Trường THCS Môn Sơn đóng tại xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An. Phần lớn học sinh của trường là người Thái, sinh sống ở các bản lân cận và giao thông đến trường cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, trường có 72 em người Đan Lai – là 1 trong 11 dân tộc thiểu số rất ít người của cả nước, chỉ phân bố tại Nghệ An. Gia đình các em ở bản Búng và bản Cò Phạt - nằm sâu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Khi học tiểu học, các em có điểm trường lẻ trong bản, nhưng lên THCS thì phải ra trung tâm xã với quãng đường 15 - 20km đường đèo dốc hiểm trở hoặc ngồi thuyền vượt sông Giăng. 

Tuy nhiên, do không phải là Trường Dân tộc nội trú, nên các thầy cô giáo và nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn trong tổ chức quản lý học sinh.

Để giúp đỡ học sinh Đan Lai, từ năm 2018, các cơ quan, ban ngành, địa phương đã quan tâm xây dựng khu nội trú riêng để các em ổn định chỗ ở đi học. Bên cạnh đó, các em được hỗ trợ chế độ tiền ăn theo Nghị định 116. Một số em ở nhờ họ hàng sống gần trường, 64 em còn lại hiện hàng ngày sinh hoạt tại khu ký túc xá. Trước thực tế giáo viên Trường THCS Môn Sơn cần phải tập trung vào chuyên môn giảng dạy nên năm 2019, nhà trường phối hợp cùng Đồn Biên phòng thành lập tổ công tác “cắm trường” đặc biệt. Tổ công tác gồm có 3 đồng chí bộ đội biên phòng thường xuyên đến trường cùng ban giám hiệu và thầy cô giáo quản lý, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh...

Tuy nhiên, 100% gia đình các học sinh (trú tại bản Cò Phạt, bản Búng xã Môn Sơn) đều là hộ nghèo nên cuộc sống của các em tại khu nội trú còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các em còn nhỏ, trong độ tuổi từ 11 đến 15 tuổi, lần đầu tiên xa gia đình, nên việc sinh hoạt, học tập còn nhiều bỡ ngỡ, thậm chí nhiều học sinh còn có ý định bỏ học... Để khắc phục tình trạng này, ngày 14/11, Đồn Biên phòng Môn Sơn, BĐBP tỉnh Nghệ An phối hợp UBND xã Môn Sơn và nhà trường ra mắt mô hình "Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên" tại Trường Trung học cơ sở (THCS) Môn Sơn (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các học sinh học sinh dân tộc nội trú tại nhà trường có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn.

Sau giờ học ở trường THCS Môn Sơn, 64 học sinh người Đan Lai trở về sinh hoạt tại khu ký túc xá vùng biên được xây dựng khá khang trang.
Các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn luôn duy trì một số chế độ, giờ giấc trong ngày, tuần cho các học sinh người Đan Lai. Phối hợp chặt chẽ với Nhà trường hướng dẫn cho các học sinh học tập, ôn luyện bài cũ tại khu nội trú. 
Thiếu tá Phan Văn Thắm, cán bộ Đồn Biên phòng Môn Sơn sáng nào cũng thổi còi đánh thức và hướng dẫn các em trong giờ tập thể dục nâng cao sức khỏe.
Hỗ trợ, giúp đỡ em rèn luyện kỹ năng sống, tự lập sinh hoạt cá nhân, cắt tóc, giặt quần áo, gấp chăn màn, cách trồng và chăm sóc hoa màu... là công việc hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn.
Đến nay nhờ sự hướng dẫn tận tâm của tổ công tác "cắm trường", các em học sinh đến nay đã tự giác làm những công việc lau dọn nơi ở, giặt giũ...
Đến bữa cơm, cán bộ Đồn Biên phòng phụ trách thổi còi hiệu lệnh thúc giục các em xuống nhà ăn.
Cán bộ Đồn Biên phòng cùng các em học sinh lớn hơn cùng chia cơm cho các em.
Thiếu tá Nguyễn Văn Bình, cán bộ trong tổ "cắm trường" cùng hỗ trợ trong những bữa ăn của các em.
Khi thành lập mô hình đồng hành cùng ký túc xá vùng biên, chính quyền địa phương, Trường THCS Môn Sơn và Đồn Biên phòng Môn Sơn đã tập trung kêu gọi các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ cho học sinh Đan Lai ở bán trú. Chỉ trong thời gian ngắn, Quỹ khuyến học đã được huy động với hơn 50 triệu đồng. Quỹ này sẽ được dùng để khen thưởng và mua đồ dùng học tập cần thiết và tăng phần ăn cho các em.
Sau mỗi bữa ăn, mỗi em tự giác phân loại bát, thìa, đĩa... vào đúng chỗ quy định, tổ trực nhật đã được phân sẽ thực hiện việc rửa khay, bát...
Cán bộ Đồn Biên phòng Môn Sơn đang hướng dẫn các em rửa khay, đũa... sao cho sạch sẽ.
Cậu học trò lớp 8 đang cắm mấy bông hoa dại ngắt vội trên đường đi học về vào lọ hoa tự chế trên đầu giường của mình.

Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn, anh Lê Duy Thuận cho biết nhờ các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn giúp đỡ, hỗ trợ mà hiện nay các em đã thay đổi rất nhiều. Trước đây cùng lắm các em học đến lớp 9 là nghỉ hoặc đi làm ăn xa, nay hầu hết học lên cao nữa như cấp 3, học nghề. Vừa rồi đã có 2 em người Đan Lai đạt giải nhì và giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi của huyện, đây là chuyện chưa từng có trong quá khứ.