- Các phần mềm ứng dụng gọi xe điện tử sẽ phải đáp ứng tất cả các quy định kinh doanh như một hãng taxi truyền thống.

Bên cạnh đó, toàn bộ các phương tiện kết nối các ứng dụng gọi xe điện tử sẽ phải gắn phù hiệu "Xe taxi" trên kính xe; phải có hộp đèn với chữ "Taxi" gắn cố định trên nóc xe…

Đó chỉ là vài quy định nhằm siết chặt, bóp nghẹt các ứng dụng điện tử được quy định trong dự thảo mới nhất của Nghị định thay thế Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì soạn thảo.

Dự thảo bổ sung khái niệm về kinh doanh xe taxi (Điều 3.6): Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách, có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước chuyến đi được tính theo đồng hồ tính tiền hoặc tính theo phần mềm đặt xe kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng.

Bên cạnh đó, dự thảo quy định về chuyển đổi sang loại hình taxi (Điều 36.6): Toàn bộ các xe ô tô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng vận tải điện tử đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì phải thực hiện cấp đổi phù hiệu xe taxi và thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của xe taxi.

Dự thảo chỉ cho phép áp dụng hợp đồng điện tử với xe ô tô từ 9 chỗ trở lên (Điều 3.7): Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy hoặc hợp đồng vận tải điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải. Hợp đồng vận tải điện tử chỉ áp dụng đối với xe ô tô có sức chứa từ 09 chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở lên.

Như vậy, với những quy định trên, tất cả các ứng dụng đặt xe như Grab, FastGo, VATO, T.Net, v.v... là kinh doanh vận tải, và do đó, phải tuân thủ tất cả các quy định quản lý và điều kiện kinh doanh vận tải bao gồm cả sở hữu phương tiện, thuê người lao động, có bộ phận quản lý an toàn giao thông, v.v.. 

{keywords}
Toàn bộ các phương tiện kết nối các ứng dụng gọi xe điện tử sẽ phải gắn phù hiệu "Xe taxi" trên kính xe. Ảnh minh họa

Quy định như trên đã mặc nhiên quay lưng lại với những mô thức kinh doanh mới của cách mạng 4.0 của thế giới mà Chính phủ đang kêu gọi người dân và doanh nghiệp bắt kịp. Tư duy đó buộc mô hình vận tải ứng dụng khoa học công nghệ mới vào khuôn khổ pháp lý cũ.

Tư duy quản kỳ cục trên biến mô hình xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng vận tải điện tử trở thành mô hình taxi truyền thống, đơn vị ứng dụng kết nối trung gian trở thành đơn vị kinh doanh vận tải.

Rõ ràng, dự thảo nghị định này đã giữ nguyên tư tưởng bảo hộ cho mô hình truyền thống bất chấp hàng loạt các tham vấn có tư tưởng cởi mở, bắt kịp với các chuyển động của thế giới của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trước đây.

Dự thảo ngăn cấm việc sử dụng hợp đồng điện tử cho xe hợp đồng dưới 9 chỗ là dấu hiệu của việc phân biệt đối xử đối với một số đơn vị kinh doanh, đặc biệt là các hộ kinh doanh. Vì chỉ có các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh taxi, do đó, chỉ có doanh nghiệp, hợp tác xã mới được ứng dụng hợp đồng điện tử.

Hiện nay có hàng trăm công ty vận tải và hợp tác xã kinh doanh vận chuyển hành khách theo hình thức xe hợp đồng. Và nếu như họ không lựa chọn chuyển đổi sang hình thức kinh doanh taxi thì điều đó có nghĩa là họ sẽ không được ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình nữa. 

Việc chuyển đổi giấy phép và phù hiệu kinh doanh từ loại hình hợp đồng sang taxi gây lãng phí không cần thiết cho rất nhiều doanh nghiệp vận tải khi họ đã phải thực hiện quy trình gắn phù hiệu xe hợp đồng trước đó.

Việc chuyển đổi giấy phép, phù hiệu kinh doanh sẽ làm gia tăng mạnh khối lượng hồ sơ, thủ tục hành chính cho cơ quan quản lý các địa phương khi phải thực hiện việc chuyển đổi cho gần 100.000 xe hợp đồng trên cả nước, trong khi chưa rõ hiệu quả quản lý.

Bên cạnh đó, yêu cầu chuyển xe hợp đồng thành xe taxi sẽ ngăn cản nhiều chủ xe tận dụng các xe nhàn rỗi của gia đình, cá nhân tham gia vào hợp tác xã để cung cấp dịch vụ vận tải, gây lãng phí nguồn tài nguyên sẵn có trong xã hội, trong khi đơn vị kinh doanh phải đầu tư phương tiện mới.

Dự thảo nếu có hiệu lực sẽ làm mất đi quyền lợi của người sử dụng dịch vụ vận tải trong việc lựa chọn phương thức di chuyển hiện đại, chất lượng tốt, tiện lợi với giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sẽ không thể áp dụng hợp đồng điện tử, tận dụng nền tảng công nghệ, dẫn tới việc thị trường kém cạnh tranh và tăng giá cả dịch vụ.

Năm 2015, Chính phủ đã đồng ý cho triển khai đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”. Kết quả là có hàng loạt các doanh nghiệp cung cấp phần mềm điện tử để thực hiện hợp đồng vận tải điện tử như Uber, Grab, EMDDI, VATO, T.Net, Aber, FastGo và Go-Viet. Ngay cả các các doanh nghiệp taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh, Thành Công, GroupTaxi, VicTaxi, Taxi Long Biên, SunTaxi, Taxi Phúc Xuyên… cũng tự xây dựng phần mềm điện tử cho hãng mình.

Sau ba năm thí điểm, đề án đó đã giúp người dân hưởng lợi lớn, tạo ra một thị trường cạnh tranh hơn. Người tiêu dùng đã có thêm nhiều lựa chọn với chất lượng dịch vụ được cải thiện và giá cả minh bạch cho mỗi chuyến đi. Trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải cùng hàng trăm nghìn lái xe có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập gia tăng.

Vậy mà nay những thành tựu đó đang đứng trước nguy cơ bị xóa bỏ bởi tư duy quản lý kỳ cục.

Tư Giang

Khi xe Grab có mào

Khi xe Grab có mào

Tư duy chính sách cần theo kịp những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống và xu thế hiện đại chứ không nên gò bó vào khuôn khổ của những hiểu biết cũ mới thúc đẩy sự phát triển.    

Những quy định vận tải cười ra nước mắt

Những quy định vận tải cười ra nước mắt

Có những quy định vận tải tréo ngoe, rối rắm mà người dân và doanh nghiệp có thể bị bắt lỗi, phạt tiền hay nhũng nhiễu bất kỳ lúc nào.

Chủ tịch WEF: cách mạng 4.0 thay đổi căn bản chúng ta

Chủ tịch WEF: cách mạng 4.0 thay đổi căn bản chúng ta

Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab khẳng định, cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ ảnh hưởng tới cách sống của con người mà còn định nghĩa lại chúng ta là ai.

Vé để lên ngay con tàu 4.0

Vé để lên ngay con tàu 4.0

Khi Giáo sư Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đến Việt Nam hồi cuối tháng Bảy vừa rồi, ông nhận được câu hỏi từ một phóng viên: Liệu robot thông minh có cướp đi việc làm của con người?