Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng nhanh với sự gia nhập của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước.

Tuy vậy, theo số liệu của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch & Đầu tư), nước ta hiện chỉ có 5.000 kỹ sư ở tất cả các khâu trong mảng thiết kế chip. Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với dự đoán Việt Nam cần 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch vào năm 2030. 

Không chỉ có nhân sự hạn chế, số lượng các công ty thiết kế chip ở Việt Nam cũng không nhiều. Mặc dù có gần 50 công ty thiết kế chip có văn phòng tại Việt Nam, nhưng hầu như toàn bộ trong số đó là các công ty nước ngoài. Những công ty làm chip Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Người trẻ Việt nên làm thiết kế chip

Chia sẻ tại diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam - châu Á, ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc CoAsia Semi (Hàn Quốc) Việt Nam nhận định, trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có cơ hội ở khâu thiết kế, kiểm thử và lắp ráp dù thực tế vẫn chưa có gì trong tay. 

Lý giải vì sao Việt Nam nên làm thiết kế vi mạch, Tổng giám đốc CoAsia Semi cho rằng, so với sản xuất vi mạch, việc thiết kế sẽ tốn ít nguồn lực đầu tư, đỡ rủi ro hơn, cũng đòi hỏi kỹ thuật thấp hơn. Công việc này lại thích hợp với những nước có dân số trẻ, giỏi về các môn STEM (toán, khoa học, công nghệ) như Việt Nam. 

W-Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc CoAsia Semi
.jpg
Ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc CoAsia Semi. Ảnh: Trọng Đạt

Theo ông Yên, các kỹ sư bán dẫn Việt hiện chỉ mới như “đội quân lính đánh thuê”, tuy nhiên, đây là đội quân rất có giá trị bởi họ chính là tài sản của các công ty thiết kế chip

Doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam mở công ty thiết kế chip do được hưởng các ưu đãi. Nếu càng ở lâu, họ sẽ càng phải gắn liền với chúng ta. Nguyên nhân bởi khi chuyển địa điểm, doanh nghiệp đó sẽ không thể mang theo tất cả kỹ sư và gia đình họ”, chuyên gia phân tích. 

Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể thông qua ngành bán dẫn để xây dựng nguồn nhân lực có tiềm năng thu nhập cao, thu hút công ty nước ngoài lập chi nhánh tại địa phương và hỗ trợ các công ty trong nước khởi nghiệp. 

Ông Yên cũng chia sẻ thêm, tại nước ngoài, một kỹ sư bán dẫn mới ra trường có mức lương một năm khoảng 30.000 USD. Ở Việt Nam, sinh viên mới ra trường được trả mức lương 10.000 USD/năm (khoảng 250 triệu/năm) đã là rất tuyệt vời. Giả sử với mức tăng lương 25%/năm, 5 năm sau, mức lương kỹ sư 5 năm kinh nghiệm của Việt Nam mới bằng lương kỹ sư vừa ra trường ở các nước xung quanh. 

Công ty nước ngoài thay vì sang Malaysia, Singapore, nếu sang Việt Nam sẽ tuyển được nhiều kỹ sư giỏi. Đây là lợi thế vô cùng lớn của Việt Nam. Các bạn đi làm vi mạch lương 10.000 USD/năm tốt hơn rất nhiều việc chạy Grab”, Tổng giám đốc CoAsia Semi bày tỏ quan điểm. 

Lượng sinh viên quan tâm ngành vi mạch bán dẫn tăng cao

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội, ở đợt tuyển sinh vừa qua, số lượng sinh viên quan tâm đến những ngành liên quan đến bán dẫn, vi mạch tại cơ sở đào tạo này tăng đột biến, thậm chí gấp 10 lần. 

Từ góc nhìn của một người làm giáo dục, PGS.TS Nguyễn Đức Minh cho rằng, điều này vừa có lợi lại vừa có hại. Thách thức lớn nhất là thị trường nhân lực bán dẫn thay đổi nhanh, với chu kỳ ngắn. 

Bây giờ rất tốt nhưng 4 năm nữa không biết thế nào. Nền công nghiệp bán dẫn Việt Nam rất phụ thuộc vào các hãng nước ngoài, trong khi họ lướt đi rất nhanh”, ông Minh nói. 

W-chip-ban-dan-3-1.jpg
Các bạn trẻ nghe tư vấn về nghề thiết kế chip tại mỗi hội thảo hướng nghiệp. Ảnh: Trọng Đạt

Đào tạo kỹ sư bán dẫn tốn hơn nhiều so với kỹ sư phần mềm, trong khi cơ sở vật chất, phần mềm, máy móc đầu tư đắt đỏ. Hầu hết sinh viên thường chọn ngành phần mềm hoặc các ngành học dễ hơn, thay vì phần cứng. Bên cạnh đó, sinh viên Việt thường yếu ở khả năng ngoại ngữ. Số lượng nghiên cứu sinh và học viên cao học giảm sút, dẫn đến giảm chất lượng đào tạo. Đây là những thách thức khác trong việc thúc đẩy nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng. 

Thống kê của Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho thấy, ở đợt tốt nghiệp tháng 8/2023, trong 400 sinh viên điện tử viễn thông tốt nghiệp, khoảng 10-15% các em có kiến thức và làm việc trong lĩnh vực vi mạch. Số còn lại làm trong các ngành khác liên quan đến kỹ thuật máy tính, phần mềm. Mức lương trung bình của nhóm sinh viên này ở mức 13-15 triệu đồng/tháng.