Chuyến tàu của ngư dân Phan Văn Điệp (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) vừa cập cảng Quy Nhơn. Hành trình gần 1 tháng lênh đênh trên biển mang về hơn 25 tấn cá, ước thu khoảng 500 triệu đồng cho các thuyền viên.

Đã 30 năm gắn bó cùng ngư trường khơi xa, chưa bao giờ, ông Điệp an tâm với các chuyến đi biển như hiện tại. Bởi, hải trình đã có thêm một người bạn quen thuộc, “thiết bị giám sát hành trình tàu cá".

Ông Điệp cho biết, bộ thiết bị giám sát được lắp trên tàu cá từ năm 2020 và có lợi ích thấy rõ trong 3 năm qua.

Thứ nhất, ông biết được toạ độ đánh bắt cá của mình ở đâu trên biển, định vị tàu hiển thị trên bản đồ. Chỉ cần cách ranh giới nước bạn khoảng 5 hải lý (hơn 9,2 km), tàu sẽ lập tức nhận được cảnh báo từ cơ quan chức năng đang giám sát trong đất liền, tránh xâm phạm ngư trường nước ngoài, ngăn chặn “hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” (IUU). 

Thứ hai, thiết bị giám sát hành trình cũng giúp tàu cá này giữ liên lạc chủ động, thường xuyên với đất liền, sóng liên lạc ổn định. Trường hợp tàu nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, thông qua định vị, cơ quan chức năng sẽ thông báo, hướng dẫn tàu tìm nơi tránh, trú. Cảnh báo sớm góp phần đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng ngư dân trên biển.

W-dsc00626-1.jpg
Ngư dân Phan Văn Điệp kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá (Ảnh: Xuân Quý)

Theo thuyền trưởng Trần Minh Tín (huyện Phù Cát, Bình Định), thiết bị giám sát hành trình giúp tàu cá chủ động trong tiếp nhận thông tin về thời tiết trên biển, tìm phương án an toàn cho hoạt động của tàu và các thuyền viên khi có bão.

“Hành trình lênh đênh khai thác thuỷ sản an tâm hơn. Việc được giám sát từ xa khiến bản thân các chủ tàu, thuyền trưởng tự giác không đưa tàu qua khỏi ranh giới ngư trường Việt Nam, chỉ đánh bắt trong phạm vi được phép”, anh nói.

Báo cáo từ Chi cục Thuỷ sản Bình Định cho hay, tại địa phương, số vụ tàu cá vi phạm ranh giới trên biển giảm mạnh sau khi có thiết bị giám sát hành trình.

Đơn cử, năm 2021 có trên 300 lượt tàu vi phạm/năm; năm 2022, con số này giảm 6 lần, có khoảng 50 lượt tàu vi phạm. Còn từ đầu năm 2023 tới nay, tỉnh Bình Định chỉ còn 30 tàu cá vi phạm.

W-dsc00639-1.jpg
Tàu đánh bắt xa bờ thường xuyên liên lạc với các lực lượng chức năng trong đất liền. (Ảnh: Xuân Quý)
W-dsc00638-1.jpg
Định vị các tàu theo thời gian thực được theo dõi tại Cảng cá Quy Nhơn. (Ảnh: Xuân Quý)

Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Bình Định chia sẻ, thiết bị giám sát hành trình đã ngăn tàu vi phạm ngư trường rất tốt. Nếu tàu ngắt thiết bị kết nối, có thể do yếu tố khách quan như mất tín hiệu trên biển. Trường hợp ngư dân cố tình tắt thiết bị giám sát, sẽ bị xử lý nghiêm. Hiện, hầu hết ngư dân đang chấp hành tốt quy định bật định vị giám sát hành trình trước khi ra khơi. 

Trước đó, năm 2020, tỉnh Bình Định bắt đầu hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 100% đội tàu đánh bắt xa bờ, có chiều dài tàu từ 15m trở lên.

Thiết bị có kinh phí hơn 21 triệu đồng/bộ và tỉnh hỗ trợ 50% số tiền/bộ cho các tàu. Đến nay, ngoài 25 tàu cá hư hỏng, nằm bờ; toàn bộ 3.235 tàu còn lại đã được lắp thiết bị giám sát hành trình.

Ông Bình đánh giá, nhận thức của ngư dân được nâng cao khi tham gia đánh bắt trên biển. Họ tự ý thức việc không vi phạm vùng biển quốc tế.

Qua hệ thống giám sát hành trình, chủ đội tàu theo dõi các tàu của mình từ đất liền, điều hành tốt hoạt động khai thác từ xa. Số liệu thống kê chỉ ra, luỹ kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2023, sản lượng khai thác thuỷ sản tại tỉnh Bình Định ước đạt hơn 241.000 tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2022. 

W-dji-0054-1.jpg
Toàn bộ các tàu cá đánh bắt xa bờ, đang hoạt động tại Bình Định đã được lắp thiết bị giám sát hành trình. (Ảnh: Xuân Quý)

Ngoài ra, lực lượng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Chi cục Thuỷ sản thực hiện giám sát, trực hệ thống 24/24. Trong các đợt thiên tai, tàu nào nằm ở vùng nguy hiểm, nhà chức trách sẽ liên lạc với chủ tàu, thuyền trưởng, để tàu về nơi tránh trú an toàn. 

Nếu một tàu gặp sự cố trên biển, qua bản đồ giám sát vệ tinh, lực lượng chức năng cũng xác định được các tàu khác ở gần tàu gặp sự cố, nhờ hỗ trợ khẩn cấp. Trái lại, trước đây khi chưa có thiết bị, việc liên lạc gặp khó khăn và tàu gặp nạn khó xác định vị trí.

“Với thiết bị giám sát hành trình tàu cá, chúng tôi không để ngư dân đơn độc trên biển. Cùng với đó, quá trình giám sát tàu hỗ trợ ngư dân tuân thủ pháp luật trên biển, góp phần giúp Việt Nam sớm được gỡ thẻ vàng IUU. Chẳng những đem lại lợi ích cho chính mỗi ngư dân mà đây còn là hình ảnh của quốc gia”, đại diện Chi cục Thuỷ sản Bình Định nói.

 Trần Chung - Xuân Quý