“Không khí” giáo dục tràn ngập không chỉ trong trường lớp, mà còn cả trong nghị trường và… ngoài đường phố - Đầu tuần, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, và cuối tuần là kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Tân Bộ trưởng lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội
Ngay khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đăng đàn đã có 59 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi. Các vấn đề được đặt ra cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong phiên chất vấn tập trung vào một số nội dung như: Đề án Ngoại ngữ 2020; Chất lượng đào tạo đại học, tình trạng sinh viên thất nghiệp; Chính sách cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số; Kỳ thi THPT Quốc gia 2017, hình thức thi trắc nghiệm; Công tác phân luồng, hướng nghiệp; Dạy thêm - học thêm, bạo lực học đường.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Minh Quang |
Các vấn đề được đặt ra rất đa dạng nhưng mới thiên về những vấn đề đang có tính chất bức xúc trong xã hội, còn nhiều những vấn đề hết sức cơ bản của giáo dục chưa được đặt ra.
Ngoài sự cố "diễn đạt chưa rõ ý" về vụ việc giáo viên ở Hà Tĩnh bị điều đi tiếp khách, lần trả lời chất vấn đầu tiên của ông Phùng Xuân Nhạ trước Quốc hội ngày 14/11 được đánh giá khá tốt.
Trả lời Báo Dân trí, GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng “Về cơ bản Bộ trưởng trả lời tương đối thuyết phục, những người hiểu biết đủ sâu về ngành sẽ chấp nhận, những người chưa hiểu hết có thể sẽ còn có những ý kiến khác nhau”.
Ông Thi đánh giá “Có một số giải pháp đã được Bộ trưởng đưa ra tương đối hợp lý, có tính khả thi và đã được cân nhắc trong chiến lược phát triển dài hơi chứ không phải là sự phản ứng nhất thời cho một số câu hỏi”.
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết ấn tượng mạnh nhất của ông về phần trả lời chất vấn “là sự thẳng thắn của Bộ trưởng”.
Ông Thuyết nhìn nhận “công việc tiếp theo Bộ trưởng cần làm là thực hiện các cam kết của mình để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nguyện vọng của nhân dân.
Nhiều giải pháp, nhiều vấn đề cần tới sự cộng tác, phối hợp của nhiều ngành và các địa phương. Bộ trưởng cần tăng cường làm việc, thống nhất với các cơ quan, tổ chức liên quan; tiếp tục đi sâu đi sát, thúc đẩy hiện thực hóa những cam kết cộng tác, phối hợp này”.
Cũng theo ông Thuyết, phần phát biểu ý kiến bổ sung của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng rất nổi bật. “Bài phát biểu ngắn của Phó Thủ tướng đã giúp cho Quốc hội và cử tri cả nước thấy rõ hơn toàn cảnh của giáo dục, vị trí của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế, những triết lý đang dắt dẫn đổi mới giáo dục Việt Nam, thêm tin tưởng vào thành công của công cuộc đổi mới giáo dục”.
Mổ xẻ câu chuyện giáo viên đi tiếp khách
Dư âm của câu chuyện điều giáo viên tiếp khách ở Hà Tĩnh kéo dài sang tới gần hết tuần. Từ chuyên gia giáo dục, nhà quản lý, lãnh đạo Chính phủ đều đã phải lên tiếng về sự việc này.
Ảnh minh họa từ internet |
Tới ngày 14/11, Bộ GD-ĐT đã có công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Bộ GD-ĐT cho rằng “Việc bố trí giáo viên làm các công việc có thể ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của người giáo viên và việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là không phù hợp".
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo, kiểm tra, làm rõ thông tin nêu trên đồng thời chỉ đạo UBND thị xã Hồng Lĩnh rút kinh nghiệm nếu đúng như báo chí phản ánh.
Bà Nguyễn Vân Anh là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) thì chia sẻ suy nghĩ “Đừng nhìn chuyện "giáo viên tiếp khách" như một điều mà chúng ta không thể bước qua được mà phải xấu hổ, che giấu đi hay làm cho dư luận lắng xuống rồi mọi chuyện lại được ém nhẹm.
Chúng ta có thể thay đổi. Tôi nghĩ không bao giờ là quá muộn” – bà Vân Anh khẳng định.
“Người thành công trong quan lộ không thể chỉ là người biết điều hành công việc tốt mà phải có những hiểu biết về các giá trị căn bản của con người”.
Về trường hợp cô giáo ở Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: "Đây là một việc rất không tốt, không chỉ với giáo viên, mà với tất cả cán bộ, nhân viên nữ". Phó Thủ tướng cũng cho rằng nếu không có thái độ kiên quyết sẽ có những biểu hiện manh nha khác, ví dụ như một vài cơ quan đến ngày lễ, ngày kỷ niệm hay sự kiện...yêu cầu cán bộ nhân viên nữ làm tiếp tân, tiếp khách một cách không cần thiết. "Những việc như thế, chúng ta nên chấn chỉnh".
Kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 đã bước sang năm kỷ niệm thứ 34. Mặc dù là sự kiện “đến hẹn lại lên”, nhưng những tình cảm thầy – trò, những chân dung giáo viên được biết đến trong dịp này vẫn không khỏi khiến phụ huynh, học sinh sinh viên thấy ấm lòng.
Cô và trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM (Ảnh Đinh Quang Tuấn) |
Đó là người thầy 9x Lê Xuân Quyết (sinh năm 1990) đã nhiều lần “gõ cửa” Sở GD-ĐT Khánh Hòa để xung phong ra dạy học ở Trường Sa, quyết tâm mang con chữ đến với những học sinh khó khăn.
Thầy giáo viết chữ bằng miệng – anh Phùng Văn Trường (1979 ) – người thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
Người thầy có hơn 15 năm công tác ở hầu hết là những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An - thầy giáo Nguyễn Hồng Hiệp (38 tuổi) – người chưa từng biết đến bó hoa, món quà ngày 20/11.
Hay đó là cô giáo trẻ Quảng Thị Thúy Ngân (Trường mầm non Thạnh An, Cần Giờ, TP.HCM) – người từ chối những cơ hội việc làm tốt ở nơi đô thị với những trường học điều kiện tốt để xin về công tác ở xã đảo Thạnh An,
Đó là cô hiệu trưởng Lý Thị Mỹ Phượng, người có những chia sẻ chân tình về nghề giáo thời nay…
Ngân Anh tổng hợp