Vụ thử thể hiện một sự leo thang căng thẳng sau khi hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Nó cũng diễn ra giữa lúc ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động đang gia tăng tại một cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.

{keywords}
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại một cuộc họp ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: KCNA)

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết, vụ thử "được thực hiện ở nhiều chế độ bắn khác nhau nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau".

KCNA dẫn lời Chủ tịch Kim mô tả sự tiến bộ của vụ thử có "tầm quan trọng mạnh mẽ trong việc tăng cường sức chiến đấu của Quân đội Nhân dân Triều Tiên". Hãng thông tấn này tiết lộ "ưu thế" của vũ khí này là chế độ bay dẫn đường đặc biệt và trọng tải của "một đầu đạn uy lực".

Tên lửa mà Triều Tiên phóng đi trước kia thường bị Mỹ và Hàn Quốc phát hiện ngay, vì hai nước này luôn theo dõi sát sao mọi sự kiện ở quốc gia khép kín. Tuy nhiên, cả hai đều chưa có tuyên bố nào sau thông tin của KCNA về vụ thử sớm 18/4.

"Miêu tả cho thấy thứ được thử nghiệm có vẻ giống một tên lửa, nhưng có thể là bất cứ thứ gì, từ một tên lửa dẫn đường chống tăng nhỏ bé đến một tên lửa đất – đối – không hay một hệ thống phóng", chuyên gia phân tích về Triều Tiên Ankit Panda nhận định.

Trước đó trong tuần, Trung tâm Các nghiên cứu Chiến lược quốc tế (Mỹ) thông báo hoạt động được phát hiện tại Yongbyon, cơ sở thử nghiệm hạt nhân chính của Triều Tiên. Trung tâm này cho biết thêm, bằng chứng thu thập được cho thấy Bình Nhưỡng có thể đang tái xử lý vật liệu phóng xạ thành nhiên liệu bom.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 không mang lại kết quả khi chính quyền ông Kim Jong Un phản đối Mỹ đưa ra các yêu sách vô lý. Sau đó, Bình Nhưỡng tuyên bố đang cân nhắc các lựa chọn ngoại giao với Mỹ, và tuần trước ông Kim khẳng định sẵn sàng đối thoại với Tổng thống Trump nếu Washington có "thái độ đúng đắn".

"Ông Kim đang cố gắng gửi thông điệp tới chính quyền Trump, rằng tiềm lực quân sự của ông ấy đang tăng lên từng ngày", Harry Kazianis, một chuyên gia tại Trung tâm Lợi ích quốc gia, nhận định. "Chính quyền Bình Nhưỡng đang trở nên thất vọng với sự thiếu linh hoạt của  Washington trong các cuộc đàm phán gần đây".

Koh Yu-hwan, giáo sư về các nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk, nhất trí rằng vụ thử là một thông điệp gửi tới Mỹ, thể hiện Bình Nhưỡng không hài lòng với các cuộc đàm phán hạt nhân bế tắc.

Nhưng thực tế đó không phải là một vụ thử hạt nhân hay thử tên lửa tầm xa, chứng tỏ "Bình Nhưỡng muốn tiếp tục đối thoại với Washington".

"Bình Nhưỡng không thể tiến hành một vụ phóng tên lửa tầm xa hay thử hạt nhân vào thời điểm này, trừ khi họ muốn phá nát những gì còn lại của hội đàm Mỹ - Triều", ông Koh Yu-hwan tiếp tục nhận định.

Tháng 11 năm ngoái, KCNA đưa tin Chủ tịch Kim giám sát vụ thử một "vũ khí chiến thuật siêu hiện đại mới phát triển", ít tháng sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 ở Singapore. Đây là thông tin chính thức đầu tiên về một vụ thử vũ khí của Triều Tiên kể từ sau hội nghị lịch sử đó.

Thanh Hảo