Theo nghiên cứu mới công bố của Navigos Group, tận dụng mạng xã hội là 1 trong 3 cách được ứng viên chú trọng khi xây dựng thương hiệu cá nhân (Ảnh minh họa: cnet.com) |
Báo cáo về “Thương hiệu cá nhân tác động tới sự phát triển của doanh nghiệp: Góc nhìn từ các ứng viên cấp cao” vừa được tập đoàn cung cấp dịch vụ nhân sự Navigos Group công bố hôm nay, ngày 10/10/2019.
Khảo sát lấy ý kiến từ các ứng viên cao cấp đến từ PRIMUS (www.primus.vn) , nền tảng nghề nghiệp trực tuyến dành cho các ứng viên cao cấp có mức lương trung bình từ 2.000 USD trở lên và đang giữ vị trí quản lý tại các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.
Là một sản phẩm được Navigos Group ra mắt cuối năm 2017, PRIMUS hiện sở hữu hơn 12.000 ứng viên cấp cao trong dữ liệu và định hướng phát triển thành một cộng đồng trực tuyến dành cho các ứng viên cấp cao tại Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát của Navigos Group, 86% ứng viên cấp cao tham gia khảo sát cho biết, theo quan sát của họ, thương hiệu cá nhân và quản lý uy tín cá nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng so với cách đây 5 năm.
Khi được hỏi mức độ hiểu biết về định nghĩa “thương hiệu cá nhân”, có đến 92% ứng viên tham gia khảo sát cho biết họ hiểu rõ ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, 50% cho rằng, thương hiệu cá nhân hầu như chỉ dành để phục vụ cho những nhân vật trong giải trí hoặc hoạt động xã hội. Chỉ 47% người tham gia khảo sát cho biết định nghĩa “thương hiệu cá nhân” chỉ những nhân vật có hoạt động chuyên môn hoặc phục vụ truyền thông cho tổ chức.
Các ứng viên đánh giá “thương hiệu cá nhân” giúp xây dựng sự tín nhiệm nhất định và khẳng định giá trị của mình trên thị trường, từ đó sẽ mang đến niềm tin cho các đối tác và đem lại các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp.
Khảo sát cũng chi ra rằng, các tác động tích cực nhất mà một thương hiệu cá nhân đem lại cho các hoạt động trong tổ chức bao gồm: Công chúng/Khách hàng biết đến công ty và các sản phẩm/dịch vụ của công ty (27%), Tăng sự gắn kết với nhân viên trong tổ chức (26%), Giới thiệu thương hiệu nhà tuyển dụng thông qua thương hiệu cá nhân (21%).
Đánh giá về sức ảnh hưởng của thương hiệu cá nhân tác động đến sự nghiệp, hơn một nửa ứng viên cấp cao (54%) cho biết hiện tại thương hiệu cá nhân của họ đang rất tốt và điều đó giúp họ đạt được thành công trong công việc.
Bên cạnh đó, 28% ý kiến cho biết thương hiệu cá nhân của họ chưa đủ mạnh và hấp dẫn để giúp họ thành công hơn. 10% nói rằng họ không có thương hiệu cá nhân và điều đó là bình thường vì thương hiệu cá nhân không tác động đến sự phát triển nghề nghiệp của họ.
Về sự tác động của thương hiệu cá nhân đối với tổ chức, 77% ứng viên cấp cao cho biết thương hiệu cá nhân của họ đem lại nhiều lợi ích cho tổ chức trong việc được công chúng biết tới một cách tích cực.
Cũng theo nhận định trong báo cáo mới công bố của Navigos Group, “Thương hiệu cá nhân” sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa vì sự phát triển của kỷ nguyên số hóa và thế giới phẳng. Bởi lẽ, công nghệ tiên tiến kết nối không giới hạn khiến cho người dùng có thể xây dựng thương hiệu cá nhân về chiều sâu lẫn chiều rộng một cách dễ dàng hơn.
Cùng với xu hướng toàn cầu hóa đang gia tang khiến cho không còn rào cản giữa ngôn ngữ, quan điểm văn hóa, giá trị xã hội,…mang đến cơ hội tự do tăng nhân diện thương hiệu cá nhân, thế hệ lao động trẻ đang tạo ra một văn hóa cởi mở và có tính kết nối trên cộng đồng số, kèm theo đó là sự trỗi dậy của một thế hệ làm việc tự do (freelancer) vốn sẽ được hỗ trợ nhiều bởi thương hiệu cá nhân.
“Internet, công nghệ đã mở ra các cơ hội việc làm ở bất cứ nơi đâu cho những người làm nghề tự do, sự linh hoạt về thời gian và không gian khiến xu hướng làm việc freelancer ngày một gia tăng”, Navigos Group nêu.
Đáng chú ý, trong nghiên cứu mới của Navigos Group, khi được hỏi về phương pháp xây dựng thương hiệu cá nhân tốt nhất, các ứng viên đều cho rằng cần phải tận dụng các cơ hội xuất hiện và tiếp cận cộng đồng, cả trực tiếp và thông qua môi trường trực tuyến, một cách tốt nhất. Cụ thể, Top 3 các kênh được ứng viên chú trọng khi xây dựng thương hiệu cá nhân lần lượt là tận dụng mạng xã hội; các cơ hội trở thành diễn giả; xuất hiện tại các sự kiện kết nối mạng lưới.
Riêng với kênh mạng xã hội, LinkedIn là lựa chọn đầu tiên của các ứng viên cao cấp người Việt trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân với 31%. Tiếp đó, tỷ lệ lựa chọn những mạng xã hội khác của các ứng viên cao cấp người Việt lần lượt là: Facebook (27%); YouTube (15%); Wikipedia (6%); Instagram và Viber mỗi ứng dụng đều có 5% ứng viên lựa chọn.