Sự thành công hay thất bại của cả một một dân tộc sẽ ít tính ngẫu nhiên hơn và phụ thuộc chặt chẽ vào GD của quốc gia đó. Một nền GD tốt là nền tảng quan trọng nhất cho sự phát triển của quốc gia.
Vừa qua, hai nữ văn sĩ tiếng tăm trong nước và ngoài nước, không hẹn mà gặp, đã cùng lên tiếng về kỳ thi tuyển sinh ĐH. Điều đặc biệt là, hai cây bút sắc sảo bỗng tìm được tiếng nói chung.
Nếu chúng ta được bơi trong hồ nước trong lành
Nhà văn T.H cho rằng không thể đổ thừa sự thất bại của cuộc đời mình cho Bộ GD&ĐT vì đó là trách nhiệm cá nhân. Nhà văn P.T.H cũng tỏ ý bênh vực kỳ thi vừa qua bằng cách dẫn ra câu chuyện tuyển sinh không kém rắc rối ở nước Đức và khuyên các bậc cha mẹ, học sinh Việt Nam hãy bình tĩnh và chủ động hơn
Quan điểm của hai nhà văn đem đến góc nhìn “lạ” trong một đám đông bực bội và mệt mỏi vì những bất cập mà sự thay đổi của kỳ thi tuyển sinh năm nay mang lại. Song cũng chính vì “lạ”, cho nên xung quanh có không ít ý kiến trái ngược.
Một mùa khai trường mới đã đến và bao nhiêu vất vả, nhọc nhằn phần nào lắng xuống. Đây có lẽ là lúc mà quan điểm của nhà văn T.H và P.T.H nên được nhìn lại một cách nghiêm túc hơn.
Người viết bài đồng ý với nhà văn T.H rằng mỗi người phải chịu trách nhiệm cao nhất với cuộc đời của mình. Chúng ta đã chấp nhận rằng dù hoàn cảnh gia đình thế nào, con người vẫn có thể thay đổi số phận thông qua những nỗ lực không ngừng. Vậy có lẽ chúng ta cũng cần làm quen với suy nghĩ: Dù nền GD của đất nước như thế nào, sự nỗ lực vươn lên của mỗi cá nhân mới là yếu tố quyết định sự thành công của họ. Những nước nghèo có nền GD kém chất lượng nhất vẫn có thể có những cá nhân tài giỏi và những nước có nền GD phát triển nhất vẫn không thiếu sản phẩm hư lỗi. Như vây, đúng là với từng cá nhân, tương lai nằm trong tay mỗi người chứ không do một vị Bộ trưởng nào quyết định.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ của quốc gia thì khác. Tôi tin rằng sự thành công hay thất bại của cả một một dân tộc sẽ ít tính ngẫu nhiên hơn và phụ thuộc chặt chẽ vào GD của quốc gia đó. Một nền GD tốt là nền tảng quan trọng nhất cho sự phát triển của quốc gia.
Bộ GD&ĐT không có nghĩa vụ đảm bảo tương lai cho từng học sinh, sinh viên nhưng có trách nhiệm hoàn thiện và củng cố nền GD để làm bệ đỡ cho sự phát triển của mỗi cá nhân. Một mặt, mỗi cá nhân phải tự cố gắng và chịu trách nhiệm với bản thân, nhưng mặt khác, với quyền công dân, chúng ta cũng có quyền đòi hỏi được hưởng thụ một môi trường GD ngày càng hoàn thiện hơn. Nói cách khác dù mỗi cá nhân phải tự bơi trong cuộc đời của mình nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta được bơi trong một hồ nước trong lành.
Tôi cũng đồng ý nữ văn sĩ P.T.H rằng người Việt thường đòi hỏi sự thay đổi, song khi sự thay đổi đến thật, chúng ta nhiều khi lại không hài lòng nếu nó đi cùng với sự phiền nhiễu ban đầu. Những người phê phán Bộ GD&ĐT không chịu thay đổi có thể cũng chính là những người phê phán khi Bộ này muốn đổi mới, bắt đầu từ thi cử. Dù có vẻ phi lý nhưng đây đúng là sự thật.
Tôi cũng chia sẻ với câu chuyện mà nhà văn P.T.H kể về nước Đức, nơi có nền GD thuộc hàng ưu việt. Tại đây không có Bộ GD nào đứng ra điều khiển việc đăng ký để vào ĐH. Chính học sinh (chứ không phải phụ huynh) sẽ phải tự bơi giữa vô vàn cơ hội cũng như rủi ro để tìm được cho mình một vị trí ngày càng khan hiếm trong giảng đường ĐH.
Hàng nghìn thí sinh và phụ huynh đã có mặt trong hội trường Đại học Kinh tế Quốc dân chiều 20/8. Ảnh: Phạm Đức Minh/VTC |
Từ câu chuyện của nhà văn P.T.H cũng xin nói thêm rằng việc nhiều thí sinh điểm cao mà vẫn trượt ĐH do chọn sai nguyện vọng là chuyện không mới và không riêng gì ở Việt Nam. Ở những nước nơi quyền tự chủ của các trường ĐH cao, tuyển sinh cũng giống như tuyển dụng, một học sinh giỏi nhưng trường cảm thấy không phù hợp vẫn hoàn toàn có quyền từ chối. Nó giống như việc một doanh nghiệp có thể từ chối một ứng viên dù thành tích đầy mình nhưng họ cảm thấy không phù hợp với môi trường doanh nghiệp.
Bộ GD trở thành… người chơi chính?
Tuy nhiên người viết xin nhấn mạnh rằng vấn đề của kỳ thi năm nay không nằm ở nội dung của sự đổi mới mà là cách thức thực hiện nó. Ý tưởng của một kỳ thi duy nhất và xét tuyển theo các nguyện vọng dựa trên kết quả của kỳ thi ấy là rất tốt, thế nhưng cần phải trả lời câu hỏi vì sao việc triển khai nó lại rối loạn như vậy?
Có những thử nghiệm có thể chấp nhận sai sót nhưng cũng có những thử nghiệm nên hạn chế tối đa sai sót, nhất là những thử nghiệm trên quy mô lớn. Trước kỳ thi, các đơn vị có thẩm quyền cho biết họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng khi tổng kết lại, chính họ lại phải thừa nhận chưa lường trước hết mọi kịch bản. Đây là bằng chứng rõ nhất của sự vội vàng, duy ý chí và thiếu tính toán.
Kỳ thi chung dẫn tới việc coi thi, chấm thi rải rác khắp các cụm làm sao tránh được sự khác biệt trong tính nghiêm túc và chuẩn mực đánh giá? Đã có ai hình dung việc sử dụng kết quả thi để phục vụ xét tuyển sẽ gặp phải vấn đề gì? Đã có ai lường tới tâm lý của phụ huynh và học sinh ra sẽ ảnh hưởng tới việc tiến hành kỳ thi như thế nào? Thực tế, xã hội chưa được chuẩn bị tâm lý cho sự rối loạn vốn dĩ khó tránh khỏi ấy. Không thể đổ lỗi cho tâm lý của xã hội mà phải tính tới tâm lý của xã hội khi thực hiện một sự thay đổi, hay đổi mới.
Chưa kể, chính câu chuyện của nhà văn P.T.H cũng cho thấy Bộ GD Đức đóng vai trò thứ yếu trong cuộc thi “bơi tự do” của các thí sinh. Đây là sân chơi của các trường ĐH và các thí sinh. Nộp hồ sơ vào đâu, chấp nhận hay không chấp nhận là vấn đề riêng giữa các trường ĐH với thí sinh. Trái lại, trong kỳ thi vừa qua, Bộ GD&ĐT đã và đang đóng một vai trò “bao cấp”, quá chủ động trong cuộc thi này.
Ai đó đã nói rằng thay vì giữ vai trò trọng tài thì Bộ đã trở thành... người chơi chính. Các trường ĐH lẽ ra phải tự chủ hơn trong quyết định tuyển ai, tuyển như thế nào thì lại chỉ có thể đứng nhìn. Cho nên lời khuyên của nhà văn P.T.H sẽ hữu ích hơn khi cơ chế tự chủ tuyển sinh đã được cả Bộ GD&ĐT, các trường ĐH và cả xã hội hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc.
Tóm lại, dù không “đóng vai nạn nhân”, không đổ lỗi nhưng việc phản biện chính sách với dụng ý xây dựng một phương cách thi cử tốt là điều rất nên làm. Khi người dân biết đòi hỏi quyền lợi thay vì chấp nhận đó là một tín hiệu đáng mừng cho sự tiến bộ. Sự cân bằng giữa trách nhiệm cá nhân và nhận thức về quyền công dân là chìa khóa của sự phát triển trong một xã hội hiện đại.