Những ngày qua, dư luận lại lên cơn sốt trước thông tin ông Trần Hồng Quảng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình - thường đi làm trên chiếc ô tô có 2 biển số xanh, trong đó có một chiếc mang biển kiểm soát 80B.
Chỉ mới cách đây hơn 1 tháng, liên quan đến vụ xe biển xanh chở người đi Cần Thơ ăn tiệc thôi nôi cháu Bí thư huyện ở Hậu Giang, các cá nhân và tập thể liên quan đã phải tổ chức kiểm điểm trước cấp ủy.
Vài ba năm trước, ông Trịnh Xuân Thanh, khi đương chức phó chủ tịch Hậu Giang cũng từng gây ồn ào dư luận bởi chuyện xài xe cá nhân mang biển số xanh.
Đầu năm 2017, dư luận cũng rộ lên trước thông tin Bí thư thành ủy Đà nẵng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Anh đi xe sang, biển số giả.
Chuyện lùm xùm xe cộ của hai ông này, kết cục như thế nào, dư luận đều đã rõ. Chỉ tiếc là bài học đắt giá này không hiểu sao vẫn chưa đến được với mảnh đất cố đô ngàn năm văn hiến.
Bởi nếu “sợi dây kinh nghiệm” được rút một cách minh bạch, đường hoàng thì không thể có chuyện vẫn không ngừng có những người sa vào “vết xe đổ” của người khác.
Chiếc xe công của Văn phòng HĐND tỉnh Ninh Bình dùng chung 2 biển số xanh. Trong ảnh: Ông Trần Hồng Quảng sử dụng chiếc xe biển số 80B |
Sử dụng hai biển số cho một chiếc xe là vi phạm pháp luật. Điều đơn giản ấy, dân ai cũng biết, chỉ lãnh đạo Văn phòng HĐND tỉnh và đương kim Phó bí thư tỉnh ủy Ninh Bình có vẻ là không biết.
Ông Tô Quốc Việt, Phó chánh Văn phòng HĐND tỉnh Ninh Bình, cơ quan trực tiếp quản lý ôtô có hai biển số này lý giải, để xảy ra sự việc đáng tiếc này là do cán bộ quản lý không nắm rõ quy định.
Thật khôi hài! Làm đến chức quản lý văn phòng HĐND cấp tỉnh mà các vị lại lơ mơ về luật pháp như thế này ư?
Biển số không phải là cái gì có thể che giấu, nó đập vào mắt người sử dụng mỗi lần cưỡi lên nó. Vậy mà, ông Phó bí thư, Chủ tịch HĐND Trần Hồng Quảng cũng không hay?
Chả nhẽ ông không hiểu rằng, chức danh của mình không thuộc nhóm đối tượng được ưu tiên cấp biển số 80 màu xanh?
Chả nhẽ ông không mảy may nghĩ, xe đeo một lúc hai biển số là trái với quy định của luật pháp?
Nếu quả thực không biết thì cơ quan có thẩm quyền cần xem xét lại năng lực cá nhân, phẩm chất lãnh đạo của các vị. Nhưng nếu biết mà dung túng thì cần làm rõ, động cơ của việc gian dối này là gì. Xét cả hai phương diện, các vị đều sai.
“Làm lãnh đạo mà không biết, không nắm chắc chủ trương, đường lối, không nắm pháp luật thì làm cái gì?”. Ông Lê Thanh Vân, ĐBQH, ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói trên Báo Người Lao động.
Cho nên, việc xử lý không thể đơn giản như ông Tô Quốc Việt nói, "Để xảy ra sự việc như báo chí phản ánh là rất đáng tiếc, chúng tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Soi vào Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; dư luận đặt câu hỏi, để xảy ra chuyện này, ông Phó bí thư, Chủ tịch HĐND Trần Hồng Quảng và các vị ở Văn phòng HĐND tỉnh Ninh Bình đã nêu gương gì?
Và đây là câu trả lời theo ĐBQH Lê Thanh Vân, khi trao đổi với phóng viên: "Nêu gương, trước hết đó là phải chấp hành đúng đường lối, chủ trương, các quy định của pháp luật. Vậy khi chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình vi phạm các quy định như thế, đương nhiên là không nêu gương rồi".
Không nêu gương thì phải xử lý. “Trách nhiệm xử lý” đấy chính là thực thi nhiệm vụ “sàng lọc đảng viên” như Chỉ thị của Ban bí thư mới ban hành hồi cuối tháng 1/2019.
Giữa lúc chất lượng cán bộ, đảng viên đang sa sút nghiêm trọng, Trung ương liên tục ra các chỉ thị, nghị quyết nhằm chấn chỉnh vì uy tín của Đảng, vì sự tồn vong của chế độ. Lẽ nào những cán bộ lãnh trọng trách thực thi Nghị quyết của Đảng như các vị liên quan đến vụ xe công hai biển số này lại không tuân thủ, vô tư rút mãi sợi dây kinh nghiệm dài dằng dặc?
Nguyễn Duy Xuân