- Bộ nào, sếp tập đoàn nào không làm, làm chậm và làm thất thoát trong cổ phần hóa thì phải xử lý. Nếu không làm thì phải đổi lãnh đạo thôi - Thủ tướng nói.

Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải làm rõ 2 điểm: Vì sao thoái vốn nhà nước và cổ phần hoá (CPH) lại thấp như vậy và giải pháp thời gian tới như thế nào?

“Thoái vốn nhà nước tại DN, cơ chế chính sách về CPH, thoái vốn giai đoạn 2011- 2015 còn phù hợp không? Tôi được phản ánh là nhiều chính sách không còn phù hợp nữa”, Thủ tướng nêu.

{keywords}
Thủ tướng chủ trì hội nghị toàn quốc về sắp xếp, đổi mới DNNN. Ảnh: Thúy Hạnh

Theo báo cáo, trong 15 năm qua, số lượng DNNN đã giảm mạnh, từ 6.000 DN (60 ngành, lĩnh vực) năm 2001 xuống còn 1.316 năm 2011. Đến tháng 10/2016 còn 718 DN (19 ngành, lĩnh vực), trong đó có hơn 4.400 được CPH.

Cho rằng con số DNNN giảm rất nhanh, tuy nhiên Thủ tướng đánh giá số vốn ra thị trường vẫn còn rất thấp, chỉ 8%.

“Ví dụ như DN thuỷ nông giữ 100% có nên không? Quyết định phân loại DNNN đang ở trong tay tôi, tôi chưa ký”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Đồng thời Thủ tướng lưu ý đến trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong xác định giá trị DN khi CPH. “Tổng Kiểm toán NN điện thoại nói với tôi, khi kiểm toán vào xác định lại giá trị DN thì chênh lệch lên đến 10.000 tỉ đồng”.

Theo đó Thủ tướng yêu cầu CPH phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, làm sao để không thất thoát tài sản nhà nước, nhất là đất đai ở vị trí thuận lợi. Đồng thời có kế hoạch sắp xếp, giải thể các DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài, xử lý các dự án đắp chiếu.

Với các DNNN cố tình chậm trễ CPH, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xem xét trách nhiệm của từng giám đốc, tổng giám đốc DN, tập đoàn.

Có DN mất hơn 10 năm mới phá sản được

Theo Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN Lê Mạnh Hà, từ năm 2011 đến nay, đã cơ bản không phát sinh các DN thua lỗ lớn. Phần lớn DNNN sản xuất kinh doanh có lãi.

Một số dự án không hiệu quả, gây hậu quả nghiêm trọng đều rơi vào giai đoạn trước 2010 như: Vinashin (2010), giấy Phương Nam (2003), Xơ sợi Đình Vũ (2007), các dự án nhiên liệu sinh học (2007), Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (2005).

{keywords}

Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN Lê Mạnh Hà. Ảnh: Thúy Hạnh

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng tổng thể quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN vẫn còn nhiều hạn chế, tiến triển chậm, còn tình trạng lãng phí, nhiều vụ án tham nhũng kinh tế lớn, làm thất thoát tài sản nhà nước, tỉ lệ thoái vốn ngoài ngành thấp...

“Đáng lưu ý, việc phá sản DN mất nhiều thời gian, có trường hợp kéo dài trên 10 năm. Trong vòng 5 năm qua, chỉ có 9 DN phá sản, nhiều DN thua lỗ kéo dài chưa được xử lý dứt điểm”, ông Hà nêu.

“Những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ quan là chủ yếu”, ông Hà nói.

Ông Hà liệt kê do nhận thức và tầm nhìn của không ít cấp ủy, chính quyền và DNNN về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN chưa đầy đủ, có nơi còn ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ và tư duy nhiệm kỳ.

Một số cán bộ quản lý e ngại không còn vị trí lãnh đạo, quản lý đối với DN sau CPH, thoái vốn nên vẫn chần chừ CPH, thoái vốn hoặc đề nghị nhà nước tiếp tục nắm giữ tỉ lệ chi phối vốn khi CPH; giám sát còn mang tính hình thức...

Từ thực tế, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may VN Trần Quang Nghị cho biết, việc chậm trễ CPH phụ thuộc nhiều vào sự quyết liệt, tự giác của người đứng đầu.

“Tâm lý chung là một ông chủ dùng tiền ngân sách nhà nước khoẻ hơn bỏ tiền mua cổ phiếu để đầu tư, do áp lực của Nhà nước với các tập đoàn, tổng công ty chỉ là bảo tồn vốn, chứ không có yêu cầu về cổ tức, tiền lương người lao động nên không tạo tâm lý cần thiết phải đẩy nhanh CPH”, ông Nghị phân tích.

Ông cho rằng lâu nay CPH chỉ hô hào thôi là chưa đủ. Thay vào đó, Chính phủ phải cử người xuống từng DN để đốc thúc mới mong tăng tốc độ CPH.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh 3 yêu cầu để DNNN hoạt động hiệu quả. 

Theo Thủ tướng, CPH trước hết nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, có sự giám sát chặt sẽ, có tính cạnh tranh cao cả đầu vào và đầu ra, có động lực để thúc đẩy DN hoạt động hiệu quả hơn. 

Thứ hai, khi tiến hành CPH, quy mô khu vực kinh tế nhà nước nhỏ đi, nhưng hiệu quả hoạt động của DNNN phải cao hơn, vốn nhà nước phải được bảo toàn và phát huy giá trị tốt hơn.

Thứ ba, tái cơ cấu DNNN để giải phóng nguồn lực phục vụ tăng trưởng cao hơn. Chúng ta không cổ phần hóa bằng mọi giá, không phải nhà nước bán hết để tư nhân chi phối. Lĩnh vực nào cần có vai trò của nhà nước (năng lượng, ngân hàng, các thủy điện quan trọng...) thì tính toán lại để quản lý cho hiệu quả, còn lại thì rút vốn ra, tạo điều kiện để tư nhân hoạt động... 

Trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng nêu các nhóm nhiệm vụ cơ bản: Phải xác định rõ lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực còn lại thì rút vốn theo tỉ lệ phù hợp; sớm xác định danh mục DN với tỷ lệ giữ vốn cụ thể; lành mạnh hóa hoạt động DN, xóa bỏ mọi rào cản trong quá trình CPH...

Thủ tướng giao trách nhiệm cho từng cá nhân, từng bộ ngành, địa phương thực hiện lộ trình CPH.

“Bộ nào, chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn nào không làm, làm chậm và làm thất thoát thì phải xử lý, nhất là tư tưởng không làm. Nếu không làm thì phải đổi lãnh đạo thôi, việc này phải rất cương quyết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thúy Hạnh