Đây là dự án học tập thường niên trong môn tiếng Anh của học sinh khối 10 Trường Phổ thông liên cấp Olympia, được tổ chức theo mô hình Hội nghị Liên Hợp Quốc.
Hồng Vũ Bảo Khang (học sinh lớp 10) cùng các bạn trong khối sẽ được đóng vai là đại diện của các quốc gia, bàn thảo và tìm ra giải pháp cho những vấn đề thời sự toàn cầu như: Nạn chảy máu chất xám; Việc sử dụng công nghệ trong chống biến đổi khí hậu; Giải quyết các vấn đề sức khỏe liên quan đến việc tiêu thụ quá mức các trò chơi điện tử; Giải giáp cho các binh sĩ chưa đủ tuổi ở những khu vực dễ xảy ra xung đột…
Trong vai trò đại diện nước Mỹ nói về việc giảm thiểu hậu quả kinh tế xã hội của nạn chảy máu chất xám, Bảo Khang cho biết đây là quốc gia đang được hưởng lợi nhiều nhất từ việc này, bởi Mỹ thường là điểm đến của nguồn nhân lực có trình độ cao.
Trong khi đó, các học sinh khác là đại diện của những quốc gia đang chịu tác động nặng nề lại đưa ra thực trạng vấn nạn này đang làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội; Gây thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực quan trọng như khoa học công nghệ, y tế… Từ đó, các đại biểu cùng thảo luận và đưa ra các đề xuất, giải pháp khả thi cho đặc điểm, điều kiện của từng quốc gia.
Khang cho biết để nghiên cứu viết luận và các nội dung tham gia thảo luận, em đã phải mất hơn một tháng chuẩn bị. “Trước đó, thầy giáo đã gợi ý cho chúng em những trang thông tin chính thống của Chính phủ các nước để tìm kiếm thông tin. Ngoài ra, em cũng phải đọc các bài nghiên cứu khác về chủ đề này để thu thập số liệu”, Khang nói.
Tham gia dự án này, Khang học thêm được kỹ năng tìm kiếm, chọn lọc thông tin. Ngoài ra, em được trau dồi thêm năng lực tiếng Anh, kỹ năng làm việc nhóm và tư duy phản biện thông qua quá trình thảo luận.
Lê Phúc Hà Linh, học sinh lớp 10, hào hứng với hình thức kiểm tra này. Linh cho biết thay vì ngồi 3 tiếng để làm bài kiểm tra, cách kiểm tra này đã giúp em nâng cao hiểu biết về các vấn đề toàn cầu, phát triển năng lực tiếng Anh và học thêm nhiều kỹ năng mới như tư duy phản biện, kỹ năng viết luận, đàm phán, làm việc nhóm và lãnh đạo…
Thầy Leonid Kanev, Phó Chủ nhiệm chương trình tiếng Anh, cho biết đây là dự án học tập được tổ chức theo hình thức Hội nghị mô phỏng Liên hợp quốc. Học sinh cần phải nghiên cứu sâu về các vấn đề thời sự toàn cầu, từ đó tổng hợp thông tin và viết báo cáo trước thềm hội nghị.
“Thông qua báo cáo, giáo viên sẽ đánh giá được khả năng viết lách và việc tiếp thu các kiến thức liên quan đến chính trị, xã hội của từng học sinh”.
Sau hơn 1 tháng nghiên cứu, chuẩn bị cho hội nghị, tại phiên chính thức, học sinh sẽ cùng nhau đàm phán, thảo luận, đưa ra ý kiến, thậm chí tranh biện về các chủ đề chung.
Toàn bộ quá trình tham gia dự án này của học sinh sẽ được giáo viên đánh giá, lấy điểm hệ số 2 môn tiếng Anh. So với phương pháp học và thi truyền thống, thầy Leonid Kanev cho rằng cách làm này sẽ giúp giáo viên đánh giá được sự tiến bộ của học sinh trong suốt một quá trình.
“Đến với hội nghị, có những em trước đó còn tự ti, ít nói, giờ đây có thể tự tin đứng trước nhiều bạn trình bày quan điểm của mình. Tôi cho rằng việc học qua dự án như thế đem lại nhiều lợi ích như giúp học sinh phát triển khả năng ngôn ngữ và các kỹ năng mềm. Đây đều là những điều quan trọng đáp ứng bộ kỹ năng dành cho công dân thế kỷ XXI”.