Chuyển đổi số mạnh mẽ
Nhận thức chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, từ năm 2020, Hậu Giang bắt đầu thực hiện quá trình chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.
Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Với nhiều nỗ lực, qua đánh giá về chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2023 của Bộ TT&TT công bố, tỉnh Hậu Giang giữ thứ hạng 17/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số (tăng 11 bậc so với năm 2020). Không những thế, Hậu Giang còn là tỉnh nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số.
Qua bốn năm triển khai, đến cuối năm 2024, công tác chuyển đổi số của Hậu Giang đã đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả các nền tảng dùng chung thiết yếu như trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC); ứng dụng di động Hậu Giang (app Haugiang), hệ thống giám sát an toàn không gian mạng SOC, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP, cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản, thư điện tử công vụ...
Hiện 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai hệ thống cáp quang Internet và phủ sóng mạng di động 3G/4G, thí điểm triển khai phủ sóng mạng 5G tại thành phố Vị Thanh và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
100% cơ quan, đơn vị nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có hệ thống mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao.
Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cập nhật 1.851 thủ tục hành chính của các đơn vị trong tỉnh. 100% cơ quan nhà nước tham gia hệ thống quản lý văn bản và điều hành, 100% văn bản giữa các cơ quan nhà nước được ký số và gửi trên hệ thống...
Năm 2024 cũng đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp Hậu Giang tổ chức thành công Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta, góp phần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân, cán bộ, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Sự kiện thể hiện khát vọng vươn lên của Hậu Giang, tự tin là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin.
Xây dựng chính quyền thân thiện, kiến tạo
Với những kết quả đã đạt được trong năm 2024, Tỉnh Hậu Giang đề ra mục tiêu đến năm 2025 xây dựng chính quyền thân thiện, kiến tạo, liêm chính, hiệu lực, hành động quyết liệt, hiệu quả, phục vụ nhân dân.
Tỉnh xác định từng bước hoàn thiện nền tảng hạ tầng số, nền tảng ứng dụng số phục vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; phục vụ người dân và doanh nghiệp; ưu tiên thực hiện chuyển đổi số một số lĩnh vực, hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Hậu Giang cũng đề ra mục tiêu hoàn thành xây dựng Đề án Chính quyền điện tử, đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2025, trọng tâm xây dựng cơ sở dữ liệu của các ngành, lĩnh vực, phục vụ xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện đạt trung bình tối thiểu 95%; Hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tỷ lệ trung bình tối thiểu 60%; Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất giữa các nền tảng, hệ thống thông tin giải quyết TTHC thông qua định danh điện tử VNeID đạt 100%; Tỷ lệ cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đạt 100%; Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết TTHC đạt 90%...
Để đạt được mục tiêu đề ra, Hậu Giang chủ trương áp dụng một số giải pháp: Phát huy, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành chuyển đổi số; Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp; Phát triển, thu hút nguồn nhân lực chuyển đổi số; Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ.
Trong đó, việc tập trung nâng cao chất lượng nhân lực số được tỉnh chú trọng, nhất là nguồn nhân lực trong các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, đảm bảo vai trò dẫn dắt chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực...
Hậu Giang hiện có 85% lao động có kỹ năng số. Trong năm 2024, Hậu Giang đã tổ chức 15 lớp nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, những người tham gia trực tiếp vào tiến trình xây dựng và thực hiện chuyển đổi số của tỉnh.
Với việc xác định chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi, khó mấy cũng phải làm", Hậu Giang quyết tâm tăng tốc chuyển đổi số trong năm 2025, không để đi lùi so với sự phát triển của khoa học, công nghệ.