Đây là nội dung trong tài liệu được Ủy viên phụ trách quốc phòng của Quốc hội Đức Eva Hoegl trình bày hôm 12/3. Theo ông, bất chấp những nỗ lực nâng cao cấp bậc, tình trạng thiếu nhân sự thực sự ngày càng trầm trọng hơn trong năm qua. 

Theo hãng tin RT, vào tháng 5/2022, Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố kế hoạch cải tổ đầy tham vọng nhằm mở rộng đáng kể lực lượng chiến đấu của Đức. Trong đó, Đức rót số tiền khổng lồ 100 tỷ Euro (107,35 tỷ USD) cho quân đội để thành lập đội quân NATO lớn nhất ở châu Âu. Kế hoạch này được triển khai vào thời điểm xung đột Nga - Ukraine đang ở giai đoạn đầu.

quan doi duc.jpg
Quân đội Đức tập trận. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, theo báo cáo của ông Hoegl, những nỗ lực của chính phủ Đức vẫn chưa có kết quả. Vào cuối năm 2023, quân đội Đức (Bundeswehr) có dưới 182.000 người, giảm so với con số 183.000 binh sĩ vào cuối năm 2022. Báo cáo cũng cho biết Bundeswehr sẽ không đạt được mục tiêu sở hữu 203.000 quân vào năm 2031.

Theo ông Hoegl, tỷ lệ bỏ giữa chừng trong quân đội Đức “vẫn rất cao”, trong khi số lượng đơn đăng ký mới thậm chí còn thấp hơn năm trước.

“Bundeswehr đang già đi và thu hẹp lại”, ông Hoegl nhấn mạnh thêm, khoảng 20.000 vị trí trong các lực lượng vũ trang vẫn còn trống. 

Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius còn đang xem xét đưa những người không phải là công dân Đức vào quân đội. “Chúng tôi sẽ không phải là lực lượng vũ trang đầu tiên ở châu Âu làm điều này”, ông Pistorius nói hồi tháng 1. 

Ngoài số lượng quân nhân giảm sút, Bundeswehr còn phải vật lộn để trang bị vũ khí. Theo đánh giá hàng năm, quân đội Đức vẫn đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược, phụ tùng thay thế, xe tăng, tàu, và máy bay.

Tình trạng thiếu thiết bị radio hiện đại đã gây khó khăn trong hoạt động liên lạc của quân đội Đức, và ảnh hưởng đến nhóm chiến đấu đa quốc gia do Đức dẫn đầu đóng quân ở Lithuania.

Theo ông Hoegl, sự thiếu hụt trong quân đội Đức trở nên “lớn hơn”, do Berlin viện trợ quân sự cho Kiev. Đức trở thành nước viện trợ quân sự lớn thứ 2 cho Ukraine trong xung đột với Nga. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức, Berlin đã chi khoảng 19 tỷ USD để mua vũ khí cho Kiev.