Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về đối ngoại và chính sách an ninh Federica Mogherini chỉ ra thập kỷ Châu Âu và châu Á đều cần đến nhau. Nhưng cả hai châu lục cũng đang đối mặt với những thách thức, mối đe dọa chung.
5 loại vũ khí khủng của Nga có thể đe dọa TQ
Bà Federica Mogherini, Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu về Đối ngoại và Chính sách An ninh, người sẽ chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu lần thứ 12 trong bài viết gửi đến VietNamNet nhấn mạnh các thách thức toàn cầu đối với hai châu lục:
Bà Federica Mogherini |
Đối thoại và hợp tác giữa chúng ta trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Cảm nhận trực quan về một diễn đàn lớn của hai châu lục chúng ta – Hội nghị Á-Âu – ngày nay đã trở nên có ý nghĩa hơn so với hai mươi năm về trước khi ASEM mới chỉ là sự khởi đầu.
Chúng ta cùng có một người láng giềng quan trọng, đó là khu vực Trung Đông. Chúng ta có cùng lợi ích trong việc đối phó với những mối đe dọa khủng bố, cũng như ngăn chặn những chiến binh nước ngoài đổ về khu vực này từ châu Âu và cả châu Á.
Chúng ta đang cùng đối mặt với sự gia tăng của làn sóng di cư trên toàn cầu: công luận ở châu Âu chúng tôi thường quên mất những đợt di chuyển lớn của người di cư và người tị nạn ở các châu lục khác, trong đó có châu Á.
Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn tới những làn sóng di cư này cũng chính là những vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm: xung đột, bất bình đẳng kinh tế, thiên tai do hậu quả của biến đổi khí hậu.
Châu Âu và châu Á đều cần đến nhau. Châu Á là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Để duy trì được đà tăng trưởng này, việc tăng cường các mối liên kết giữa hai châu lục chúng ta là điều tối quan trọng. Đồng thời, sự kết nối chính là một từ khóa quan trọng của ASEM.
Điều này không chỉ là kết nối châu Á và châu Âu bằng đường biển, hàng không hay đường sắt, mà cả kết nối số và thông qua các mối liên hệ giữa con người với con người – giữa các doanh nhân, sinh viên, giới học thuật hay đơn giản là du khách.
Một sự gia tăng quan hệ thương mại và đầu tư hai chiều cần trở thành một ưu tiên đối với cả hai bên. Vì lý do này, Ủy ban châu Âu đã quyết định dành trọn thời gian làm việc cho phép để củng cố các hiệp định thương mại hiện có cũng như xây dựng những hiệp định mới.
Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển của châu Á đó là sự bất ổn. Tháng 5 vừa qua, tôi đã tham dự Đối thoại Shangri-la ở Singapore, một trong những cơ chế đối thoại toàn cầu chính về an ninh và quốc phòng. Tôi đã bị ấn tượng khi thấy nhu cầu ngày một tăng đối với hợp tác giữa Liên minh châu Âu và các quốc gia châu Á trong các vấn đề an ninh.
Liên minh của chúng tôi không chỉ là một khu vực mậu dịch tự do rộng lớn mà chúng tôi còn là một thực thể mang lại an ninh toàn cầu. Đồng thời chúng tôi còn trở thành một đối tác ngày một gần gũi hơn trong vấn đề hòa bình và an ninh ở cả khu vực Á-Âu (“Eurasia”).
Vào giữa tháng 10 vừa qua, với tư cách là một bên chứng kiến quốc tế, EU đã ký vào hiệp định ngừng bắn trên phạm vi toàn quốc ở Myanmar.
Chúng tôi luôn kiện định ủng hộ hiệp định này trên cả phương diện chính trị và tài chính, nhằm đáp lại nguyện vọng của tất cả các bên đối với sự can dự của chúng tôi.
Nỗ lực này đã được đền đáp. Chúng tôi cũng đang duy trì sự hỗ trợ cho một thỏa thuận hòa bình toàn diện ở Philippines.
Còn có rất nhiều điều chúng ta có thể cùng hợp tác, ở vùng Viễn Đông cũng như ở những khu vực tiếp nối giữa hai lục địa. Hãy cùng suy nghĩ về Afghanistan.
Sau rất nhiều năm chìm trong xung đột, đất nước này cần một thỏa ước mới trong lòng xã hội, một thỏa ước mới giữa tất cả các cường quốc khu vực, và một thỏa ước mới giữa Kabul và toàn thể cộng đồng quốc tế.
Liên minh châu Âu sẽ đồng chủ trì một hội nghị quốc tế về Afghanistan ở Bỉ trong năm tới. Đây có thể sẽ là nơi mà cả ba thỏa ước mới này được thấy ánh sáng hy vọng.
Thỏa thuận đạt được mùa hè năm ngoái về chương trình hạt nhân của Iran đã cho thấy một giải pháp: khi các cường quốc thế giới từ tất cả các lục địa cùng hợp tác – châu Âu, Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ - cơ hội của sự thành công sẽ gia tăng.
Đó là lý do vì sao mà triển vọng của ASEM là rất lớn. Tại hội nghị ở Luxembourg vào ngày 5 và 6 tháng 11 tới, 51 quốc gia và hai tổ chức khu vực sẽ tham dự, đại diện cho 60% dân số, giá trị kinh tế và thương mại toàn cầu.
Hội nghị cũng có sự hiện diện của 12 thành viên G20 và một nửa số thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ.
'Phiên họp kín' giữa các bộ trưởng sẽ tạo nên một diễn đàn hoàn hảo để cùng rà soát lại tất cả các vấn đề cùng quan tâm. Hòa bình và thịnh vượng chung của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác giữa châu Âu và châu Á.
Hãy cùng khiến cho hội nghị ở Luxembourg trở thành dấu mốc quan trọng hướng tới một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn.
Federica Mogherini
Đại diện Cấp cao của EU về Đối ngoại và Chính sách An ninh