Nông sản mạnh dạn “tiến lên” TikTok

Tại các diễn đàn về thúc đẩy kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững thời gian qua được tổ chức ở các địa phương, một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm chính là việc đưa được nông sản, các sản phẩm OCOP của các HTX lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hoặc các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook và TikTok.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có khoảng 57 triệu người tham gia mua sắm online và 72% người dùng chi tiêu trực tuyến với lý do để nhận ưu đãi tốt hơn. Trước bối cảnh sức cầu suy giảm hiện nay, thì những kênh bán hàng online đang trở thành một cơ hội cực lớn giúp các HTX, doanh nghiệp giữ đà tăng trưởng, thoát khỏi tình cảnh tồn kho, thậm chí là nguy cơ phá sản.

hieu0498.jpg
Vườn cam mẫu tại Tiên Kiều (Bắc Quang, Hà Giang) được nông dân các HTX tại đây chăm sóc đúng quy trình VietGap và bán sản phẩm trên các nền tảng mảng xã hội như Facebook, TikTok khá thành công.

Trên thực tế, khi sự phát triển chóng mặt của các nền TMĐT, người tiêu dùng ngày càng hướng tới hình thức mua hàng online bởi sự tiện lợi khi ngồi nhà đã có thể mua sắm toàn cầu bất cứ thứ gì. Trong bối cảnh ấy, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nói chung, các HTX nói riêng không những phải tìm hướng đi mới phù hợp với xu thế chung ấy mà còn phải bắt nhịp tiến lên các nền tảng.

Trong các nền tảng mạng xã hội hiện nay, TikTok đang là nền tảng phổ biến thứ 3 tại Việt Nam chỉ sau Facebook và YouTube. Ông Nguyễn Lâm Thanh - CEO TikTok Việt Nam cho biết, tần suất sử dụng TikTok của người Việt ít nhất 1 lần/tuần. Tại thị trường Việt Nam, TikTok đã có bước phát triển một cách nhanh chóng. Do vậy, khi TikTok ra mắt thêm tính năng Tiktok Shop (từ tháng 4/2022), ngay lập tức nền tảng này đã có sẵn 49,9 triệu người dùng thường xuyên và hàng chục triệu gian hàng được đăng ký.

Về phía người dùng, sự phát triển bùng nổ của các kênh TMĐT đã giúp họ có thể tiếp cận được các mặt hàng trên khắp toàn cầu (từ cây kim sợi chỉ cho tới những món hàng xa xỉ) trên các sàn TMĐT hay các nền tảng mạng xã hội. Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, trong đó kinh tế số đóng vai trò trụ cột thì việc người dùng được trải nghiệm các hình thức mua  hàng trực tuyến, trải nghiệm đa kênh, thanh toán online chỉ với cái nhấp chuột thì bất cứ doanh nghiệp nào không thay đổi sẽ bị bỏ lại phía sau.

“Chính vì vậy, việc các HTX tại Việt Nam đang nhanh chóng nắm cơ hội đưa hàng hóa lên các nền tảng xã hội, sàn TMĐT nói chung, bắt đầu kinh doanh trên nền tảng TikTok nói riêng đang trở thành hướng đi mới”, ông Nguyễn Lâm Thanh nói.

Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên nền tảng TikTok

Trái ngược với những khó khăn khi đưa nông sản lên các sàn TMĐT của đại diện các HTX nông sản khu vực miền núi phía Bắc, việc quảng bá và đưa sản phẩm lên các nền tảng mạng xã hội như TikTok Shop lại dễ dàng và đang được các HTX phía Nam tập trung đẩy mạnh.

Ví dụ, HTX Ba khía Đầm Dơi (Cà Mau) sau khi giới thiệu cách ăn ba khía trên nền tảng Tiktok đã giúp HTX bán hết tất cả các sản phẩm được sản xuất và hiện nay HTX phải xây kho để mở rộng thêm. HTX Vườn nhà Đà Lạt sau khi giới thiệu rau củ quả tươi sống ở Đà Lạt trên nền tảng Tiktok đã bán được 1,6-2 tỷ đồng rau củ quả tươi mỗi tháng...

Lí giải sự thành công của các HTX này, ông Nguyễn Lâm Thanh – CEO Tiktok Việt Nam phân tích, từ năm 2022 TikTok đã triển khai nền tảng TMĐT cho phép người dùng bán trực tiếp sản phẩm và nhà sản xuất có thể bán hàng trực tiếp trên nền tảng. Hiện nay, mỗi ngày TikTok Shop có trên 1 triệu đơn hàng được giao dịch thành công, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, các HTX chính là hạt nhân khiến việc kinh doanh trên TikTok Shop bùng nổ.

Là một doanh nghiệp nhỏ chuyên kinh doanh dược liệu, chị Đỗ Thu Trang – HTX An Khang ở Hà Giang cho biết, mỗi ngày chị cùng các xã viên HTX đều đặn livestream bán hàng trên TikTok. Số lượt người xem ban đầu rất khiêm tốn, nhưng nhờ được tư vấn giới thiệu các sản phẩm OCOP, tư vấn cách quảng bá thương hiệu mà hiện tại số đơn hàng của HTX ngày một nhiều hơn. Những khách hàng khắp cả nước đã biết đến các sản phẩm của An Khang.

Được biết, nhằm hỗ trợ cho các sản phẩm nông sản vùng nông thôn nói riêng trong đó có khu vực HTX, TikTok đang đẩy mạnh hỗ trợ việc đưa nông sản lên nền tảng này. “Từ cuối năm 2022, TikTok Việt Nam đã cho chạy từ khoá “OCOP - đặc sản Việt Nam" trên nền tảng để các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP của mình. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023, hơn 10.000 video giới thiệu về sản phẩm OCOP với hơn 1 tỷ lượt xem đã được phát trên TikTok. Chính lượng video khủng này đã góp phần đưa được nông sản của các HTX đến gần hơn với người tiêu dùng”, ông Thanh nhận xét.

Tuy nhiên, để các nông sản, sản phẩm OCOP đến được với bữa ăn từng gia đình thì cải thiện quy trình quảng bá là việc các HTX cần lưu ý. Theo ông Thanh, người tiêu dùng mua hàng online bởi tính tiện lợi nhanh chóng và được giá tốt nhưng phải giữ nguyên được chất lượng. Nông sản lại là mặt hàng mà yêu cầu về khâu vận chuyển, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… rất cao, do đó nếu nông dân, HTX làm ăn chộp giựt thì sẽ bị mất uy tín và ảnh hưởng tới các HTX khác.

“Mỗi doanh nghiệp, HTX cần liên tục cập nhật, học hỏi những sự phát triển công nghệ mới hay trong xu hướng mua sắm của người tiêu dùng để có thể thúc đẩy sản xuất và kinh doanh. Nếu biết cách tận dụng tối đa lợi thế của TikTok Shop thì nền tảng TMĐT này sẽ trở thành một “mỏ vàng" cho người kinh doanh tại Việt Nam nói chung và các HTX nói riêng”, ông Thanh nhắn nhủ.

Nguyễn Thanh và nhóm PV, BTV