Nhiều người đi siêu thị lén bóc bánh kẹo, bim bim, đồ khô để ăn, khui nước ngọt uống trong khi siêu thị cấm ăn thử, cấm bóc các loại đồ.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết cổ truyền, đây cũng là lúc người dân đổ xô đi mua sắm Tết. Các mặt hàng được người dân lựa chọn nhiều là hoa quả, bánh kẹo, nước giải khát, bia... Tại Hà Nội nhiều siêu thị lớn như: Hệ thống Big C, Sapo Mart, Lotte, Vinmart, Metro... đều đông nghịt khách đến mua sắm.
Thế nhưng rất nhiều người dân đến mua sắm tại các quầy đồ khô, hoa quả, bánh kẹo hồn nhiên ăn, hồn nhiên nếm, thử các loại bánh kẹo. Ghi nhận của chúng tôi tại một vài siêu thị cho thấy, lượng người "hồn nhiên" nhồm nhoàm ăn nhiều nhất là ở các quầy bán nho khô, các loại hoa quả, bánh kẹo rời. Nhiều loại bánh kẹo được bọc trong túi nilon nhưng nhiều người đến mua sắm vẫn bóc ra ăn khá nhiều.
|
Ngay cả những quầy bán đồ khô như bim bim, bò khô, bánh gạo... vẫn có những người bóc cả gói ăn lén ăn lút vì... sợ bảo vệ siêu thị bắt gặp. Thậm chí đối với gian hàng nước ngọt, nước giải khát hình ảnh những lon nước bị khui ra uống dở vẫn thỉnh thoảng xuất hiện đâu đó trong siêu thị.
|
Khay thịt bò khô này có giá 85 ngàn đồng nhưng bị ăn gần hết.
|
Trao đổi với chúng tôi, một khách hàng đến mua sắm cho biết: "Thực ra có trẻ nhỏ đi theo chuyện lấy một vài cái kẹo cho cháu ăn lúc đó cũng chẳng sao nhưng việc người lớn hoặc một số cô cậu sinh viên lén ăn quà trong siêu thị thì đáng lên án".
|
Không ít khách hàng lại bóc các loại đồ khô như bò khô, cá mực hoặc thậm chí khui cả nước ngọt đứng uống ở một góc khuất nào đó . Chính vì ăn lén lút nên lượng đồ ăn vứt vương vãi một vài nơi khá phản cảm. Miếng bò khô giá gần 100 ngàn đồng bị ăn dở chỉ còn một góc bé xíu, chai nước ngọt C2 chỉ còn 1/5 hay lon coca-cola chỉ còn 2/3...
|
Hành động tự tiện bóc đồ ăn trong siêu thị đang làm xấu đi xã hội, ý thức, văn minh của một bộ phận người dân.
|
"Chỉ vì miếng ăn mà đánh mất đi cái danh dự của con người đúng là không nên, tôi nghĩ người dân nên nâng cao nhận thức, văn minh hơn khi đi siêu thị, đến các trung tâm thương mại. Lòng tự trọng không dùng đồ khi mình chưa trả tiền cần được nhận thức rõ ràng ...", bác H.T (56 tuổi trú tại Trung Hòa Nhân Chính - Thanh Xuân - Hà Nội) cho biết.
|
(Theo Trí thức trẻ)