Thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học thường niên năm 2023 với chủ đề “Một số vấn đề về phát triển chương trình giáo dục phổ thông” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 15/11.

Các đại biểu cho hay, trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực tế vẫn còn những khó khăn, thách thức như vấn đề dạy học môn tích hợp ở cấp THCS; việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương...

Chia sẻ về thực trạng những thách thức đối với giáo viên dạy môn học tích hợp ở cấp THCS, TS Đặng Thị Thu Huệ, Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia (PTBVCLGDPTQG) - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho hay, đã cùng nhóm nghiên cứu khảo sát đối với giáo viên trong 5 tỉnh: Hưng Yên, Lào Cai, Nghệ An, Kiên Giang, TP.HCM.

Với mẫu là 3.643 giáo viên được phân công dạy các môn tích hợp lớp 6 và 7 theo chương trình phổ thông 2018, kết quả cho thấy chưa đến 50% số giáo viên THCS dạy học tích hợp tự tin khi thực hiện các hoạt động đưa ra như: sử dụng sách giáo khoa mới; sử dụng các hình thức, phương pháp, kĩ thuật dạy học; xây dựng kế hoạch bài dạy/ môn học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực...; trong khi đó, chỉ dưới 4% giáo viên bày tỏ rất tự tin.

day hoc tich hop.png
Khảo sát của TS Đặng Thị Thu Huệ cùng nhóm nghiên cứu.

Khảo sát cũng cho thấy, chỉ 8,4% giáo viên cho rằng “Không gặp khó khăn” khi thực hiện “Dạy học tích hợp”, trong khi đó, tỷ lệ này ở các hoạt động khác là cao hơn dao động từ 16,6 đến hơn 2%.

Cùng đó, tỷ lệ giáo viên THCS gặp “Khó khăn” trong dạy học tích hợp là cao nhất với gần 16%, trong khi ở các hoạt động khác chỉ khoảng quanh ngưỡng 11%. Về tập huấn và bồi dưỡng, từ 47,1% đến 49,5% giáo viên đánh giá rằng các đợt tập huấn “tương đối hiệu quả”.

TS Huệ chia sẻ, bản thân bà cũng từng trực tiếp phỏng vấn về hiệu quả của lớp bồi dưỡng qua một giảng viên một trường đại học sư phạm tham gia dạy bồi dưỡng phân môn Vật lý cho giáo viên dạy Sinh học và Hóa học để dạy học tích hợp.

“Vị giảng viên chia sẻ thực sự chỉ khoảng được 5-10% số giáo viên tham gia lớp học khi về có thể dạy. Nhà trường tạo áp lực, bắt buộc phải đi mà thôi, người đi học bồi dưỡng thực sự không có tâm thế. Chỉ có một số giáo viên trẻ mới ra trường, tinh thần ham học hỏi còn cao nên chịu khó tìm tòi, quan tâm sâu sát hơn”.  

Xét một số yếu tố ảnh hưởng đến dạy học các môn học tích hợp (định mức giờ dạy, lương, phụ cấp), khảo sát cho thấy phần lớn giáo viên THCS dạy môn tích hợp cho rằng định mức giờ dạy, lương và phụ cấp hiện nay chỉ ở mức tương đối phù hợp (có 42,1% giáo viên cho rằng định mức giờ dạy mới chỉ tương đối phù hợp; 37,1% giáo viên cho rằng lương ở mức tương đối phù hợp và 37,2% cho rằng phụ cấp tương đối phù hợp).

Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nguồn học liệu, kết quả khảo sát cho thấy có tới 29,7 đến 40,2% giáo viên cho rằng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nguồn học liệu không đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng một phần.

Bên cạnh đó, có tới 29,7% đến 40,2% giáo viên cho rằng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nguồn học liệu không đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng một phần việc dạy học tích hợp.

Kết quả phỏng vấn, cán bộ quản lý và giáo viên phàn nàn tích hợp gây khó khăn về sắp xếp giáo viên. Thậm chí, học sinh bị lẫn lộn các phân môn khi thực hiện dạy song song cả 2 hay 3 phân môn, ví dụ như quên mang vở, sách,...

af8a5265.jpg
TS Đoàn Thị Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Liên quan đến chương trình phổ thông 2018, TS Đoàn Thị Thúy Hạnh (Phó Giám đốc Trung tâm PTBVCLGDPTQG), cho rằng nội dung giáo dục địa phương còn bất cập.

Theo bà Hạnh, mặc dù đã có các văn bản hướng dẫn của các cấp về nội dung giáo dục địa phương nhưng chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về khung chung (về nội dung, yêu cầu cần đạt theo từng khối lớp).

“Bên cạnh đó, đội ngũ biên soạn chương trình ở một số tỉnh không xuyên suốt cả 3 cấp nên một số nội dung giáo dục địa phương còn bị chồng chéo, lặp lại ở các cấp. Ngoài ra, còn khó khăn trong việc đặt tên, xác định yêu cầu cần đạt các chủ đề/bài học trong khung chi tiết ở từng lớp”.

Do đó, Bà Hạnh đề xuất Bộ GD-ĐT vẫn cần hướng dẫn xây dựng khung nội dung giáo dục địa phương chung.

img 6381.jpg
GS Lê Anh Vinh cùng các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo 

GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, những vấn đề mà các đại biểu đưa ra góp phần chỉ ra thực tiễn triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, từ đó sẽ gợi mở cho những nhà quản lý định hướng phát triển chương trình.

“Sang năm sau, chúng ta sẽ hoàn thành triển khai 1 vòng của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và từ đó sẽ có những đánh giá bước đầu đối với chương trình. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ phải nhìn nhận rất thẳng thắn vào những vấn đề còn tồn tại trong quá trình triển khai cũng như thực tế xây dựng chương trình để có những đề xuất về định hướng điều chỉnh và phát triển chương trình”, GS Vinh nói.