Tại hội thảo tham vấn chính sách bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non đối với trẻ em là con công nhân tại khu công nghiệp do Bộ GD-ĐT tổ chức, Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) cho biết thời gian qua các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên và trẻ mầm non tại các khu công nghiệp.

Cụ thể, theo báo cáo của Vụ Giáo dục Mầm non, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của cả nước có 11.116 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó, 3.444 trường công lập, 17 trường dân lập, 1.456 trường tư thục và 6.689 cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục. 

Các cơ sở đã huy động được trên 1,6 triệu trẻ em, đa số là con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nhiều học sinh và giáo viên mầm non nhận tại khu công nghiệp nhận được hỗ trợ.

Tính đến tháng 7/2023, đã có 49 tỉnh, thành ban hành Nghị quyết về mức hỗ trợ cụ thể đối với trẻ em và giáo viên mầm non; 31 tỉnh, thành có văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách đối với giáo viên mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Đặc biệt, có 5 tỉnh/thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng quy định mức hỗ trợ cao hơn so với quy định tối thiểu. 3 tỉnh là Bắc Giang, Quảng Nam và Bình Dương mở rộng đối tượng áp dụng hỗ trợ tới cả các cụm công nghiệp.

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay đã có hơn 86.000 trẻ em, 4.666 giáo viên mầm non và 858 cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp đủ điều kiện được nhận hỗ trợ. Số kinh phí là hơn 600 tỷ đồng. 

Theo đánh giá, chính sách hỗ trợ đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp đã giúp cha mẹ trẻ là công nhân có thêm phần chí phí để lựa chọn gửi trẻ ở những cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đảm bảo chất lượng.

Còn đối với các cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục chăm sóc giáo dục trẻ là con công nhân có kinh phí để đầu tư cho cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học.

Giáo viên mầm non có thêm thu nhập để yên tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Còn nhiều khó khăn

Tại hội thảo, đại diện Sở GD-ĐT Bắc Giang cho biết, số trẻ em là con công nhân ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thường xuyên biến động do nghỉ học, chuyển địa điểm học nên gây khó khăn cho công tác tổng hợp số liệu. Do trẻ em làm con công nhân liên tục có sự biến động, thay đổi nên ảnh hưởng đến việc bảo đảm sự hỗ trợ đối với giáo viên.

Đối với những địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất như tỉnh Bình Dương khó khăn lại xuất phát từ tình trạng thiếu giáo viên mầm non, nhất là giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non tư thục.

Một số địa phương cũng nêu khó khăn về việc ký xác nhận hồ sơ của bố mẹ làm công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất còn chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ hỗ trợ. Cùng với đó, việc chi trả chế độ chính sách cho giáo viên mầm non và hỗ trợ cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục nhiều khi còn chậm, chưa kịp thời.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, do thu nhập của giáo viên mầm non ở khối độc lập tư thục còn thấp, do đó việc đầu tư cho giáo viên đi tập huấn, học tập nâng cao trình độ để đáp ứng chương trình giáo dục mần non còn nhiều khó khăn.

Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có nhiều lao động trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hướng dẫn các địa phương thực hiện các chính sách đối với giáo dục mầm non.

Bên cạnh đó, Bộ tham mưu Thủ tướng Chính phủ để ban hành đề án phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi là con công nhân tại địa bàn có khu công nghiệp giai đoạn 2023-2030.

Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Việt Hùng, Trần Thị Huệ, Lê Thị Thúy Hồng