Tuy nhiên, các hợp đồng ở nhiều dự án đã và đang xây dựng bộc lộ nhiều bất cập như chậm tiến độ, công nghệ lạc hậu; có nhà máy phải dừng hoạt động rất lâu để sửa chữa vì đơn vị trúng thầu “bắt thóp” giữ bí quyết công nghệ... Cách nào để giải quyết thực trạng này?
Viện Nghiên cứu Kinh tế chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố nghiên cứu về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc vào Việt Nam và chỉ ra những bất cập của các hợp đồng EPC. Nghiên cứu của VEPR liên quan đến các hợp đồng EPC từ Trung Quốc ở một số lĩnh vực như xây dựng nhà máy nhiệt điện, đường cao tốc, đường sắt trên cao.
Với nhiệt điện, VEPR khảo sát 40 nhà máy nhiệt điện đã và đang xây dựng. Dù chỉ có 6 dự án nhiệt điện thực hiện theo diện tổng thầu nhưng giá trị hợp đồng EPC của Trung Quốc chiếm tới 69% tổng nguồn vốn xây dựng nhà máy nhiệt điện. Trong quá trình xây dựng thực tế, tổng thầu EPC của Trung Quốc bộc lộ hàng loạt bất ổn. Gần 65% số dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ. Trong khi đó, nhà thầu Hàn Quốc không có dự án nào chậm tiến độ, của Nhật Bản chỉ 40% bị chậm tiến độ.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do tổng thầu EPC Trung Quốc thi công liên tục chậm tiến độ. Ảnh: Mạnh Thắng |
TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc (VEPR) đưa ra trường hợp xây dựng Nhà máy nhiệt điện Mông Dương và Nhà máy nhiệt điện Hải Dương để thấy rõ bất cập của EPC từ Trung Quốc. Theo đó, Nhiệt điện Hải Dương công suất 1200MW, do tổng thầu EPC Southwest Electric Power Design Institute và China Power Engineering Advisory Group của Trung Quốc thực hiện, có tổng trị giá 1,87 tỷ USD.
Theo ký kết, năm 2012, tổng thầu EPC phải đáp ứng yêu cầu tài chính. Tuy nhiên, sau 4 lần được Chính phủ Việt Nam cho phép gia hạn, đến tháng 1/2016, nhà thầu mới đáp ứng yêu cầu về tài chính. Tháng 3/2016, nhà máy khởi công xây dựng. Tuy nhiên, đến tháng 7/2018, nhà thầu mới hoàn thành 30% tiến độ công việc.
Cùng giai đoạn trên, Nhà máy nhiệt điện Mông Dương với công suất 1080 MW do Tổng thầu EPC Hyundai Engineering and Construction Co., Ltd (Hàn Quốc) xây dựng với trị giá 1,27 tỷ USD. Cuối năm 2011, nhà máy được khởi công và dự kiến hoàn thành vào quý 2 năm 2015. Đến tháng 3/2015, cả 2 tổ máy đã phát điện. Đến 6/2018, nhà máy đã sản xuất được 12,86 tỷ Kwh.
Với nhà máy thuỷ điện, việc chậm tiến độ do tổng thầu Trung Quốc rất phổ biến. Cả nước có 8 nhà máy thuỷ điện chậm tiến độ, trong đó có tới 5 nhà máy do nhà thầu Trung Quốc triển khai. Một trong những ví dụ điển hình của việc chậm tiến độ dự án do tổng thầu EPC Trung Quốc là Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ gần 5 năm so với dự kiến ban đầu. Đặc biệt, dự án này còn xảy ra hàng loạt sự cố.
Từ thực tế nghiên cứu này, Viện trưởng VEPR-TS Nguyễn Đức Thành kiến nghị, cơ quan chức năng mở rộng khái niệm về đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam cần bổ sung thêm dòng vốn từ dự án EPC.
“Việt Nam khó có thể ngăn chặn vốn Trung Quốc nhưng cần tăng kiểm tra, giám sát thi công và nghiệm thu. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm đối tác Việt Nam tham nhũng, kiểm tra giám sát công trình không sát sao”, ông Thành khuyến cáo.
Theo TS Trần Thị Ngọc Quyên (Đại học Ngoại thương), nhiều chuyên gia quốc tế đã cảnh báo Việt Nam phải cẩn trọng khi tiếp nhận dự án của Trung Quốc vì chi phí tương đối đắt đỏ, thực tế nhiều nước Asean đã gặp phải. Đề xuất này nhiều lần được nêu ra nhưng nhà hoạch định chính sách chưa quan tâm. Dòng vốn vẫn theo hợp đồng EPC từ Trung Quốc vào Việt Nam ở nhiều dự án trong nhiều lĩnh vực.
Trách nhiệm của ai?
Một trong những bất ổn của tổng thầu EPC từ Trung Quốc là tình trạng bị phụ thuộc công nghệ nước ngoài. Với tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng, nhà thầu Trung Quốc thực hiện 2 gói thầu. Sau khi đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc thuộc gói thầu này xuất hiện các điểm đọng nước, hạng mục cầu, hầm chui thấm nước, rỉ nước. Trong khi đó, nhà thầu Trung Quốc chỉ khắc phục bằng cách dùng băng dính và keo dán. Sau khi khắc phục, các đoạn đường này tiếp tục bị ngấm nước khi trời mưa lớn.
“Với tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Đà Nẵng, gói thầu của nhà thầu Trung Quốc thiết kế biện pháp thi công vòng vây cọc ván thép cho một số mố trụ cầu trên cạn không phù hợp với kết quả khảo sát địa chất, làm tăng dự toán hơn 13 tỷ đồng”, VEPR dẫn ví dụ.
Nghiên cứu của VEPR chỉ ra thực trạng tại dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 do tổng thầu EPC-Công ty tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc khởi công năm 2007 và dự kiến hoàn thành sau 30 tháng. Tuy nhiên, một năm sau khởi công, tổng thầu đề nghị tăng giá gói thầu do biến động thị trường. Đến năm 2013, dự án chưa hoàn thành, chủ đầu tư đề nghị tăng tổng thầu lên gấp 2 lần so với ban đầu và đến năm 2019 nhà máy chưa hoàn thành.
“Khi tổng thầu EPC rút về nước, chủ đầu tư thanh toán trên 92% trị giá hợp đồng trong khi đó tổng thầu chưa chuyển đủ thiết bị cho dự án nhà máy gang thép này. Máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ và thông số kỹ thuật; không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam”, VEPR đánh giá.
Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, nhiều công trình do phía Trung Quốc làm tổng thầu EPC giá rẻ nhưng vận hành kém, hiệu quả kém. Cơ quan chức năng cần phải phân tích, tính toán chi phí vận hành các công trình do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC. Thực tế, các dự án do Trung Quốc làm tổng thầu EPC xảy ra hàng loạt bất cập, hiệu quả thấp, phần lỗi do cơ quan chức năng của Việt Nam.
Trước đây, chúng ta ham giá rẻ. Giá rẻ sẽ xuất hiện tiêu cực. Cuối cùng, kết thúc dự án, đội vốn cao, dự án kém hiệu quả. Yếu kém của hợp đồng EPC trước hết do lỗi của cơ quan quản lý khi lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn dự án”, ông Tuyển đánh giá.
TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết Trung Quốc cho Việt Nam vay vốn lãi suất 3%/năm và cho Thái Lan vay với lãi suất 2,5%. Dù lãi suất thấp, Thái Lan vẫn kiên quyết lắc đầu.
“Trung Quốc có chiến lược đặc thù, tận dụng kiểu làm việc của một số đối tác Việt Nam là “thích đi đêm”; “đặt cược trước được bao nhiêu phần trăm của hợp đồng” nên đa số dự án Trung Quốc thắng thầu”, ông Lạng cho biết.
“Việt Nam khó có thể ngăn chặn vốn Trung Quốc nhưng cần tăng kiểm tra, giám sát thi công và nghiệm thu. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm đối tác Việt Nam tham nhũng, kiểm tra giám sát công trình không sát sao”, Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành. |
(Theo Tiền phong)