Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Huawei |
Phát biểu với báo chí Nhật Bản trong cuộc họp báo tại trụ sở Huawei ở Thâm Quyến hôm 18/5, ông Nhậm Chính Phi khẳng định: “Chúng tôi không làm gì vi phạm pháp luật”. Ông cho biết công ty của ông sẽ tiếp tục phát triển chip riêng nhằm giảm tác động từ lệnh cấm lên sản xuất. Ông nói Huawei sẽ “ổn” ngay cả khi Qualcomm và các đối tác Mỹ khác dừng việc bán hàng. “Chúng tôi đã chuẩn bị cho điều này”.
HiSilicon Technologies, công ty con của Huawei chuyên về thiết kế chip vi xử lý, cũng có kế hoạch phòng trường hợp nguồn cung bị gián đoạn. Trong lá thư mở, Chủ tịch Teresa He Tingbo viết: “Chúng ta thực tế đã tiên đoán ngày này từ nhiều năm và có kế hoạch đề phòng”.
Ông Nhậm tỏ ra kiên định khi nói: “Chúng tôi sẽ không thay đổi quản trị theo yêu cầu của Mỹ hay chấp nhận giám sát như ZTE”. Năm 2018, Mỹ cũng ra lệnh cấm tương tự với ZTE, đẩy công ty Trung Quốc đến bờ vực phá sản. Sau cùng, quyết định được dỡ bỏ do ZTE đồng ý nộp phạt 1 tỷ USD và để Bộ Thương mại Mỹ theo dõi.
Theo ông Nhậm, tác động từ lệnh cấm của Mỹ lên việc kinh doanh của Huawei sẽ hạn chế và ông bày tỏ tự tin trong dài hạn: “Huawei được dự đoán tăng trưởng chậm đi nhưng không đáng kể”.
Ông thậm chí còn bác bỏ viễn cảnh mở cửa hàng trên đất Mỹ: “Ngay cả khi Mỹ đề nghị chúng tôi xây dựng nhà máy tại đó, chúng tôi cũng không đi”.
Huawei mua khoảng 67 tỷ USD linh kiện, sản phẩm khác mỗi năm và gần 11 tỷ USD từ Mỹ, bao gồm chip của Qualcomm, Broadcom, phần mềm của Microsoft, Google. Công ty phụ thuộc chủ yếu vào bán dẫn của đối tác Mỹ. Họ có thể gặp khó khăn trong việc sản xuất smartphone và thiết bị viễn thông sau này.