Thời đại mới đặt ra chuẩn mực mới cho người lãnh đạo. Người lãnh đạo biết chia sẻ nhọc nhằn với dân là người lãnh đạo tốt, song người lãnh đạo có thể giúp dân vơi bớt nhọc nhằn mới là người lãnh đạo lớn.

Tạp chí Kinh tế cuối năm do Trung tâm tin tức VTV24 thực hiện là một chương trình mang lại nhiều thông điệp cho người xem. Đã lâu lắm mới có một chương trình truyền hình khiến người xem xúc động, quan tâm và chia sẻ nhiều đến vậy trên mạng xã hội.

Buồn nhiều hơn vui?

Một trong những hình ảnh khiến tôi nhớ nhất là khu vườn có mái che tự động với một hệ thống tưới nước, bón phân cũng tự động dựa trên công nghệ cảm ứng nhiệt do Panasonic thử nghiệm tại Nhật Bản. Bên cạnh những đề tài nóng bỏng khác như vấn nạn biến đổi khí hậu đang hàng năm xói mòn đất mũi Cà Mau, hay tình trạng thực phẩm bẩn như một bóng ma đe dọa đời sống con người, khu vườn tươi tốt và hiện đại này giống như một mầm xanh hy vọng gieo vào lòng người xem.

Ít hôm trước, trên báo tôi lại tình cờ bắt gặp một hình ảnh khác: Tân Bí thư và Chủ tịch TP. Hà Nội xuống đồng cùng bà con nông dân nhân dịp đầu xuân Bính Thân. Hai ông không ngại chân lấm tay bùn, đẩy hai chiếc máy cấy nhỏ, trồng những khóm mạ đầu tiên của năm mới trước sự hiếu kỳ của hàng trăm, hàng nghìn người dân trên bờ.

Nhiều người cho rằng đây là một hình ảnh đẹp. Thoạt tiên tôi cũng cho rằng như vậy, song khi suy nghĩ kỹ hơn về câu chuyện lãnh đạo xuống đồng này, tôi lại thấy buồn nhiều hơn vui. Thú thật, dù Hà Nội đã mở rộng hơn bảy năm, tôi vẫn không khỏi có chút gờn gợn khi nghĩ tới việc cày cấy giữa thủ đô. Công cuộc mở rộng chưa rõ sẽ đem lại đổi thay gì ngoài một Hà Nội mênh mông, vừa có các cao ốc văn phòng lại có cả ruộng lúa, nương ngô; vừa nỗ lực trở thành đô thị kiểu mẫu đồng thời cũng phải lo xây dựng nông thôn mới.

{keywords}

Ông Hoàng Trung Hải xuống đồng điều khiển máy cấy trên cánh đồng thôn Phong Triều.

Nhưng điều đáng buồn không chỉ có vậy.

Đằng sau không khí xuân ấm áp và sự gần gũi của các vị lãnh đạo là hình ảnh những cánh đồng được canh tác bằng sức người, sức trâu bò, với sự hỗ trợ của những chiếc máy thô sơ. Cũng phải nói thêm rằng, tuy là thô sơ thôi nhưng chiếc máy cấy mà hai vị lãnh đạo Hà Nội điều khiển trong lễ xuống đồng vẫn là điều xa vời với rất nhiều vùng nông thôn.

Cách thủ đô không bao xa, vẫn là những làng quê nơi người đàn ông gánh bùn về vườn để gieo mạ, đến khi mạ đủ ngày thì gánh ra đồng để người phụ nữ còng lưng, đi giật lùi cắm từng đon mạ xuống đồng. Họ vẫn miệt mài thực hành phương thức canh tác mà hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm nay do cha ông, tổ tiên truyền lại.

Phải thừa nhận Việt Nam chưa có những thay đổi vượt bậc trong nông nghiệp dù đã bước sang một thiên niên kỷ khác. Những thửa ruộng nhỏ bé, khấp khểnh được đắp bờ chỉ vừa đủ chỗ đặt một bàn chân vẫn thách thức các loại máy móc hiện đại. Chưa kể, người nông dân nào cũng nhẩm tính ngay được nếu họ thuê ngoài các dịch vụ thì đến khi thu hoạch, giá trị thóc quy ra tiền không đủ để bù tiền giống, tiền phân bón, tiền công thuê cày bừa, cấy hái. Vì thế, họ cứ cắn răng lấy công làm lãi, duy trì một nền nông nghiệp thủ công trong một thế giới ngày càng hiện đại.

Sau luống cày, đường cấy khai xuân mới của các vị lãnh đạo trong lúc TPP, AEC đang đến rất gần, hàng triệu người nông dân Việt lại tiếp tục còng lưng trên những cánh đồng cũ với phương thức canh tác cũ. Nghĩ tới khu vườn sử dụng công nghệ cảm biến nhiệt tự động của người Nhật, tôi bỗng giật mình vì thấy khoảng cách phát triển hiện hữu cụ thể quá.

Thẹn với cha ông?

Nhưng không chỉ thua kém bạn bè thế giới, khi nhìn lại lịch sử nền nông nghiệp Việt Nam, chúng ta còn phải thẹn với chính cha ông mình nữa. Người Việt xưa khai hoang, lấn biển, thau chua, rửa mặn để mở mang những cánh đồng bát ngát. Những người nông dân Việt bị bắt sang Pháp lao động khổ sai những năm 1940 đã trồng lúa nước thành công trên những cánh đồng hoang, đem lại vụ mùa bội thu trước sự ngỡ ngàng của nhà nước bảo hộ.

Hôm nay, điều lớn nhất chúng ta có thể tự hào là thành tích xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Nhưng sau thành tích đó còn rất nhiều nỗi gian nan: Chất lượng gạo chưa cao nên chưa vào được các thị trường khó tính, luôn bị động về giá cả và nhất là chưa cải thiện được đời sống của người nông dân. Ngoài gạo và một vài nông sản truyền thống, các nông sản khác vẫn loay hoay trong con đường ra biển lớn. Còn rất nhiều việc phải làm để nền nông nghiệp có lịch sử hàng nghìn năm của Việt Nam đạt được vị thế mà nó đáng ra phải có.

Tôi vẫn luôn xúc động khi xem lại thước phim đen trắng với cảnh Hồ Chủ tịch cùng người nông dân tát nước bằng gàu dai, tuốt lúa bằng máy đạp chân. Nhưng sau nửa thế kỷ, các vị lãnh đạo vẫn làm lễ xuống đồng bên cạnh những con trâu được vẽ xanh đỏ và những chiếc máy thô sơ thì lại là một điều đáng suy nghĩ.

Tôi tin rằng người nông dân vui khi các lãnh đạo xuống đồng cùng họ ngày đầu xuân, song đó là một niềm vui chưa trọn vẹn. Điều đáng mong mỏi hơn là năm sau, năm sau nữa, dần dần cảnh xuống đồng cũ kỹ ấy sẽ được thay thế bằng cảnh nhấn nút khởi động những cánh đồng, những khu vườn công nghệ cao. Thời đại mới đặt ra chuẩn mực mới cho người lãnh đạo. Người lãnh đạo biết chia sẻ nhọc nhằn với dân là người lãnh đạo tốt, song người lãnh đạo có thể giúp dân vơi bớt nhọc nhằn mới là người lãnh đạo lớn.

Điều đó chỉ có thể đạt được nếu nông nghiệp được công nghiệp hóa thông qua những chính sách khuyến khích sự tham gia sâu rộng hơn của doanh nghiệp và sự khai phóng của khoa học công nghệ. Trong mùa xuân mới đến này, tất cả niềm hy vọng xin đặt vào các nhà lãnh đạo có tâm với nông nghiệp và có tầm nhìn vượt ra khỏi lối mòn.

Khương Duy