- Hết hành tím đến cà chua, sữa đổ bỏ chính là do nông dân sản xuất thiếu liên kết. HTX phải đem hàng đi giới thiệu chứ không chỉ ngồi chờ DN.
Vấn đề tiêu thụ, đầu ra cho nông sản được trao đổi tại bàn tròn về HTX nông nghiệp của VietNamNet với các chuyên gia cuối tuần qua.
Hỗ trợ nông dân giữ thương hiệu
BTV Xuân Linh: Trong quá trình đi thực địa ở Bến Tre, chúng tôi tìm hiểu mô hình HTX cây giống Cái Mơn với nguyên tắc tiêu thụ kép. Nghĩa là nông dân có thể bán hàng trực tiếp, thương lái đến tận nơi mua. Hoặc HTX tìm được đầu ra thì nông dân bán cho HTX. Nhưng hình thức này cũng đang làm khó cả nông dân cũng như HTX. Khi bán tại vườn nông dân có thể bán luôn không cần tem, mác, thương hiệu, không kiểm tra đầu ra đầu vào, các quy trình kỹ thuật khác. Một trái sầu riêng tính hết mọi quy trình bán qua kênh HTX là 42.600 đồng/kg, nhưng nếu nông dân bán qua kênh lẻ riêng thì giá lại rẻ hơn chỉ là 41.600 đồng. Hình thức tiêu thụ kép giúp nông dân có sự chủ động và linh hoạt nhưng họ cũng vấp phải cảnh tiêu thụ sản phẩm theo kiểu mò mẫm. Thị trường tiêu thụ cho HTX hiện nay thế nào, hình thức tiêu thụ kép trong HTX ra sao?
TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm: Mỗi HTX thành lập và hoạt động tùy theo năng lực khác nhau. Năng lực đi tìm thị trường để bán toàn bộ sản phẩm cho xã viên phải trải qua nhiều năm, tích lũy dần.
Cây giống ở Cái Mơn là một dạng thị trường rất dễ bị làm giả thương hiệu. Phải đảm bảo uy tín thương hiệu, mọi sản phẩm mang tên Cái Mơn phải đảm bảo về chất lượng, không bị làm giả, bị lẫn lộn. Cái Mơn cần phải đảm bảo được bài toán chất lượng cây trồng, tiếp tục mở rộng thị trường. Và nhà nước có thể hỗ trợ như dán tem không thu tiền. Đây được coi là dịch vụ công ích của nhà nước.
Bộ NN&PTNT đã bỏ hàng loạt phí trong chăn nuôi. Nhà nước cũng có thể hỗ trợ chi phí chứng nhận chất lượng. Bởi làm HTX, nhất là về cây giống như Cái Mơn hoạt động không chỉ là câu chuyện về dịch vụ, mà còn là đảm bảo chất lượng cung ứng cho cả khu vực.
Đừng chờ DN, hãy gõ cửa từng nơi
XEM CLIP TRANH LUẬN VỀ TÌM ĐẦU RA CỦA HTX:
BTV Xuân Linh: Có những HTX lúa giống nhận được đơn hàng của DN và cung cấp để xã viên sản xuất, lúc thu hoạch có hiện tượng xã viên và nông dân phá hợp đồng, bán bên ngoài. Phải chăng yếu tố đầu ra của các HTX có vấn đề gì khiến nông dân chưa tuân thủ kỷ luật?
TS Đào Thế Anh: Thật ra đó là vì họ chưa được tổ chức tốt thôi. Tham gia HTX là cùng nhau làm, nguyên tắc đầu tiên là cùng nhau xây dựng uy tín về thị trường. Nông dân khi tham gia HTX cam kết tuân thủ các quy định. Vai trò của lãnh đạo HTX rất quan trọng, giữa các thành viên phải tự kiểm.
Người nào vi phạm thì phải nhắc nhở tuân thủ. Việc bán phá giá bên ngoài chỉ được một năm thôi. Còn muốn xây dựng đầu ra ổn định và có những hợp đồng dài hạn hơn giá thấp chút nhưng ổn định, có lợi ích dài hạn.
BTV Xuân Linh: HTX Anh Đào có kinh nghiệm gì trong việc tìm đầu ra thị trường?
Ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX Anh Đào (Lâm Đồng): Thời gian vừa rồi, hết hành tím đến cà chua, sữa bị đổ bỏ chính là do thiếu liên kết. Như các HTX ở miền Tây chưa tổ chức tốt đầu vào cho bà con nông dân mới để xảy ra tình trạng bà con sản xuất bán cho thương lái với giá rẻ hơn. Nếu tìm đầu vào tốt, giá thành rẻ hơn thì tìm đầu ra dễ hơn.
Tem nhãn chi phí cũng không lớn, nhưng các HTX chưa quyết tâm làm đầu ra, để bà con bán được thì bán không được thì thôi, xảy ra tình trạng được mùa mất giá được giá mất mùa.
Thị trường VN hiện rất khó tìm nông sản chất lượng cao trong khi ở cơ sở, nông dân không bán được hàng, do đó cần kết nối đầu ra. Nếu nông dân không liên kết với HTX mà tự sản xuất hàng trôi nổi không chứng nhận nguồn gốc thì chỉ có thể bán được cho thương lái và bị ép giá.
HTX Anh Đào chỉ có năm đầu tiên 30% hàng bán không được. Từ 2005 đến nay, hầu như 100% sản phẩm của bà con không bao giờ bị bấp bênh. Như cà chua ở Đức Trọng bán 500đ/kg không ai mua nhưng chúng tôi đã hợp đồng 3.200đ/kg mà không có hàng để bán. Chứng tỏ khi chúng ta liên kết được với nhau, sản xuất đúng hàng chất lượng đã kí hợp đồng, hài hòa lợi ích người sản xuất và người tiêu dùng thì đảm bảo đầu ra.
TS Lê Đức Thịnh, Cục phó Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT): Tôi xin bổ sung một hiện tượng nhiều HTX, theo mô hình tư duy ngồi đợi DN đến đặt hàng, rồi mới tổ chức làm cho DN. Thứ nhất, đã liên kết thì phải thực sự hiểu nhau, HTX nắm được xã viên là ai, biết tiềm năng của xã viên, có bao nhiêu đất, sản xuất một năm một vụ bao nhiêu. HTX nắm rõ số lượng chất lượng và là người đi giới thiệu hàng.
HTX cần xây dựng phương án từ dưới lên, có kế hoạch, thông tin trước, đem hàng đi giới thiệu. Cứ ngồi đợi DN, có thể thành công nhưng đại đa số trường hợp DN rất mù mờ. Liên kết chính là có những dự án sản xuất kinh doanh cụ thể, được xã viên bàn bạc.
Chúng tôi đã xuất bản 2 tài liệu hướng dẫn hoạt động HTX, nhấn mạnh dân chủ, chủ động, cán bộ HTX không chỉ ngồi đợi DN đặt hàng mà phải mang hàng của xã viên đi giới thiệu và đem hợp đồng về cho xã viên.
BTV Xuân Linh: Hoạt động của HTX Anh Đào có giống như cách ông Thịnh vừa nói không?
Ông Nguyễn Công Thừa: Về nguyên tắc là đúng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, thực tế lại khác. Hoạt động hiện nay là không thể ngồi chờ DN mang hợp đồng đến cho HTX hay DN tìm tới nông dân được. Chúng tôi phải đi gõ cửa từng nơi để giới thiệu sản phẩm của mình.
Nếu chúng ta ngồi chờ DN thì mất đi sự chủ động. Điều quan trọng là tầm nhìn của lãnh đạo HTX cần biết rõ làm gì ngay từ đầu, thị trường cần gì, nên sản xuất gì chứ không phải trông chờ vào nhà nước hỗ trợ.
Hiện nay chúng ta đang vướng khâu đó. HTX hiện nay phát triển quy mô tương đối nhưng hiệu quả kinh doanh không lớn. Vì chúng ta chưa có định hướng rõ ràng, cứ thành lập HTX xong, các cụ ngồi lại nói chúng tôi là nông dân, học hành kém, lớn tuổi rồi nên chờ hỗ trợ vốn đầu ra đầu vào. Tất cả đều đang chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước.
BTV Xuân Linh: Hiện nay không ít nông dân chọn liên kết với DN, việc liên kết này có đủ đảm bảo quyền lợi cho người nông dân không?
TS Đào Thế Anh: Vì chưa có HTX nên người nông dân phải liên kết với DN vì nông dân sản xuất ra thì năm nào cũng phải bán ngay, không thể ngồi đợi được, bằng mọi cách phải bán được sản phẩm của mình.
Tôi nhất trí với anh Thừa, hiện nay nông dân chủ yếu ngồi đợi DN, chỉ có một số vùng ĐBSCL có nhiều DN xuất khẩu gạo thì mới hay đi tìm nông dân thôi. Còn toàn bộ các vùng khác tôi thấy hầu hết DN đi tìm nông dân rất khó
Tín dụng nông nghiệp khác tín dụng bất động sản
BTV Xuân Linh: Một trong những khó khăn hiện nay của HTX nông nghiệp là câu chuyện vốn. Trong công tác tham mưu chính sách, các ông thấy thực tiễn đặt ra vấn đề gì?
TS Lê Đức Thịnh: Mọi HTX bắt đầu ăn nên làm ra hoặc phát triển đều gặp khó khăn về tiếp cận vốn. Nguyên nhân từ hai phía: hệ thống ngân hàng chính sách và từ chính các HTX. Có 2 lý do chính khiến HTX không tiếp cận được vốn. Về mặt chính sách, vốn cho HTX đều chỉ có một hình thức duy nhất, là điều kiện tiếp cận vốn theo tài sản thế chấp.
XEM CLIP TRAO ĐỔI VỀ KHÓ KHĂN TIẾP CẬN VỐN CỦA HTX:
Nghị định 41, sau này là nghị định 55 tạo điều kiện cho vay tín chấp, không cần tài sản đảm bảo. Nhưng thực tế vẫn yêu cầu nộp tài sản như sổ đỏ để đảm bảo không đi vay chỗ khác hay làm gì mờ ám. Các tổ chức DN vừa và nhỏ nói chung và HTX nói riêng nếu chỉ vận dụng phương thức này thì vẫn phải thế chấp để đảm bảo vay được vốn.
Chúng tôi cho rằng đây là bó hẹp. Cần có những cách khác nữa. Nhiều nước chúng tôi tìm hiểu khá đa dạng trong hình thức cho vay vốn. Cho vay theo dòng tiền. Nếu dự án kinh doanh khả thi, có hiệu quả thì có thể tiếp cận được vốn. Nhưng để có dự án kinh doanh thì HTX cần có người tư vấn chuyên môn. Các nước có cả hệ thống ngân hàng hoặc quỹ cho HTX vay không đòi tài sản, mà cần dự án kinh doanh.
BTV Xuân Linh: Trách nhiệm pháp lý tập thể trở thành điểm rất mạnh cho nông dân liên kết với nhau nhưng lại là trở ngại tiếp cận vốn. Thị trường hiện nay có hợp lý không khi từ chối trách nhiệm pháp lý tập thể, điển hình như ngân hàng không tin tưởng điều này để giao vốn, không có ai cụ thể để chịu trách nhiệm?
TS Đào Thế Anh: Chúng tôi có đi khảo sát các ngân hàng tại sao không cho HTX vay, có ý kiến nói phải xây dựng dự án hay nói HTX trình độ quản lý tài chính còn yếu, sổ sách không rõ ràng.
Việc đàm phán với ngân hàng đòi hỏi năng lực quản lý tài chính. Sắp tới phải đào tạo quản lý tài chính cho cán bộ của HTX, đấy là một kỹ năng cần phải ưu tiên làm sớm. Chính sách tín dụng nông nghiệp hiện nay ta chưa có, ở các nước tín dụng nông nghiệp khác tín dụng bất động sản, tín dụng nông nghiệp dựa trên các dự án khả thi, chi phí cao hơn thì nhà nước phải hỗ trợ, đầu tư đào tạo cho cả cán bộ.
Ở Hàn Quốc, ngân hàng nông nghiệp do liên minh HTX quản lý, nhà nước hỗ trợ đào tạo con em cán bộ HTX đi học quản lý tài chính sau về làm HTX của mình, ngân hàng ấy mọc lên tận từng thôn bản. Phần tín dụng nông nghiệp của chúng ta cũng phải có cải cách.
Phải đặt lòng tin vào HTX, nhà nước hỗ trợ đào tạo giải quyết năng lực quản lý tài chính cho HTX. Ngân hàng cũng cần phải thay đổi, phát triển tín dụng nông nghiệp thực sự.
Ban Thời sự
Tiếp theo: Trao quyền tự chủ hơn trao tiền