Phát biểu khai mạc diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm ngoái với chủ đề: “Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới, gắn với Nghị quyết số 20-NQ/TW", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta có mặt ở đây hôm nay để truyền tải thông điệp của tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá đối với mô hình kinh tế tập thể (nòng cốt là các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã) là thành phần kinh tế quan trọng. 

Theo thống kê, hiện cả nước có 28.237 hợp tác xã, trong đó 18.785 hợp tác xã nông nghiệp, 9.452 hợp tác xã phi nông nghiệp (2.255 hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 2.293 hợp tác xã thương mại - dịch vụ, 1.582 hợp tác xã vận tải, 905 hợp tác xã xây dựng, 542 hợp tác xã môi trường, 1.181 Quỹ tín dụng nhân dân và 694 hợp tác xã khác).

Hầu hết các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới từ sau Luật Hợp tác xã năm 2012 đều xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, nhiều hợp tác xã đã chủ động tiếp cận nhu cầu thị trường, đổi mới cơ sở vật chất nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất như: Nhà xưởng và máy móc từng bước hiện đại, ứng dụng các phần mềm tin học trong quản lý, điều hành, một số chuyển đổi số mạnh mẽ...

Tinh thần đổi mới bao gồm thay đổi tư duy nhận thức và hành động để thay đổi phương thức hoạt động, quản lý sự thay đổi gắn với chuyển đổi số để tạo ra những giá trị mới, chuyển đổi mô hình kinh tế tập thể một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là phù hợp với phẩm chất, năng lực con người Việt Nam cần cù, ham học hỏi, linh hoạt, và sáng tạo.

Tiến trình chuyển đổi số trong nước đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số trở thành đòi hòi bức thiết của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, doanh nghiệp để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chuyển đổi số tiếp tục là công tác trọng tâm, góp phần quan trọng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng.

Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế mà một trong những nguyên nhân là chuyển đổi số còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể.

Chính vì vậy, kinh tế hợp tác, hợp tác xã phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược.

Yến Hưng