Trông người lại ngẫm đến ta
Sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay, đã xuất hiện nhiều ý kiến của các nhà giáo, nhà khoa học về kỳ thi nói chung và đề văn nói riêng. Ở bài viết này chỉ bàn thêm về đề thi văn vì đây là chủ đề thu hút được sự quan tâm của dư luận.
Mới đây nhất trên một trang báo có bài viết: Đề thi văn vào đại học của Trung Quốc - xem người lại ngẫm đến ta.
Được biết, ngày 7/6 vừa qua, 12,91 triệu sĩ tử Trung Quốc đã trải qua kỳ thi đại học được xếp vào hàng khắc nghiệt nhất thế giới. Đề thi Văn vào đại học của Trung Quốc thu hút sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới.
Cách thức ra đề của họ đã căn cứ vào yêu cầu từ thực tiễn. Ví như thi toàn quốc có Đề thi A và B, vùng thì có khu vực Bắc Kinh...
Có người nói đọc một số đề thi Văn vào đại học năm 2023 của nước này, chúng ta có thể cảm nhận sự sáng tạo, độc đáo, tầm nhìn chiến lược của người ra đề.
Vậy những đề đó ra như thế nào?
Đề thi văn toàn quốc A: "Với sự phát triển của công nghệ ngày nay, con người kiểm soát thời gian cũng tốt hơn. Nhưng một số người đã trở thành 'nô lệ' của thời gian'.
Câu này đã gợi cho anh/chị liên tưởng và suy nghĩ gì? Hãy viết một bài Văn dựa trên ngữ liệu trên. Yêu cầu: Thí sinh lựa chọn góc độ phù hợp, chọn dàn ý, thể văn rõ ràng, tự đặt tiêu đề; không được sao chép, không để lộ thông cá nhân, bài viết không dưới 800 từ.
Đề thi văn toàn quốc B: "Thổi tắt đèn của người khác không làm bạn sáng hơn, cản đường người khác không làm bạn tiến xa hơn".
"Một bông hoa nở không phải là mùa xuân, trăm bông hoa cùng nở mới là vườn xuân. Nếu trên đời này, chỉ có một loài hoa nở, dù đẹp đến đâu cũng là đơn điệu".
Hai tư liệu trên lấy từ bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Hãy viết một bài Văn dựa trên ngữ liệu trên.
Yêu cầu: Thí sinh lựa chọn góc độ phù hợp, chọn dàn ý, thể văn rõ ràng, tự đặt tiêu đề; không được sao chép, không để lộ thông cá nhân, bài viết không dưới 800 từ.
Nhìn vào đề thi, ta nhận ra ngay: một là, không hề căn cứ vào sách vở, những bài trong chương trình đã học; hai là bám rất chắc vào tình hình thời sự, tình hình thực tiễn của đất nước, những đòi hỏi từ cuộc sống.
Có người còn nhận xét rằng: Cách dạy học và ra đề mới mẻ này đã góp phần tạo ra những cây bút toàn cầu đến từ Trung Quốc. Tinh thần dân tộc, vốn là đặc trưng trong văn hóa tư tưởng của Trung Hoa, gắn bó hài hòa cùng tính quốc tế thể hiện rõ nét trong các đề văn đại học. Tầm nhìn chiến lược của các tác giả đề thi đã nâng cao chất lượng giáo dục của Trung Quốc.
Còn ở ta, sau kỳ thi, đã có nhà giáo phàn nàn rằng tại sao cứ bắt học sinh học thuộc những sự kiện, những tác phẩm cũ kỹ, xa lạ với đời sống hiện nay. Quanh đi quẩn lại cũng là Vợ nhặt; Người lái đò sông Đà; Vợ chồng A phủ…
Thật ra có những tác phẩm nói là cũ kỹ nhưng giá trị tư tưởng, tầm nhìn của nó vẫn còn phù hợp thậm chí vượt trước thì việc học việc thi cũng là tất yếu nhưng đúng là có chuyện chúng ta cứ quanh đi quẩn lại mấy tác phẩm đến nỗi nhiều người, nhiều lò luyện thi đoán đúng “tủ”. Cứ mỗi lần như vậy dư luận xôn xao, thậm chí còn điều tra xem có lộ lọt đề thi nữa không?
Ta có “đổi” mà chưa “mới”
Có thể nói ngay điều này, cách ra đề của nước bạn nhiều người đang tung hô thật ra nước ta đã thực hiện từ rất lâu.
Chúng ta đều biết những thế hệ học sinh dưới “mái trường XHCN” trước kia và sau giải phóng nếu đã từng đi thi thì những đề kiểu như trên đã từng thi. Đề văn có thể lấy một đoạn trong Nghị quyết của Đảng, một bài báo hay một đoạn thơ mà chủ đề cập nhật, đang “nóng” trong thực tiễn.
Cái hay của cách ra đề này là vừa phải bám vào thực tiễn, vừa phải bám vào những bài giảng trong chương trình. Điều quan trọng nhất là nội dung phải nhuần nhuyễn các yêu cầu phù hợp với các dạng văn: Thế nào là một bài giải thích, chứng minh, bài bình luận, hay bình giảng…Và học sinh phải hiểu bản chất của từng thể loại mới làm được và chuyện mang tài liệu là không cần thiết vì đây là dạng đề đòi hỏi kiến thức tổng hợp phát huy sức sáng tạo, cảm xúc của người viết.
Cho đến bây giờ đã qua mấy chục năm vẫn còn nhớ đề thi tốt nghiệp cấp II của thế hệ chúng tôi những năm giữa thập niên 60 của thế kỷ XX. Bài văn trích một đoạn trong thơ Tố Hữu và đòi hỏi phát biểu cảm xúc của mình: Miền Nam đi trước về sau/ Bước đường cách mạng dài dâu đã từng/ Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng/ Gió càng lay càng dựng Thành đồng/ Trăm sông về một biển Đông/ Bắc Nam sẽ lại về trong một nhà. Hay bài thi văn vào đại những năm sau giải phóng yêu cầu giải thích một nhận định về định hướng phát triển của dân tộc trong Văn kiện Đại hội Đảng IV…
Đề thi cập nhật thực tiễn đòi hỏi người học không chỉ học trong sách vở, nhớ trong sách vở vì bắt chứng minh bằng thơ văn đã học mà còn phải hiểu biết thực tiễn. Người thi dẫu có mang tài liệu cũng rất khó sử dụng vì không biết ở đâu, đoạn nào mà phải bằng trí nhớ, am hiểu đề thi và sự sáng tạo mới làm được.
Cách ra đề, cách yêu cầu học sinh làm bài của nước ta khi chưa cải cách, đổi mới so với những đề như trên của nước bạn rõ ràng là không khác nhau là bao nhưng bây giờ chúng ta đã bỏ.
Giáo dục Việt Nam sau giải phóng có nhiều lần cải cách, nhiều lần viết lại sách giáo khoa nhưng mỗi lần như vậy đều có nhiều ý kiến và chất lượng học sinh chưa có nhiều tiến bộ nếu không muốn nói là có lĩnh vực thụt lùi. Cách ra đề thi là một ví dụ mà nhiều người đã lên tiếng. Có ý kiến bao biện cho rằng đây là học phổ thông cứ học thuộc đã, trang bị kiến thức đã rồi mới nghĩ đến sáng tạo. Điều đó có phần đúng ở những môn khác nhưng ở môn văn rõ ràng là chưa phù hợp.
Nhìn vào kết cấu đề văn hiện nay, thấy có phần học thuộc và phần sáng tạo nhưng vẫn nặng sách vở, chưa biến kiến thức đã học gắn với kiến thức thực tiễn. Ta hay nói học đi đôi với hành là chính nói điều này.
Chúng tôi đã từng chấm những bài văn vào đại học của những học sinh được tuyển vào lực lượng vũ trang những năm chưa cải cách, đổi mới thi. Nhiều bài nghị luận về đất nước, về Đảng, về đổi mới rất thực tiễn, phong phú và tâm huyết. Tuy nhiên ít có bài được điểm tuyệt đối như bây giờ. Đáp án rất chặt chẽ tuy nhiên cũng mở đòi hỏi người chấm phải chắt lọc phải tìm ra được ý mà người viết cảm thụ. Dạo đó tìm được bài văn nào điểm 7-8 là cả hội đồng mừng lắm.
Giáo dục đang trên đường đổi mới. Thi cử cũng sẽ phải đổi mới cho phù hợp. Dư luận xã hội có lý khi cho rằng cách ra đề văn, cách đòi hỏi học sinh vẫn còn cũ kỹ, lạc hậu, chưa phát huy được sức sáng tạo cũng là điều ngành giáo dục cần lắng nghe và nghiên cứu.
Nguyễn Đăng Tấn