Có một câu chuyện không hề xa lạ với những sinh viên từng học môn do PGS.TS. Nguyễn Xuân Thảo - giảng viên Viện Toán ứng dụng và Tin học - đảm nhiệm, thậm chí được nghe nhiều hơn nếu trúng từ 2 môn trở lên do thầy dạy. 

Hầu như năm nào cũng vậy, thầy Thảo chia sẻ với các sinh viên năm thứ nhất của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội câu chuyện vui như sau: “Người ta gọi điểm cực trị là điểm cô đơn. Vì sao như vậy? Bởi vì xung quanh một lân cận (đủ nhỏ) của nó thì không có điểm nào cao bằng nó cả, chỉ một mình nó đứng nơi đỉnh cao nhất, vì thế mà nó rất cô đơn. 

Nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn là người rất giỏi đánh đàn, nhưng ông ấy không phải là một người giỏi toán nên có thể ông ấy không biết đến điều này. Ông ấy đã vươn đến đỉnh cao của sự nghiệp, đã đạt đến điểm "cực trị" của mình từ khi còn rất trẻ, và kết cục trở thành người cô đơn suốt đời. 

Ngô Bảo Châu thì không như vậy, ông là một nhà toán học và rất giỏi toán. Ông hiểu rằng một khi đã đạt đến đỉnh cao thì sẽ vô cùng cô đơn. Vì vậy mà trước khi được nhận giải thưởng Fields năm 2010 thì ông đã kịp lấy vợ và có 3 người con gái.

Kết luận: Hãy trân trọng một tình yêu khi còn là sinh viên nghèo khổ, bởi đó là tình yêu đẹp đẽ và chân thành nhất. Bởi nếu không, một khi đã thành đạt rồi, có nhiều tiền rồi thì bạn sẽ rất cô đơn đấy! Vả lại, lúc ấy người mà bạn yêu liệu có thật lòng yêu bạn, hay họ chỉ yêu tiền của bạn thôi”.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thảo - giảng viên Viện Toán ứng dụng và Tin học của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Chia sẻ với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Xuân Thảo vui vẻ giải thích lý do tại sao thường chia sẻ câu chuyện này tới những sinh viên vừa chập chững bước vào ngưỡng cửa đại học.

“Với môn Toán ở bậc đại học, người ta thường nói đây là môn học khô khan. Tôi muốn sinh viên hiểu rằng thực tế ngược lại, rằng Toán học ứng dụng rất nhiều vào thực tế cuộc sống. Vấn đề là có hiểu Toán để vận dụng được hay không.

Thông qua câu chuyện vui kể trên, tôi muốn làm cho Toán học “mềm mại” đi trong tư duy của các sinh viên, để các em không ngại mà thích thú học. Đó là khai thác những bản chất của Toán học để liên hệ, vận dụng vào cuộc sống. Toán học không tách rời với cuộc sống, mà ra đời từ cuộc sống và phục vụ trở lại cuộc sống.

Câu chuyện của những người nổi tiếng chỉ là minh họa vui về “điểm cực trị”. Thậm chí, có những mối liên hệ nhất định giữa mối quan hệ giữa người với người và Toán học. Con người ta khi lên tới những vị trí cao thì càng khó tìm người bạn đời” - thầy Thảo chia sẻ.

Theo thầy Thảo, tình yêu cũng đẹp nhất khi không bị chi phối, tác động bởi vật chất. “Khi đó, các bạn trẻ thường yêu con người thật của nhau. Còn khi có tiền, có quyền rồi thì có thể tình yêu cũng đã khác ít nhiều” - thầy Thảo nói.

Thầy Thảo cho rằng tình yêu sinh viên trong sáng, đẹp đẽ thì không phải là việc gì xấu để cấm đoán, mà thậm chí là điều mà các sinh viên nên trải nghiệm.

“Yêu nhau để tạo động lực, động viên nhau để cùng phấn đấu. Quan điểm của tôi là nếu các em yêu nhau mà cùng nhau tốt lên thì không có gì phải cấm đoán”. 

Ảnh: Anh Nguyễn

Thế nhưng cũng có luồng quan điểm cho rằng, sinh viên thì nên lo tập trung việc học, sau này ra trường có nghề nghiệp ổn định rồi hẵng tính chuyện yêu đương.

Trước luồng quan điểm này, thầy Thảo cho hay: “Tất nhiên, trong cuộc đời, không có duy nhất một quan điểm. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, khi đã có tiền, có quyền thì khó có được tình yêu chân chính. Tức vẫn có, nhưng mà khó tìm hơn.

Theo tôi, nếu là tình yêu chân chính thì không ảnh hưởng đến việc học. Bởi tình yêu chân chính là cả hai người cùng muốn tốt cho nhau, thậm chí còn là nguồn động lực tích cực để cùng phấn đấu đi lên và tốt lên”.

Ngoài câu chuyện này, thầy Thảo cho biết cũng thường chia sẻ những câu chuyện khác về mối liên hệ giữa Toán học và cuộc sống. Qua đó, thầy muốn truyền tải sự thú vị của môn học tới các sinh viên.