Trước thời điểm Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, nhiều quốc gia NATO đã không đáp ứng được những mục tiêu dự trữ vũ khí mà NATO đề ra.
Reuters đưa tin, với tốc độ binh sĩ Ukraine bắn 10.000 quả đạn pháo/ngày như hiện nay, kho dự trữ của phương Tây nhanh chóng cạn dần, cũng như bộc lộ lỗ hổng về hiệu quả, tốc độ và nhân lực của chuỗi cung ứng, sản xuất vũ khí.
Một nhà ngoại giao châu Âu nói với Reuters rằng, “Nếu châu Âu xung đột với Nga, một số nước sẽ hết đạn chỉ trong vài ngày”.
Theo một quan chức NATO giấu tên, tổ chức này vừa hoàn thành một cuộc khảo sát đặc biệt về kho vũ khí còn lại của mỗi nước thành viên. Ông này cho hay, phần lớn các nước đều không đáp ứng được yêu cầu dự trữ đạn dược mà NATO đề ra trước cả thời điểm xung đột ở Ukraine bùng nổ. Hiện tại, kho dự trữ ngày càng sụt giảm.
Số lượng đạn còn lại trong kho quân sự của phương Tây là thông tin tuyệt mật tương tự như mục tiêu dự trữ mà NATO đặt ra cho từng quốc gia thành viên. Nhưng nói chung, NATO đã giao nhiệm vụ cho mỗi đồng minh cung cấp năng lực nhất định để có thể sử dụng trong trường hợp xảy ra xung đột.
Điển hình, một quốc gia thành viên NATO cần có sư đoàn thiết giáp khoảng 10.000 - 30.000 quân được trang bị đầy đủ đạn, và sẵn sàng chiến đấu ở một cường độ nhất định trong khoảng thời gian nhất định, cũng như cung cấp số lượng cụ thể đạn, xe tăng, lựu pháo theo yêu cầu của NATO.
Theo một nguồn tin quốc phòng, riêng Đức đã thiếu 20 tỷ euro (21 tỷ USD) để đạt được mục tiêu mà NATO đề tra trước thời điểm chiến sự ở Ukraine bùng nổ. Hiện Bộ Quốc phòng Đức chưa xác nhận thông tin này.
Cũng theo quan chức NATO giấu tên, thiếu hụt lớn nhất là đạn cỡ 155 mm sử dụng trong lựu pháo, tên lửa HIMARS, cùng các loại đạn cho hệ thống phòng không như IRIS-T, Patriot và Gepard. Đây chính là những vũ khí mà quân đội Ukraine đang sử dụng nhiều.
Quyết định mới về nâng mục tiêu dự trữ vũ khí có thể được giới lãnh đạo NATO công bố trong hội nghị thượng đỉnh ở Litva vào giữa tháng Bảy tới.
Thiếu năng lực
Chiến sự ở Ukraine đã làm lộ lỗ hổng của ngành công nghiệp sản xuất vũ khí. Hiện tại, Mỹ và Pháp đã bắt đầu gây áp lực buộc các công ty quốc phòng tăng cường sản xuất.
New York Times đưa tin hồi cuối tháng Một, Washington đang hướng tới nâng mục tiêu sản xuất đạn pháo hàng tháng lên 90.000 viên so với mức 14.400 như trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Là nhà tài trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, Mỹ đã cung cấp số vũ khí trị giá khoảng 30 tỷ USD cho Kiev bao gồm hơn một triệu viên đạn 155mm.
Tại Pháp, đối với năm 2023, Paris đã đặt mua số lượng đạn dược trị giá khoảng 2 tỷ euro, trong đó số hàng khoảng 1,1 tỷ euro sẽ được giao trong năm nay. Riêng 10.000 đạn 155mm sẽ do Nexter Systems sản xuất.
Theo các quan chức quân sự Pháp, thời gian sản xuất đạn 155mm đã được cắt giảm từ 9 tháng xuống còn 3 tháng. Hay như lựu pháo Caesar trước đây phải mất tới hai năm để chế tạo, nhưng nay chỉ còn 18 tháng.
Theo dự kiến, vài nghìn viên đạn 155mm sẽ được Pháp giao cho Ukraine vào cuối tháng Ba tới.
Còn tại Đức, Thủ tướng Olaf Scholz đã cho công bố một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro chỉ sau vài ngày Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Nhưng cho tới nay, Đức đạt được rất ít tiến bộ trong việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Kiev.
Tại Anh, một trong những quốc gia cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Ukraine, sự bất an gia tăng đối với phe đối lập, sau khi London tuyên bố viện trợ cho Kiev 30 khẩu pháo cỡ lớn lớn AS90 hồi tháng Một.
Ông John Healey, Thư ký quốc phòng của đảng Lao động đối lập, nói với Reuters rằng 30 khẩu AS90 tương đương 1/3 nguồn cung của Anh, nhưng chính phủ lại chưa có phương án lấp khoảng trống.
Những nỗ lực đẩy mạnh sản xuất quốc phòng của các nước phương Tây đang bị cản trở do tác động của nhiều yếu tố như thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu, thiếu nguyên liệu thô và hiếm lao động kỹ thuật cao.