Ngân hàng được xem là ngành "nóng" trong những năm vừa qua vì người lao động được trả lương hậu hĩnh. Song thực tế, một số vị trí trong ngân hàng có thu nhập thua lao công, ô sin.
Về phòng trọ lúc 23h, Trung đổ vật xuống giường. Mệt mỏi, Trung liếc nhìn bản danh sách công việc cần làm trong ngày mới. Trong vòng một tuần nữa, anh phải tìm được thêm ít nhất 50 khách hàng mở thẻ, chưa tính người gửi tiền. Nếu không đáp ứng chỉ tiêu này, anh sẽ bị cho thôi việc.
Trung là một trong 200 ứng viên trúng tuyển vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng trong đợt tuyển dụng của một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cách đây gần 3 tháng. Trước khi được ký hợp đồng 3 tháng với mức lương mỗi tháng 4,5 triệu đồng, anh đã có một thời gian làm cộng tác viên phát hành thẻ cho ngân hàng nói trên. Với công việc của một chuyên viên quan hệ khách hàng, hàng ngày, Trung phải tìm kiếm người mở thẻ, gửi tiết kiệm.
“4 năm đại học sống nhờ sạp hoa quả của mẹ, khỏi phải nói, tôi đã vui như thế nào khi nhận được một công việc đúng ngành lúc vừa tốt nghiệp. Nhưng bây giờ, nhìn tương lai mù mịt quá”, Trung chia sẻ. Anh nói thêm, chuyên viên quan hệ khách hàng cũng giống như bộ phận sale của các doanh nghiệp dịch vụ. Mức lương cứng của những người làm công việc này tương đối thấp và thu nhập chủ yếu đến từ tỷ lệ hoa hồng khi hoàn thành định mức.
Tùy từng ngân hàng, lương cứng trả cho chuyên viên quan hệ khách hàng dao động 4-5 triệu đồng một tháng. Nói như một cán bộ tín dụng của ngân hàng có trụ sở chính trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), chuyên viên quan hệ khách hàng là công việc “lương 5 triệu, cong đít chạy chỉ tiêu”.
Một số vị trí trong ngân hàng có mức thu nhập thậm chí chưa bằng người làm công việc lao công, tạp vụ. Ảnh minh họa |
Cũng tùy từng đơn vị, nhân sự ở vị trí này sẽ được chủ động hoặc bị động nhận các chỉ tiêu. Một nguồn tin từ ngân hàng cổ phần có trụ sở tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, đơn vị này để cho các chuyên viên tự đăng ký KPI (thường là gửi tiết kiệm, mở thẻ) theo tháng hoặc thời hạn hợp đồng. Trong khi đó, ngân hàng của vị cán bộ tín dụng nói trên lại áp chỉ tiêu cụ thể, rõ ràng cho từng người, song mới dừng lại ở phát hành thẻ, huy động vốn, chưa liên quan gì đến cấp tín dụng.
“Về quê, bố mẹ tự hào với hàng xóm, khoe con là ‘cán bộ ngân hàng’, nhưng để bám trụ được ở thủ đô, tôi phải chi tiêu rất tằn tiện”, Trung kể. Với mức thu nhập tròm trèm 5-5,5 triệu đồng một tháng, trong đó tiền nhà trọ đã chiếm 1/3, kế hoạch chi tiêu của thanh niên 22 tuổi rất quy củ.
“1,4 triệu tiền nhà trọ, 70.000 đồng tiền nước, 400.000 đồng xăng xe, 50.000 đồng cước Internet, khoảng 100.000 đồng tiền điện, tiền ăn hàng ngày 60.000 đồng cho 2 bữa. Riêng điện thoại mỗi tháng cũng hết 400.000-500.000 đồng. Tổng cộng, mỗi tháng chi phí cố định khoảng 4-4,2 triệu đồng”, Trung nhẩm tính. Số phát sinh thêm gói gọn trong 1,5 triệu đồng. Số còn lại, Trung tiết kiệm, nhưng tháng được, tháng không.
“Học hành bài bản, tiền kiếm được mỗi tháng không bằng thu nhập từ sạp quả”, anh bày tỏ. Trung cho biết thêm, trong ngân hàng, chuyên viên quan hệ khách hàng là vị trí nhận lương "bèo" nhất. Giao dịch viên cũng là một trong những công việc có mức lương không cao, dao động 5-8 triệu đồng mỗi tháng, tùy đơn vị.
Theo khảo sát của JobStreet, mạng lưới nhân sự lớn tại Đông Nam Á, các vị trí trong ngành ngân hàng tại Việt Nam có sự chênh lệch theo thâm niên làm việc.
Cụ thể, nhân viên ngân hàng ít kinh nghiệm có mức lương tháng trung bình 5,68-8,9 triệu đồng mỗi tháng. Đối với nhân viên có kinh nghiệm, mức lương tháng trung bình rơi khoảng 6,7-10,5 triệu đồng.
Nhân sự cấp cao, chuyên viên nhận lương 7,6-12 triệu đồng một tháng. Còn cấp trưởng phòng hoặc quản lý, số này dao động 12,8-24,3 triệu đồng một tháng.
So với thống kê từ CNN về lương trung bình của người Việt (3,8 triệu), nhân viên ngân hàng có thu nhập nhỉnh hơn gần 2 triệu đồng mỗi tháng. |
Làm việc cùng tòa nhà nơi đặt phòng giao dịch ngân hàng Trung có chị Trần Thị Chinh (40 tuổi). Mỗi ngày, chị Chinh chạy 3 “sô” đến 3 địa điểm là cửa hàng điện thoại di động, văn phòng công ty kiểm toán và một tòa cao ốc khác trên phố Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Chị Chinh bắt đầu công việc từ 6h30, kết thúc lúc 15h30-16h. Với tổng thời gian làm việc là 8 tiếng mỗi ngày, thu nhập tính theo tháng của chị Chinh khoảng 6,5 triệu đồng. “Đây thật sự là mức rất ổn định với những người không có bằng cấp, trình độ như tôi”, chị tâm sự.
Điểm khiến chị hài lòng nhất với công việc là chủ yếu lau dọn đồ đạc, bàn ghế, hút bụi sàn, không cần dùng quá nhiều sức mà buổi chiều lại có thể về sớm với gia đình.
Chưa kể, với 6,5 triệu đồng kiếm được mỗi tháng, sau khi trừ tiền xăng xe, điện thoại, đóng học cho 2 con và các khoản sinh hoạt khác, chị để ra được khoảng 2-2,5 triệu đồng để chơi “hụi” – một kiểu tiết kiệm của những người ở ngoại thành.
Khá bất ngờ khi biết số tiền kiếm được mỗi tháng cao tương được một nhân viên ngân hàng, chị Chinh chia sẻ: “Cứ tưởng các cô cậu ấy quần là áo lượt thì lương phải cao gấp mấy lần dân lao động chân tay như chúng tôi chứ nhỉ?”.
Theo lời chị, mức 6,5 triệu đồng mỗi tháng của nghề lao công, tạp vụ như chị còn kém so với một số công việc khác. Chị Trần Thị Khuyên, chị gái chị Chinh, làm công nhân xúc than tại một công ty gạch tư nhân ở xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) mỗi tháng kiếm được hơn 7 triệu đồng. Mỗi ngày, chị Khuyên chỉ làm khoảng 5-6 tiếng.
Còn chị Thư, hàng xóm chị Chinh đi làm giúp việc (ô sin) theo giờ cho biết, mỗi tháng, chị kiếm được 5-6 triệu đồng. Công việc không quá vất vả mà giống như việc làm của các bà nội trợ. "Chỉ có điều cần làm sạch theo yêu cầu của người đi thuê. Thỉnh thoảng, chủ nhà hào phóng cũng thưởng thêm", chị Thư chia sẻ. Mỗi tháng, chị Thư tiết kiệm được 1,5-1,8 triệu đồng.
Một cán bộ chuyên về nhân sự của ngân hàng có hội sở trên phố Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, chuyên viên quan hệ khách hàng hay giao dịch viên trong các nhà băng đều được phân cấp. Vị trí nhận lương thấp nhất hiện tại là DSS (direct sales solutions), khoảng trên dưới 3 triệu đồng một tháng. Tính cả lương doanh số, tổng thu nhập cho DSS dao động 4,5-5 triệu đồng.
Chuyên viên quan hệ khách hàng là cấp cao hơn của DSS, phân thành cấp khởi nghiệp có mức lương 5-6 triệu đồng mỗi tháng và cấp có kinh nghiệm với thu nhập có khi lên đến 9-10 triệu đồng.
Cũng theo lời cán bộ nói trên, nếu không tính DSS, giao dịch viên chính là vị trí có mức lương thấp nhất trong một nhà băng. Thu nhập của bộ phận này cao hơn DSS, nhưng xét về mặt nào đó khó cao hơn chuyên viên quan hệ khách hàng cấp có kinh nghiệm. |
(Theo Zing)