Theo đài RT, ông Szijjarto đã bày tỏ quan điểm của Hungary về các kế hoạch của EU trong cuộc gặp với Aleksey Likhachev, người đứng đầu tập đoàn hạt nhân khổng lồ Nga Rosatom.
“Cơ hội sử dụng năng lượng hạt nhân khi hợp tác với Rosatom phù hợp với các lợi ích quốc gia của Hungary. Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Paks-2 vẫn là một dự án quốc tế lớn và ngoài Rosatom còn có các công ty Mỹ, Đức và Pháp tham gia", ngoại trưởng Hungary nói trong một thông điệp video trên Facebook ngày 25/9.
Hồi tháng 8, Rosatom đã ký thỏa thuận với Hungary để khởi công xây dựng 2 lò phản ứng cho nhà máy điện hạt nhân Paks-2. Budapest trước đó nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đối với Hungary và các nước EU lân cận.
Năng lượng hạt nhân hiện không nằm trong phạm vi trừng phạt Nga của EU và Hungary, nước thành viên liên minh, đã nhiều lần tuyên bố sẽ phản đối mọi nỗ lực áp đặt các hạn chế đối với lĩnh vực này. Trong khi đó, các quan chức Ukraine liên tục kêu gọi 27 nước thành viên EU đưa Rosatom vào danh sách đen.
Nằm cách Budapest khoảng 100km, Paks là nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Hungary. Cơ sở này đang vận hành 4 lò phản ứng VVR-440 theo thiết kế của Liên Xô để sản xuất khoảng một nửa lượng điện tiêu dùng của đất nước. Việc bổ sung thêm 2 lò phản ứng VVR-1200 mới hơn sẽ tăng gấp đôi công suất của nhà máy, điều Chính phủ Hungary từ lâu đã tìm cách thực hiện nhằm củng cố sự độc lập về năng lượng của đất nước.
Dự án từng bị trì hoãn kéo dài, buộc các quan chức Hungary phải thảo luận về việc thay đổi hợp đồng để có một công ty quản lý dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Ủy ban châu Âu đã phê duyệt những thay đổi đối với hợp đồng cũng như việc cung cấp tài chính cho dự án hồi tháng 5. Theo thỏa thuận ban đầu, Nga sẽ cung cấp khoản vay nhà nước trị giá 10 tỷ euro để trang trải phần lớn chi phí ước tính 12,5 tỷ euro của dự án.
Việc xây dựng Paks-2 dự kiến diễn ra vào mùa xuân năm 2024.