Cuối tuần trước, tờ Politico đã tiết lộ kịch bản Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể lách luật để rút Mỹ ra khỏi NATO mà không cần sự đồng thuận của Quốc hội.

Theo Politico, sau những chỉ trích liên tục của ông Trump nhắm vào NATO trong nhiệm kỳ đầu tiên, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật ngăn chặn bất kỳ tổng thống nào đơn phương rút khỏi NATO. Người đứng đầu Nhà Trắng chỉ có thể rút Mỹ khỏi liên minh này khi có sự đồng ý của 2/3 Thượng viện hoặc một đạo luật quốc hội tương ứng.

Tuy vậy, các chuyên gia pháp lý cho rằng ông Trump có thể tận dụng các quyền hạn của Tổng thống về chính sách đối ngoại để lách luật. Hồi năm 2019, ông Trump đã dùng cách này để rút Mỹ khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga, không cần sự chấp thuận của Quốc hội. Tới năm 2020, ông Trump lại tiếp tục rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở mà không thông báo cho Quốc hội.

08ny alinejad lzwv superJumbo.jpg
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Ảnh: NYT

Tại thời điểm đó, Bộ Tư pháp Mỹ giải thích rằng Tổng thống có quyền rút khỏi các hiệp ước quốc tế mà không cần thông qua Quốc hội, với lý do đây là một phần của thẩm quyền về đối ngoại. Phương pháp này được cho là cũng có thể áp dụng với NATO.

Theo Politico, viễn cảnh Mỹ rút khỏi NATO có thể gây ra tình trạng bất ổn với liên minh, khiến NATO mất vị thế trên trường quốc tế. Ngay cả khi không rút khỏi NATO, ông Trump vẫn có thể làm suy yếu liên minh này bằng nhiều cách khác, bao gồm việc từ chối cử đại sứ đến NATO hoặc ngăn cản quân đội Mỹ tham gia vào các cuộc tập trận chung.

Trong chiến dịch tranh cử năm nay, ông Trump đã cảnh báo về việc rút Mỹ khỏi NATO, công kích các thành viên liên minh không đạt mức chi tiêu quốc phòng tương đương 2% GDP như cam kết, thậm chí úp mở về việc ngừng viện trợ cho Ukraine. Với những động thái này, NATO được dự báo sẽ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong thời gian tới.