Tiếp nối các bước đi của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng TƯ Canada, ngày 8/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng quyết định tăng lãi suất ở mức cao kỷ lục: 75 điểm cơ bản trong một lần tăng, đối với cả 3 loại lãi suất chính.

Với cú tăng mạnh này, lãi suất tái cấp vốn được nâng lên mức 1,25%/năm. Lãi suất tiền gửi qua đêm tăng từ 0% lên 0,75%.

ECB có kế hoạch tiếp tục nâng lãi suất sau trong bối cảnh lạm phát tháng 8 ở mức rất cao: 9,1% và có thể còn tăng nữa.

Trước đó, hôm 21/7, ECB đã lần đầu tiên tăng lãi suất sau 11 năm. Khi đó, ECB bất ngờ tăng 50 điểm phần trăm, đưa lãi suất trở lại ngưỡng 0 sau một thời gian dài duy trì lãi suất ở trạng thái âm. Mức thấp kỷ lục này được duy trì suốt từ năm 2014, khi khu vực Eurozone ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ công và đại dịch Covivd-19.

ECB lần đầu tiên tăng lãi suất ở mức 75 điểm phần trăm. (CNBC)

Hiện tại, khu vực châu Âu chịu thêm cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng và bất ổn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Áp lực về giá tiếp tục gia tăng và lan rộng ra toàn nền kinh tế, lạm phát có thể sẽ tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.

ECB dự báo lạm phát năm 2022 sẽ ở mức 8,1% và suy giảm về 5,5% trong năm 2023, trước khi về vùng mục tiêu 2,3% trong 2024.

CNBC đánh giá, mức tăng 75 điểm là cao kỷ lục. ECB chính thức gia nhập câu lạc bộ 75 điểm cơ bản.

Trước đó, Fed đã hai lần tăng 75 điểm liên tiếp và có khả năng sẽ tăng tiếp thêm 75 điểm trong cuộc họp tháng 9 này.Từ đầu năm tới nay, Fed tổng cộng 4 lần tăng lãi suất, với mức tăng tổng cộng 225 điểm phần trăm. 

Trong Hội nghị tại Jackson Hole hôm 25-26/8 tuần qua, nơi các quốc gia thể hiện lập trường chính sách tiền tệ mang tính chiến lược, chủ tịch Fed Jerome Powell đã khẳng định quan điểm rõ ràng của Mỹ rằng, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát cho dù thừa nhận chính sách này sẽ làm tổn thương mà doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ.

Chủ tịch Fed cho biết việc không thể khôi phục lại sự ổn định về giá cả sẽ gây ra nỗi đau còn lớn hơn nhiều.

Ngay sau khi ECB tăng lãi suất ở mức cao kỷ lục, đồng USD hạ nhiệt từ đỉnh cao 20 năm. Chỉ số DXY rút xuống dưới ngưỡng 110 điểm nhưng ngay sau đó tăng trở lại. Đồng euro vẫn ở mức ngang giá với USD - điều chưa từng có trước đây.

Cuộc đua tăng lãi suất nóng lên

Giá vàng trên thị trường quốc tế chịu áp lực giảm do đồng USD tăng lên vùng đỉnh 20 năm sau khi Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell vừa đưa ra thêm tuyên bố mạnh mẽ về lập trường chính sách tiền tệ.

Ông Powell cho biết, Fed sẽ không bị phân tâm bởi chính trị và Fed hành động mạnh mẽ để giảm lạm phát. Cơ quan này sẽ hành động quyết liệt cho đến khi mục tiêu kiểm soát lạm phát hoàn thành.

Lạm phát ở EU vào tháng 7/2022. Hiện giá cả còn nóng hơn.

Fed chấp nhận trách nhiệm của mình đối với sự ổn định giá cả, với mức lạm phát 2% theo thời gian. Ông Powell nói, nếu lạm phát duy trì trên mức mục tiêu càng lâu, thì nguy cơ công chúng bắt đầu coi lạm phát cao hơn là mức bình thường. Điều đó làm cho chi phí giảm lạm phát cao hơn.

Hiện tại, điều mà Fed cũng như ngân hàng trung ương nhiều nước lo lắng chính là lạm phát kỳ vọng còn cao cho nên lạm phát sắp tới có thể vẫn còn cao. Lịch sử cho thấy, lạm phát kỳ vọng tương lai của người dân đóng vai trò quan trọng đối với lạm phát trong tương lai. 

Lạm phát kỳ vọng tại nước Anh là gần 20% vào đầu 2023 (so với mức hơn 10% như hiện tại). Đây là một áp lực rất lớn đối với các nhiều điều hành. Còn tại Mỹ, lạm phát dù đã giảm từ mức đỉnh 9,1% hồi tháng 6 xuống 8,5% trong tháng 7 nhưng được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ trở lại trong tháng 8.

Theo đại diện MSCI Research, ECB hiện nhận thấy rủi ro lạm phát dai dẳng còn nghiêm trọng hơn cả suy thoái kinh tế.

Cả thế giới đang chạy đua tăng lãi suất để chống lạm phát và 75 điểm cơ bản trở thành một mức tăng “chuẩn mực” cho nhiều quốc gia tham khảo.

M. Hà