Không còn sản xuất nông nghiệp theo kiểu tự phát và phải đem hàng ra chợ bán như trước, 2 năm trở lại đây, chị Nguyễn Thị Loan, ở xã Đắk Ha (Đắk G’long, Đắk Nông) liên kết với HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đắk Ha trồng 5.000m2 bí ngô Nhật. 

Chị được các thành viên khác trong HTX và các chuyên gia của Nhật Bản hỗ trợ kỹ thuật sản xuất. Bí ngô cũng có đầu ra ổn định với giá bán cao. Thu nhập của gia đình chị từ đó tăng mạnh, có điều kiện kinh tế lo cho con cái.

Hai năm trước, bà Vũ Thị Nhung ở xã Đắk Ha cũng là một trong những hộ thành viên được HTX hướng dẫn sản xuất rau bí ngòi, cà chua, cà tím… theo tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ diện tích cây trồng của gia đình bà đều không sử dụng thuốc hóa học, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh. 

nong nghiep huu co 1.jpg
Người dân tham gia vào HTX để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá

Cũng từ thời điểm đó, rau quả thu hoạch đến đâu được HTX mua hết đến đó với giá cao hơn thị trường. Theo đó, gia đình bà có khoản thu nhập lên tới vài trăm triệu đồng một năm.

“Trước kia, tôi phải vay nợ 300 triệu đồng. Nhưng giờ, không những trả xong nợ, gia đình tôi còn tậu được mảnh đất xây nhà, mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp”, bà Nhung khoe.

Được thành lập năm 2021, vượt qua những khó khăn ban đầu, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha không ngừng lớn mạnh. Đến nay, HTX có 12 thành viên chính thức và hơn 100 thành viên liên kết với vùng nguyên liệu 300ha, sản xuất rau quả trên quy mô lớn.

Ông Đặng Ngọc Hương - Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đắk Ha cho biết, mỗi tháng HTX đưa ra thị trường từ 150-170 tấn rau củ quả các loại. Toàn bộ sản phẩm đều được ký kết cung ứng cho nhiều đối tác trong, ngoài tỉnh.

Để có được nguồn khách hàng ổn định này, HTX đã quy hoạch và triển khai sản xuất nông nghiệp bài bản theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. 

Trong chuỗi sản xuất này, để trồng rau theo hữu cơ và tiêu chuẩn VietGAP, HTX đã chọn khu vực sản xuất có vùng đệm cách xa khu dân cư và quốc lộ; tiến hành xây dựng hệ thống quản lý chất lượng VietGAP và phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng thành viên theo dõi, giám sát ở từng khu vực cây trồng khác nhau. Các thành viên và hộ liên kết phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc mà HTX đưa ra.

Hiện, HTX tạo việc làm cho 20-30 lao động thường xuyên với mức lương 7-8 triệu đồng/người/tháng. Đối với hộ trực tiếp sản xuất, sản phẩm đã tiếp cận với kênh phân phối hiện đại, thu nhập bình quân đạt 150–300 triệu đồng/năm. Thậm chí, có hộ thu nhập lên đến cả tỷ đồng/năm, ông Hương chia sẻ.

nong nghiep huu co.jpg
Có hộ dân liên kết sản xuất, doanh thu đạt cả tỷ đồng 

Năm nay, HTX bắt đầu hợp tác với một doanh nghiệp tại Đà Lạt (Lâm Đồng) để trồng các loại rau củ quả theo quy trình hiện đại. Dự kiến sản xuất và đưa vào các hệ thống siêu thị 3.000 tấn rau các loại theo tiêu chuẩn VietGAP mỗi năm.

Thời điểm này, HTX tiếp tục phát triển thêm thành viên để liên kết, tạo ra vùng nguyên liệu sản xuất quy mô, theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Sau đó, HTX tiến tới chế biến sâu, xây dựng thương hiệu cho các nông sản, ông Hương cho hay.

Vài năm gần đây, chuỗi liên kết sản xuất hay các HTX nông nghiệp công nghệ cao sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ ngày càng phổ biến ở các địa phương. Song, ở huyện nghèo miền núi Đắk G’long, chuỗi sản xuất của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đắk Ha trở thành một điển hình trong câu chuyện liên kết giữa HTX và nông dân.

Theo ông Hương, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ là hướng đi giúp người dân khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa giá trị cao, góp phần thúc đẩy kinh tế trên địa bàn có những bước phát triển mới. Bắt tay sản xuất trên quy mô lớn, thị trường rộng mở, nông dân có thể vươn lên làm giàu ngay trên đồng đất quê hương mình.

CTV, Giao Linh, và nhóm PV, BTV