Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đưa ra đề nghị này trong chuyến viếng thăm đến New York. Tuy nhiên, nhiều khả năng lời đề nghị sẽ không nhận được sự đón nhận quá mặn nồng từ Chính phủ của ông Trump, những người hiện đang yêu cầu Iran phải thực hiện một loạt các cắt giảm, bao gồm đình chỉ việc làm giàu uranium và việc hỗ trợ các đồng minh và lực lượng đại diện trong khu vực.

Dù vậy, ông Zarif vẫn khẳng định lời đề nghị của ông là một “động thái đáng kể”.

“Đây không phải là chiêu trò truyền thông. Chúng tôi muốn có tiến triển thực chất”, ông Zarif nói với báo giới ở tòa đại sứ của Iran tại Liên Hợp Quốc ở New York hôm 18/7. “Có những việc họ có thể làm để mang đến giá trị thực chất”.

Ông nói thêm: “Nếu chính quyền của ông Trump thực sự muốn những gì như họ đã tuyên bố, thì họ sẽ làm. Họ không cần một cơ hội quảng bá hình ảnh. Họ không cần một tờ tài liệu dài hai trang với một chữ ký to bự”.

{keywords}
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif tại Liên Hợp Quốc, New York hôm 18/7  

Ông Zarif cũng tán thành sự “thận trọng” của ông Trump khi đã hủy bỏ kế hoạch tấn công Iran vào phút cuối, kế hoạch trước đó đã được thiết lập để đáp trả việc Tehran bắn hạ một máy bay không người lái của Washington. Bộ trưởng Zarif cho biết việc này đã cho ông niềm tin rằng hai nước có thể đạt được các tiến triển ngoại giao.

“Tôi tin là chúng tôi đã chỉ còn cách chiến tranh vài phút. Nhưng sự thận trọng đã thắng thế và chúng tôi đang không đánh nhau. Việc đó đã cho chúng tôi những lí do để lạc quan. Nếu chúng tôi làm việc, nếu chúng tôi nghiêm túc, chúng tôi có thể tìm được một lối đi”.

Ông Zarif cho biết rằng đến năm 2023, dưới hiệp ước hạt nhân JCPOA, Quốc hội Iran sẽ phải thông qua thêm Nghị định thư Bổ sung của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - một thỏa thuận tình nguyện cho phép các thanh tra của IAEA xâm nhập sâu vào Iran để chắc chắn rằng nước này không phát triển vũ khí hạt nhân. Dưới hiệp ước JCPOA, Iran hiện đã và đang tuân thủ Nghị định thư Bổ sung, tuy nhiên khi được Quốc hội chính thức thông qua, nó sẽ trở thành một cam kết cố định hơn.

Tương tự, cũng đến năm 2023 dưới hiệp ước JCPOA, Quốc hội Mỹ sẽ đồng thời phải thực hiện cam kết dỡ bỏ hết các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Ông Zarif đề nghị rằng hai nước sẽ thực hiện các bước này ngay lập tức.

“Nếu ông Trump muốn yêu cầu nhiều hơn thì cũng phải đáp ứng nhiều hơn, chúng tôi có thể phê chuẩn Giao thức Nâng cao và ông ấy có thể dỡ bỏ các cấm vận ông đã đặt ra”, ông Zarif nói. “Ông ấy đã nói rằng bất cứ quyết định nào cũng sẽ được đưa ra Quốc hội để phê chuẩn – tốt thôi. Dỡ bỏ trừng phạt đi và các bạn sẽ có Nghị định thư Bổ sung sớm hơn 2023”.

Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra phản hồi đối với lời đề nghị của ông Zarif, tuy nhiên quan điểm ngoại giao chính thức của Mỹ cho biết để có thể được gỡ trừng phạt, Iran sẽ phải đáp ứng một danh sách bao gồm 12 điều kiện, trong đó có việc giảm bớt can thiệp vào các xung đột khu vực. Iran đã từ chối các yêu cầu này.

Anh Thư