Trong bài viết gửi về Diễn đàn "Làm thế nào để có trường học hạnh phúc?", độc giả Nguyễn Văn Phan cho biết mỗi ngày đến trường của anh rất nhẹ nhàng, đơn giản, không nặng nề, ít khi xảy ra stress và anh thực sự hạnh phúc với nghề.

Dưới đây là những chia sẻ của độc giả Nguyễn Văn Phan (nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả).

Ảnh: Tuấn Anh

Để xây dựng "trường học hạnh phúc" thì cần nhiều yếu tố, nhưng theo tôi có hai yếu tố quan trọng sau đây:

Thứ nhất, người giáo viên phải có chuyên môn giỏi.

Người giáo viên (GV) có nhiều nhiệm vụ, công việc nhưng quan trọng nhất vẫn là công việc chuyên môn giảng dạy. Để công việc giảng dạy của mình được tốt thì chuyên môn của người GV tốt là yếu tố tiên quyết. Nếu người GV có chuyên môn không tốt thì sẽ rất khó có thể hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất, khi đó dẫn đến những chuyện như học trò không tôn trọng, không nể phục, công việc không hoàn thành dẫn đến stress. Mà công việc không tốt thì sao mà vui vẻ hạnh phúc được. Khi người GV không vui vẻ, hạnh phúc thì sao có thể làm cho học sinh (HS) vui vẻ, hạnh phúc được.

Khi người GV có chuyên môn tốt sẽ hoàn thành tốt công việc chuyên môn của mình thể hiện ở việc dạy tốt. Từ xưa đến nay trong mắt HS thì người GV luôn là những người hiểu biết, như là những cuốn bách khoa toàn thư vậy. Nếu thầy cô giáo làm tốt công việc chuyên môn của mình, đồng thời lại có hiểu biết rộng về nhiều lĩnh vực để từ đó có cư xử hợp lý các tình huống sư phạm gặp phải hoặc giải thích những khúc mắc khi HS cần, lúc đó HS sẽ rất tôn trọng rồi từ đó sẽ kính trọng người thầy/ cô của mình. Khi được HS kính trọng, đồng nghiệp tôn trọng tức là được ghi nhận. Lúc đó người GV sẽ ở tầng cao của Tháp nhu cầu Maslow, điều này có thể làm cho người GV cảm thấy hạnh phúc, góp phần làm cho trường học hạnh phúc.

Có nhiều người nói rằng để tuyển được người giỏi vào ngành Sư phạm thì cần trả lương cao. Tuy vậy, nếu so sánh về nhiều mức độ như độc hại, vất vả vì cường độ làm việc hay phải làm việc đêm hôm… thì lương nghề giáo không hề thấp. Nhìn sang đất nước Phần Lan - nơi luôn dẫn đầu thế giới về các chỉ số giáo dục - thì thấy họ luôn tuyển chọn những người ưu tú nhất vào làm giáo viên. Chính những người giáo viên thực tài này giúp cho giáo dục Phần Lan phát triển, đất nước phát triển. Để tuyển được những người giỏi vào làm GV thì ngoài lương thì môi trường làm việc là cực kỳ quan trọng. Khi đã được tuyển dụng thì người GV ở Phần Lan sẽ được tuyệt đối tôn trọng trong công việc chuyên môn của mình, thể hiện ở việc người GV sẽ được tùy chọn dạy gì, và dạy như thế nào. Chính sự tôn trọng đó là một chất xúc tác cực lớn để nền giáo dục Phần Lan luôn tuyển được người giỏi.

Từ những nhận thức như vậy và từ những kinh nghiệm của bản thân mình, khi thấy điểm thi vào các trường Sư phạm thấp thì bản thân tôi rất buồn nhưng đồng thời cũng lo lắng cho những người GV có trình độ thấp. Khi điểm thi vào sư phạm cao vào phạm cao như năm nay, thực sự tôi rất mừng.

Bởi vậy, với tôi, vào bất cứ mùa tuyển sinh nào, nếu được thì tôi luôn tư vấn rằng những người giỏi mới nên vào ngành Sư phạm và ngược lại.

Thứ hai, đó là sự tôn trọng.

Một trong những điều quan trọng nhất mà tôi học được khi là người GV đó chính là sự tôn trọng.

Bí quyết để có được những giờ lên lớp hiệu quả, để có được những mối quan hệ vui vẻ đôi khi lại rất đơn giản, đó chính là sự tôn trọng: Hãy để mọi người được là chính mình! Để có được sự tôn trọng người khác thì bản thân cần phải có tấm lòng rộng lượng, nhân hậu, tuy vậy điều quan trọng nhất là phải cần có hiểu biết. Khi có hiểu biết sẽ hiểu rằng sự hiểu biết của mình chỉ là hạn hẹp, sẽ hiểu rằng mỗi người đều có điểm mạnh, điểm yếu, cần phải tôn trọng mỗi người. 

Ngoài việc khơi gợi niềm yêu thích, đam mê trong mỗi em HS thì tôi luôn luôn tuyệt đối tôn trọng mỗi HS. Với tôi mỗi một HS từ HS mẫu giáo đến HS lớp 12 luôn là một chủ thể: có suy nghĩ, có chính kiến… Trong những giờ dạy của tôi, các em HS được quyền phản biện mọi vấn đề, cho dù sự phản biện có là phi logic cũng tuyệt đối không phải nhận những lời trách mắng từ phía tôi. Tôi được biết nhiều nền giáo dục tiên tiến coi trọng việc đặt câu hỏi hơn việc trả lời câu hỏi. Bởi vậy, với tôi, các em được quyền đặt mọi câu hỏi, không có câu hỏi nào là ngớ ngẩn. 

Ngoài ra, phương châm chủ đạo của tôi là luôn để các em là chính mình, HS là trung tâm. Ít khi tôi dùng từ “dạy” với các em mà tôi hay dùng từ “thảo luận, tranh luận” – thảo luận về một vấn đề, tranh luận về một bài toán. Trong giờ học hay đời thường, tôi không bao giờ áp đặt chính kiến của mình, ít khi tôi dùng từ “phải làm thế này” mà hay dùng từ “nên làm như thế này”. Nếu ý kiến của các em đúng, tôi sẵn sàng nghe theo.

Giáo dục lẽ ra phải làm sao để mỗi con người bình thường chúng ta đều có thể trở thành người mà “người ta có thể, muốn là” chứ không phải là bị ép buộc để con người ta trở thành “người mà cha mẹ, mọi người muốn là”. Bởi vậy khi người GV tôn trọng HS thì các em sẽ tự tin hơn, lúc đó mọi tiềm năng của HS có thể sẽ được đánh thức, lúc đó giờ học có thể có hiệu quả cao giúp thày trò cùng vui vẻ, góp phần làm cho trường học trở thành Trường học hạnh phúc.

Ngoài công việc chuyên môn, do những công việc không không tên nhiều vô kể với những tập hồ sơ sổ sách ngút ngàn thì có mấy người GV nào không mệt mỏi, không stress? Đã thế, nghề GV còn cần những phẩm chất như yêu thương, nhẫn nại… Tuy vậy, nếu không có đủ yêu thương nhưng người GV có kiến thức chuyên môn tốt, cộng với việc tôn trọng HS và mọi người thì người GV vẫn có thể hoàn thành tốt công việc của mình. Từ đó mỗi ngày đến trường sẽ không nặng nề mà có thể sẽ là một ngày hạnh phúc, trường học sẽ hạnh phúc.

Ở đây không phải là chuyện khoe khoang vì tôi chỉ là một GV bình thường, không ai biết nên không thể nói nào khoe khoang, ở đây là việc trau dồi kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy. Từ kinh nghiệm của bản thân mình, tôi đã nhận ra những điều đó và tôi chia sẻ ở đây.

Bản thân tôi trước khi trở thành một GV Toán của một trường THPT đã may mắn được đào tạo ở Khoa Toán của trường đại học có chất lượng đào tạo cực kỳ nghiêm túc, nên tôi có kiến thức chyên môn khá tốt. Cộng thêm nữa là do chịu khó đọc sách nên bản thân có một chút hiểu biết. Bởi vậy, công việc chuyên môn tôi luôn hoàn thành khá tốt, giải được những bài toán khó nhất mà HS hỏi, giải đáp được nhiều câu hỏi dù không phải lĩnh vực chuyên môn của mình.

Ngoài ra có thể do tôi luôn yêu thương, tôn trọng HS và mọi người, có nhiều mối quan hệ tốt đẹp… nên luôn được học trò tôn trọng, thậm chí là kính trọng, đồng nghiệp quý mến. Mỗi ngày đến trường của tôi rất nhẹ nhàng, đơn giản, không nặng nề, ít khi xảy ra stress. Tôi thực sự hạnh phúc với nghề nghiệp của mình, trường học với tôi luôn là Trường học hạnh phúc.

Phạm Xuân Anh (giáo viên Toán ở Bắc Ninh)

Ban Giáo dục Báo VietNamNet mở diễn đàn "Làm thế nào để có trường học hạnh phúc?".

Bạn đọc có ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn.

Xin chân thành cảm ơn.