Theo RT, ông Stoltenberg khẳng định khối quân sự do Mỹ lãnh đạo phải tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine như những gì đã làm kể từ năm 2014. "Chúng ta cũng cần một ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ hơn. Vũ khí và đạn dược dự trữ của chúng ta đã cạn kiệt và cần được bổ sung. Không chỉ ở Đức mà còn ở nhiều quốc gia trong NATO".
Quan chức này cho biết thêm, ông đã gặp gỡ các đại diện của ngành công nghiệp quân sự vào tuần trước và thảo luận về cách tốt nhất để tăng cường sản xuất, hợp lý hóa chuỗi cung ứng. Theo ông Stoltenberg, đó là chìa khóa để duy trì sự hỗ trợ của NATO dành cho Ukraine.
Mỹ và các đồng minh đã gửi vũ khí, thiết bị và đạn dược trị giá hơn 100 tỷ USD cho Kiev vào năm 2022, sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang. Các nước phương Tây khẳng định điều này không thực sự khiến họ trở thành một bên tham gia xung đột.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc phương Tây can dự trực tiếp, không chỉ với việc cung cấp vũ khí mà còn huấn luyện quân đội Ukraine ở Anh, Đức, Italia và nhiều nơi khác.