Giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đẩy mạnh nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. 

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Theo chuẩn nghèo mới, các tiêu chí xác định hộ nghèo về thu nhập và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên so với giai đoạn 2016 - 2020.

Quyền lợi của người dân đã được đặt làm trung tâm, khẳng định mọi tầng lớp nhân dân đều có cơ hội bình đẳng thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Sự thay đổi này không chỉ nhằm đảm bảo thu nhập tối thiểu mà còn hỗ trợ để cải thiện mức độ tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin.

Các chỉ số đo lường đã được cập nhật, bổ sung nhằm nhận diện được bản chất của nghèo đói như chỉ số dinh dưỡng, tình trạng đi học của trẻ em, trình độ giáo dục của người lớn; đồng thời bổ sung các chỉ số đo lường thiếu hụt về việc làm của người nghèo. 

Công tác giảm nghèo là chương trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Lai Châu. Ảnh: Lê Anh Dũng. 

Trên cơ sở chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, số lượng người nghèo được hưởng thụ chính sách tăng 2,3 lần tại thời điểm năm 2022. Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện công tác rà soát, phân loại đối tượng hộ nghèo để làm căn cứ xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, giải pháp giảm nghèo.

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Tây Bắc, có 4/8 huyện, thành phố là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 696 thôn bản đặc biệt khó khăn, 23 xã biên giới thuộc các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn.

Theo thống kê của tỉnh, dân số Lai Châu là 460.196 người, 17,8% dân số sống ở đô thị và 82,2% dân số sống ở nông thôn; dân tộc Kinh có 73.233 người, chiếm 15,9% dân số; các dân tộc khác có 386.963 người, chiếm 84% dân số toàn tỉnh. 

Hiện nay, tổng số hộ nghèo trên toàn tỉnh là 20.174 hộ, chiếm 20,12%, trong đó số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 19.956 hộ, chiếm 19,9%, số hộ tái nghèo 14.208 hộ, chiếm 28,77%. 

Công tác giảm nghèo luôn được Đảng bộ, chính quyền Lai Châu đặc biệt coi trọng và xác định là một trong những chương trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở Lai Châu giảm mạnh, xuống còn 16,7% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 8,6%. Kết quả năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo ở Lai Châu tiếp tục giảm xuống còn 16,2% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 8,1%.

Thu nhập của người dân tộc thiểu số hằng năm cũng có những cải thiện đáng kể. Số hộ dân tộc thiểu số thu nhập bình quân tăng từ 600.000 năm 2017 lên 635.000 năm 2019, trong khi đó tại các huyện nghèo hộ dân tộc thiểu số cũng có thu nhập bình quân đầu người tăng lên từ 600.000 đồng/tháng và đến nay là 635.000 đồng/tháng. 

Tuy nhiên, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Lai Châu còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu kéo dài và tốn kém, trở thành gánh nặng đối với người dân, ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội như: tục lệ ma chay, một đám ma còn rườm rà, tốn kém, gây ra gánh nặng cho các gia đình nghèo. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. 

Trước những vấn đề này, tỉnh đề ra một số giải pháp như: Phát huy xu thế cạnh tranh lành mạnh trong các vùng và các làng dân tộc thiểu số. Khi thực hiện các chính sách, nhất là việc xây dựng nông thôn mới, nên ưu tiên làm trước và hỗ trợ thêm cho những làng, xã, thôn, bản… mà người dân tích cực hưởng ứng tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đường. 

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội đẩy mạnh các mô hình xã hội hóa để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Khi triển khai thực hiện Nghị quyết, chính sách, kế hoạch về giảm nghèo, nhận thức trách nhiệm về xoá đói giảm nghèo của các cấp, các ngành và nhân dân đã được nâng lên.

Công tác xoá đói giảm nghèo thực sự phát triển sâu rộng trong phạm vi toàn tỉnh đặc biệt là sự tham gia phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong công tác chỉ đạo và trực tiếp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án xoá đói giảm nghèo. Người dân tự vươn lên thoát nghèo, không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Triển khai hành động quyết liệt, cụ thể

Với quyết tâm nâng cao mức sống cho người dân, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều chương trình, hành động có ý nghĩa thiết thực đem lại hiệu quả cao, góp phần chung tay vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, nhất là đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Giai đoạn 2021 - 2025, Lai Châu phấn đấu giảm bình quân hộ nghèo 3%/năm, huyện nghèo giảm 4%/năm. Để đạt được mục tiêu Lai Châu tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; cụ thể hóa kịp thời, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách về giảm nghèo.

Lai Châu huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững. Ảnh: Lê Anh Dũng. 

Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh Lai Châu đã tập trung vào các vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn và những lĩnh vực có lợi thế của địa phương, phù hợp với trình độ nhận thức của người dân. Tỉnh đã lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thủy lợi... Mặt khác, tỉnh hỗ trợ cây, con giống, máy móc, mô hình sản xuất cho bà con.

Đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, cùng với các chương trình của Chính phủ như Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Lự, Si La; Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi…, tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tích cực lồng ghép các nguồn vốn tập trung cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập để người nghèo thoát nghèo bền vững. 

Thông qua các chính sách như hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực dân tộc thiểu số, miền núi; hỗ trợ sản xuất, giáo dục đào tạo và dạy nghề, nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... đã từng bước giải quyết nhu cầu của người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách khác được vay vốn phát triển sản xuất...

Phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư như: Giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt. Từng bước phát huy lợi thế của từng địa phương, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân vùng khó khăn về giống, phân bón… đã được thực hiện theo đúng quy định.

Tỉnh Lai Châu đã huy động mọi nguồn lực phục vụ cho công tác giảm nghèo với phương châm Nhà nước hỗ trợ, nhân dân thực hiện; ưu tiên đầu tư các công trình cấp thiết. Ngoài nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu của các bộ, ngành Trung ương bố trí hàng năm, ngân sách địa phương bố trí một phần cho nhiệm vụ giảm nghèo. Tỉnh tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các nguồn vốn tài trợ quốc tế, vốn tái định cư các công trình thuỷ điện... để lồng ghép trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng đã được quan tâm thực hiện. 

Thông qua việc triển khai tổ chức thực hiện tốt các chương trình, dự án, chương trình xóa đói giảm nghèo đã tác động mạnh mẽ, giúp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Đến nay, 100% số xã trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm, 90% số thôn, bản có đường giao thông nông thôn; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm, 93% số hộ ở nông thôn được sử dụng điện lưới; tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 84%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 99,9%;

Quỳnh Nga