Trong nhiều năm, Libya bị cộng đồng quốc tế cô lập sau vụ đánh bom máy bay PanAm trên bầu trời Lockerbie của Scotland năm 1988. Sau khi chính thức nhận trách nhiệm về sự kiện này năm 2003, mối quan hệ giữa Libya với Mỹ và các nước phương Tây được cải thiện đáng kể.



Liên Hợp Quốc đã dỡ bỏ cấm vận và quyết định từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Libya sau đó càng cải thiện thêm mối quan hệ giữa nước này với phương Tây.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2011, chính phủ Libya lại bị thế giới quay lưng lại một lần nữa do phản ứng bạo lực trước phong trào nổi dậy vốn được lấy cảm hứng từ nhiều nước Trung Đông. Một số nhà lãnh đạo kêu gọi đại tá Muammar Gaddafi từ chức, và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết áp đặt một vùng cấm bay trên bầu trời Libya, cho phép không kích để bảo vệ dân thường.

Tổng quan

Libya, nằm ở phía bắc châu Phi, có biên giới giáp Địa Trung Hải ở phía bắc, Ai Cập ở phía đông, Sudan ở phía đông nam, Tchad và Niger ở phía nam, Algeria và Tusnia ở phía tây.

Libya là nước lớn thứ tư ở châu Phi và thứ 17 trên thế giới, thủ đô là Triopi. Sa mạc ở Libya chiếm tới 90% trong tổng diện tích 1,8 triệu km2. Với 6,5 triệu dân, thu nhập kinh tế quốc dân tính trên đầu người của Libya là 12.020 USD (số liệu năm 2009), cao nhất Bắc Phi.  

Trước khi giành được độc lập năm 1951, Libya đã chịu nhiều cuộc xâm lược của người Vandal, đế quốc Byzantine, người Ảrập, Thổ Nhĩ Kỳ và gần đây nhất là Italy.

Dầu lửa được phát hiện năm 1959 và mang lại sự giàu có cho nước này. 10 năm sau đó, Vua Idris bị lật đổ trong một cuộc đảo chính do Muammar Gaddafi 27 tuổi lãnh đạo. Libya bước vào một chương mới trong lịch sử vốn đã thăng trầm của nước này.

Cuộc cách mạng của đại tá Gaddafi dựa chủ yếu vào việc chỉ ra sự khác biệt giữa đất nước ông với thế giới xung quanh. Một ví dụ điển hình là Libya có lịch riêng, dựa vào cái chết của nhà tiên tri Muhammed.

Năm 1977, Gaddafi quyết định sáng chế ra hình thức chính phủ mới - chuyển từ Cộng hoà sang Jamahiriya (nhà nước đại chúng). Trên lý thuyết, Libya trở thành nhà nước dân chủ trực tiếp được nhân dân quản lý thông qua hội đồng nhân dân địa phương và các xã. Đỉnh cơ cấu là Đại hội Nhân dân, mà Gaddafi là tổng thư ký.

Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, Gaddafi rời bỏ mọi chức vụ trong chính phủ để tương thích với triết học theo chủ nghĩa quân bình mới. Tuy không giữ chức vụ nào, nhưng ai cũng hiểu Gaddafi nắm quyền gần như tuyệt đối.

Libya bị quy trách nhiệm vụ đánh bom Lockerbie và hai nghi phạm người Libya bị giao nộp năm 1999 để ra hầu tòa ở The Hague theo luật Scotland. Năm 2001, một trong các nghi phạm bị tuyên tội giết 270 người trong vụ việc này.

Sau khi Anh và Libya ký một thỏa thuận trao đổi tù nhân năm 2009, Libya yêu cầu chuyển giao hung thủ Lockerbie,
Abdelbaset Ali al-Megrahi, người đã được ân xá ra khỏi nhà tù Scotland và trở về nhà vào tháng 8 cùng năm.

Tripoli đã bồi thường cho các nạn nhân Mỹ, mở ra khả năng hồi phục mối quan hệ ngoại giao toàn diện với Washington.  

Libya sở hữu nhiều mỏ dầu và khí đốt song ngành dầu khí của nước này vẫn tương đối kém phát triển. 

Thù thành bạn rồi lại thành thù

Từng bị phương Tây ghẻ lạnh, đại tá Gaddafi bắt đầu thay đổi quan điểm sau khi Libya nhận trách nhiệm vụ đánh bom Lockerbie và đồng ý ngừng phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Kết quả là hàng loạt
chuyến công du của lãnh đạo các nước phương Tây đến Libya như chuyến thăm của Thủ tướng Anh (2004), Tổng thống Pháp (2007), Ngoại trưởng Mỹ (2008). 

Muammar Gaddafi là lãnh đạo nắm giữ quyền lực lâu năm nhất ở thế giới Ảrập. Là một người khôn ngoan, ông đã thoát khỏi nhiều âm mưu ám sát.

Gaddafi
lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính không đổ máu năm 1969 chống lại Vua Idris. Người truyền cảm hứng cho ông là nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Ai Cập Gamal Abdul Nasser, người có ảnh hưởng trên chính trường Ảrập những năm 1950 và 1960. 

Mặc dù đại tá Gaddafi luôn tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa dân tộc Ả rập, các nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy sự thống nhất với các nước Ảrập khác đạt rất ít thành công. Trong những năm 1990, ông quay sang châu Phi và đề nghị xây dựng một "Hợp chủng quốc châu Phi". Khái niệm này sau đó đã tạo ra nền tảng của Liên minh châu Phi. 

Muammar Gaddafi sinh ra ở khu vực sa mạc gần Sirte năm 1942. Ông cưới vợ hai lần và có 8 người con. 

Vào tháng 2/2011, Gaddafi đối mặt với làn sóng nổi dậy quét qua khắp Libya. Các đối thủ của ông giành được sự kiểm soát của một số thành phố còn Gaddafi cố thủ ở Tripoli. Một cuộc chiến giữa những người trung thành và ủng hộ vị đại tá này đã khiến cho người nước ngoài ồ ạt tháo chạy khỏi Libya, khiến cho cộng đồng quốc tế phải ngồi lại bàn bạc xem có nên can thiệp vào cuộc xung đột ở quốc gia bắc Phi này hay không.

Thanh Hảo (Tổng hợp)