đường. Các cơ quan giáo dục địa phương hiện đang bận rộn làm việc với chương trình địa phương dựa trên chương trình khung quốc gia. Các trường học sẽ bắt đầu thực hiện chương trình mới từ mùa thu năm 2016. Phát triển trường học như những cộng đồng học tập, nhấn mạnh hứng thú học tập và hợp tác tập thể cũng như khuyến khích sự tự chủ của học sinh trong học tập và sinh hoạt ở trường là những mục tiêu chủ yếu của sự đổi mới. Các môn học vẫn giữ một vai trò quan trọng trong học tập và giảng dạy”. (2)

Cùng ngày 25/3, giáo sư Pasi Sahlberg, một chuyêngia giáo dục Phần Lan nổi tiếng, nguyên giám đốc Trung tâm hợp tác và trao đổi sinh viên quốc tế của Phần Lan - CIMO, tác giả cuốn sách “Finnish Lessons: What Canthe World Learn About Educational Change in Finland? (Những bài học của Phần Lan: Thế giới có thể học về những thay đổi trong giáo dục ở Phần Lan không?)” cũng viết trên The conversation một bài viết với tiêu đề “Finland’s school reforms won’t scrapsubjects altogether” (Những đổi mới của trường học Phần Lan không loại bỏ tất cả các môn học).  Ông Sahlberg nhấn mạnh rằng: “Dù có nhữngđổi mới, các trường học Phần Lan vẫn tiếp tục dạy toán, lịch sử, nghệ thuật, âm nhạc và các môn họckhác trong tương lai.” [3] 

{keywords}
Thông tin cải chính trên trang thông tin của Nha giáo dục Phần Lan

Một ngày sau khi thông tin trên của OPH và bài viết của Pasi Sahlberg đượcđăng tải, ngày 26/3, trang blog của báo WashingtonPost có bài viết khẳng định “cải chính” của OPH với tiêu đề : “No, Finland isn’t ditching traditional school subjects. Here’swhat’s really happening” (Không, Phần Lan không bỏ các mônhọc truyền thống. Đây là những sự thực đang diễn ra)[4].Bài viết này đã dẫn lại giải thích của Pasi Sahlbergtrong bài viết trên The conversation.

Như vậy, rõ ràng là: không cóviệc trường học Phần Lan sẽ bỏ các môn học truyền thống và thay bằng dạy theo các chủ đề. Thông tin được đưa ra lần đầu tiên trên báo The Independent đã có “sự hiểu nhầm”.

Đáng tiếc là, mấy ngày qua, nhiều trang mạng của Việt Nam vẫn tiếp tục đăng tải lại thông tin không xác thực và đã được cải chính ấy. Đáng chú ý hơn, vài ngày gần đây, một số trang còn đi xa hơn bằng việc thực hiện phỏng vấn các nhà quản lý giáo dục, các nhà giáo có uy tín về việc giáo dục Việt Nam có thể học tập Phần Lan bỏ các môn học truyền thống không, như: evan ngày 2.4;Tia sáng ngày 2.4; Tiền phong, ngày 3.4;VTC ngày 3.4;VTV ngày 3.4; Giáo dục & Thời đại ngày 4.4..

Một sự hiểu lầm đáng tiếc từ một tờ báo có uy tín của Anh đã gây nên cơn sốt trên truyền thông thế giới. Có thể nói đây là một bài học cho những người làm báo trong thế giới phẳng ngày nay.

Người viết bài này ngạc nhiên không hiểu vì sao Nha giáo dục quốc gia Phần Lan không đề nghị The Independent cải chính bài viết của tờ báo? 

Nhưng, trong mục phản hồi của một tờ báo Phần Lan về thông tin đó, một bạn đọc Phần Lan đã viết: người ta cứ để vậy cũng là một cách quảng bá cho giáo dục của Phần Lan. Ngẫm ra cũng có vẻ đúng!

  • Võ Xuân Quế (từ Helsinki, Phần Lan)

*****************

Chú thích của tòa soạn: Tiến sỹ Võ Xuân Quế là nhà nghiên cứu ngôn ngữ học và đã từng tham gia giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Ông  có nhiều năm sống và làm việc tại Phần Lan. Ông đã xuất bản một số cuốn sách và viết nhiều bài báo về lịch sử ngôn ngữ Việt Nam và các vấn đề về ngôn ngữ học; đóng góp tham luận tại một số hội nghị quốc tế. Cuốn sách "Phần Lan, Ngôi sao phương Bắc" do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành, xuất bản vào năm 2007, in lại lần thứ nhất năm 2008 và lần thứ 2 vào năm 2010.


Chú thích:

(1) http://www.oph.fi/english/current_issues/101/0/subject_teaching_in_finnish_schools_is_not_being_abolished

 (2) (http://www.oph.fi/english/current_issues/101/0/what_is_going_on_in_finland_curriculum_reform_2016

(4) http://www.washingtonpost.com/blogs/answer-sheet/wp/2015/03/26/no-finlands-schools-arent-giving-up-traditional-subjects-heres-what-the-reforms-will-really-do/

Thời báo Phần Lan: Phần Lan không xóa bỏ các môn học

“Không may là bài báo đã đưa ra những thông tin không chính xác với những gì mà chúng tôi đang làm ở cấp quốc gia” – phát ngôn viên trưởng của Cơ quan giáo dục quốc gia Phần Lan – ông Hannu Ylilehto viết trong một email gửi tờ Xinhua. Ông Ylilehto không nói gì thêm về kế hoạch đầy tham vọng được trích dẫn bởi một nhà báo Anh trong một bản tin liên quan tới cải cách hệ thống giáo dục Phần Lan.

Tuy vậy, ông Ylilehto cũng xác nhận rằng tất cả các trường phải có ít nhất một thời gian nghiên cứu tập trung vào một hiện tượng hoặc một chủ đề nào đó nhận được sự quan tâm đặc biệt của học sinh. “Đó là một cách mới trong việc kết hợp giảng dạy và học tập dựa trên môn học và dựa trên năng lực” – ông Ylilehto nhấn mạnh.

Bài viết của The Independent đã lấy trường tiểu học Siltamaki ở Helsinki ra làm ví dụ, và một số chuyên gia đã chia sẻ với tờ Xinhua rằng Siltamaki có lẽ đã đi trước một bước và chấp nhận phương pháp mới này trước các trường khác vài năm.

Ông Ylilehto cũng cho biết thêm rằng tất cả các thành phố ở Phần Lan - do được quyền tự chủ giáo dục -  nên có thể đã phát triển những phương pháp giảng dạy sáng tạo, khác với các thành phố khác.

  • Nguyễn Thảo (Theo Finland Times)