Thông tin cho thấy, vị phó giám đốc sở đã có lời lẽ trịch thượng, bề trên như kiểu ban phát “cả gia đình nhà mày chết tao đi tù cũng được, không lấy tiền tao không cho nữa”, lời lẽ nghe hết sức “bi hài” trong cách giải quyết vấn đề của người có thẩm quyền.
Người dân luôn mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền đến các vấn đề an sinh xã hội. Hiện nay, việc khai thác khoáng sản nói chung và khai thác đá nói riêng ở một số nơi vẫn sử dụng thuốc nổ trong hạn mức cho phép.
Điều này ít nhiều gây tiếng ồn, bụi bẩn, đường xá xuống cấp (do xe chở tải), nứt gãy nhà ở, công trình phụ của người dân do rung chấn... Sự việc ông Nguyễn Tiến Dũng phát ngôn gây sốc diễn ra trong quá trình khảo sát giải quyết các vấn đề từ quá trình khác khai thác đá tại cơ sở…
Ông phó giám đốc sở cho rằng, các vết nứt trên tường và công trình phụ của nhà dân chỉ là nứt chân chim. Sự việc sẽ khách quan nếu sử dụng kĩ thuật đo đạc khoa học để đánh giá tác động thay vì quan sát bằng mắt thường.
Và lẽ đương nhiên, khi người dân không “ưng”, không phục cách đánh giá như vậy thì họ lên tiếng, họ cãi cự thay vì đối thoại tập thể, họp các ban ngành, đoàn thể và truy vấn trách nhiệm của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tiến Dũng kết luận hết sức hồn nhiên như kiểu “ngoan thì cái gì cũng có” (không lấy tiền tao không cho nữa) khiến dư luận không khỏi giật mình về vị thế của người dân ở đâu trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Xa hơn nữa là quyền lực mà nhân dân ủy thác cho chính quyền, cho cán bộ có biểu hiện xa rời thực tế. Đấy là cái đáng buồn rất hài hước về phong cách lãnh đạo theo nếp cũ “áp đặt” tư duy ban phát, cơ chế xin - cho còn vương vấn trong nhận thức của một số bộ phận cán bộ lãnh đạo giao thời.
Ở một chừng mực nào đó, phát ngôn của vị lãnh đạo sở này còn phơi bày sự bất lực, khả năng thuyết phục không cao đối với một số vấn đề về quyền lợi mà người dân nghiễm nhiên phải có. Trong mối quan hệ lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền thì cán bộ lãnh đạo, quản lý phải phân biệt được đâu là các đòi hỏi chính đáng để áp dụng theo luật định nhằm đền bù, hỗ trợ (theo khu vực, khoảng cách, diện tích...).
Có thể thấy, khi các kiến nghị của người dân lên đến cấp tỉnh và lãnh đạo sở ngành phải chú ý về địa bàn (có sự vụ) thì người dân không gì mong mỏi hơn là các vấn đề được xử lý triệt để, có lý, có tình, đảm bảo hài hòa bài toán phát triển kinh tế với vấn đề an sinh xã hội.
Điều này đòi hỏi năng lực thuyết phục hơn áp đặt, giải thích hơn chỉ định khi tiến hành công tác trên thực tế, ngoài cơ sở của người cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Nếu cán bộ tinh ý về một số địa bàn có tính vấn đề, đơn thư đến cấp tỉnh, là những địa chỉ cần lưu ý trong quá trình lãnh đạo, quản lý thì việc khảo sát cơ sở tránh rình rang, ô tô tiến sát cổng nhà dân, nói năng chừng mực sẽ góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, dập tắt sự vụ mang màu sắc điểm nóng xã hội và rút gần khoảng cách giữa cán bộ và người dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn “trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng phát biểu chỉ đạo “một số người có chức, có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân, tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng”.
Tinh thần “trọng dân, quý dân” dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần được đề cao và đâu đó chúng ta vẫn thấy bóng dáng hình ảnh của "quan phụ mẫu" vốn dĩ đã tồn tại cách đây nhiều thập kỷ còn hiện diện ít nhiều.
Đáng mừng là ngay sau đó, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình đã thông tin rằng ông Dũng đã nhận thức được sự việc và sẽ xin lỗi người dân. Đây thực sự là bài học tuy không mới nhưng luôn cần thiết cho cá nhân ông Dũng nói riêng và cán bộ các cấp nói chung.