Theo Insider, S-400 Triumf của Nga hay được gọi bằng cái tên SA-21 trong liên minh NATO, đang được coi là hệ thống phòng không tốt nhất trên thế giới. Tổ hợp tên lửa này được cho là có thể bắn hạ mọi đối thủ, từ tiêm kích, máy bay không người lái, tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo.
Tổ hợp tên lửa của Nga có tầm bắn tối đa lên tới 400km, độ cao tối đa có thể vươn tới là 50km, đi kèm với hệ thống radar được cho là có khả năng phát hiện các tiêm kích tàng hình tốt nhất thế giới của Mỹ. Tuy vậy, sức mạnh thực sự của S-400 tới từ khả năng khóa 300 mục tiêu cùng lúc và bắn hạ 36 mục tiêu trong số này. Ngoài ra, S-400 đủ sức hạ gục những tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500km, gấp gần 4 lần hệ thống Patriot của Mỹ.
Tuy vậy, liệu S-400 có thực sự "bất khả chiến bại" như những gì mà Bộ Quốc phòng Nga công bố? Thông qua các cuộc thử nghiệm và một số ít báo cáo thực chiến được tiết lộ, các chuyên gia quân sự phương Tây khẳng định, S-400 không phải là không thể đánh bại, nhưng nó vẫn là một hệ thống phòng không thực sự tốt.
Công nghệ radar tân tiến của S-400
Quá trình phát triển tổ hợp phòng không S-400 được cho là đã bắt đầu từ những năm 1980, nhưng chỉ được công bố rộng rãi vào năm 1993. Vì các hạn chế trong ngân sách, tổ hợp này có cấu trúc tương đồng tới 70% so với người tiền nhiệm S-300. Sự khác biệt lớn nhất là ở hệ thống radar hiện đại trên S-400, phần mềm điều khiển được cải tiến, cùng với đó là những loại tên lửa tiên tiến nhất.
Một đặc điểm nổi bật khác của tổ hợp S-400 là khả năng chống lại các cuộc tấn công công nghệ cao. Các biện pháp chống tác chiến điện tử cho phép radar Nebo-M của S-400 thay đổi tần số nhanh để tránh việc bị làm nhiễu và cải thiện khả năng theo dõi mục tiêu di chuyển với tốc độ cao. Không chỉ nổi bật với khả năng tác chiến điện tử, Bộ Quốc phòng Nga còn khẳng định, Nebo-M có khả năng chống lại các tiêm kích tàng hình hiện đại nhất, kể cả F-35 của Mỹ.
Về bản chất, các máy bay chiến đấu tàng hình được phát triển để đối phó với các radar sử dụng tần số cao là C, X và K, vốn có khả năng cung cấp hình ảnh chính xác để các tên lửa hành trình xác định mục tiêu. Tuy nhiên chúng lại bỏ qua các radar tần số thấp như L và S, bởi chúng không thể cung cấp dữ liệu chính xác để các hệ thống phòng không "khóa" mục tiêu.
Để giải quyết vấn đề này, Nebo-M sử dụng một lúc 3 mảng radar tần số khác nhau. Hai trong số này là radar tần số thấp, Nebo SVU ở băng tần VHF và Protivnik G ở băng tần L, có nhiệm vụ chính là phát hiện sự hiện diện của tiêm kích tàng hình. Dĩ nhiên, chúng không thể cung cấp chính xác hình ảnh và tọa độ cho các tên lửa hành trình, nhưng khi được kết nối với radar Gamma S1 tần số X, Nebo-M có thể theo dõi máy bay tàng hình một cách hiệu quả, thậm chí là khóa mục tiêu.
Cuộc đối đầu giữa S-400 và F-35 sẽ diễn ra thế nào?
Trong một báo cáo được công bố vào năm 2014, Nga khẳng định các radar ở dải tần số thấp của Nebo-M có thể phát hiện tiêm kích tàng hình F-117 Nighthawk ở khoảng cách 350km trong điều kiện bình thường, ở khoảng cách 72km nếu bị gây nhiễu. Tuy nhiên, tiết diện chống phản xạ radar của F-117 là tương đối lớn, gấp đôi F-35 và gấp 30 lần so với F-22, nên việc phát hiện "Chim ưng đêm" không quá khó khăn.
Nếu lấy khung tham chiếu là F-117, các chuyên gia quân sự cho biết, S-400 có cơ hội khóa mục tiêu vào F-35, nhưng chỉ khi tiêm kích này cách tổ hợp tên lửa 32km. Nếu S-400 không thể ngắm xa hơn khoảng cách này, F-35 gần như giành chiến thắng 100% nhờ công nghệ tên lửa tàng hình chuyên diệt radar (AARGM-ER), hoạt động dựa theo nguyên lý bám theo tần số radar tìm nguồn phát. Tên lửa được trang bị trên F-35 có tầm bắn trung bình 96km, tức nó có thể tìm và tiêu diệt S-400 ở khoảng cách an toàn, ngay cả khi hệ thống phòng không này tắt các radar phát sóng.
Tuy vậy, trên thực tế sẽ không có cuộc đối đầu 1-1 nào diễn ra theo lý thuyết cả, bởi S-400 hiệu quả nhất khi là một phần của Lưới phòng không tích hợp (IADS). Trong trường hợp này, F-35 sẽ gặp khó khăn bởi tổ hợp của Nga có sự trợ giúp của các máy bay trinh sát và cảnh báo trên không, cùng với đó là các hệ thống phòng không khác hoạt động trong cùng mạng lưới.
Cách dễ dàng nhất để đánh bại S-400
S-400 thực sự là một hệ thống phòng không tốt, nhưng nó vẫn có nhược điểm cơ bản của mọi tổ hợp phòng không cơ động khác là đạn dược hạn chế. Một đơn vị S-400 của Nga thường có 8 bệ phóng, mỗi bệ phóng được trang bị 4 quả tên lửa các loại. Bất chấp những công nghệ hiện đại, nó chỉ có thể đánh chặn tối đa 32 mục tiêu trước khi hết đạn.
Như vậy, cách đơn giản nhất để vô hiệu hóa một tổ hợp S-400 là bắn nhiều tên lửa hơn khả năng đánh chặn của hệ thống. Một cách khác cũng có thể sử dụng là tấn công bằng một lượng lớn UAV cảm tử, vốn có giá chỉ vài nghìn USD. Bên cạnh đó, với sự phát triển vượt bậc của các vũ khí siêu thanh, các hệ thống phòng không hiện tại không có cách nào để đánh chặn một tên lửa có vận tốc tối thiểu là Mach 5 cả, S-400 cũng không ngoại lệ.
Việt Dũng