Điều kiện tự nhiên về khí hậu, thổ nhưỡng và truyền thống các dân tộc… đã tạo nên những đặc điểm riêng biệt của một số mặt hàng nông sản do các hợp tác xã (HTX) sản xuất. Đây chính là yếu tố thuận lợi giúp các HTX nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có cơ hội phát triển, tạo công ăn việc làm, góp phần vào công tác giảm nghèo tại các địa phương.

Với mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực trong kinh tế tập thể, góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, từ nay đến năm 2015, tỉnh Đắk Lắk đã không ngừng củng cố, phát triển hệ thống các hợp tác xã, trong đó đặc biệt là các HTX thuộc khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 630 HTX, trong đó số HTX nông nghiệp chiếm khoảng 64,9%, HTX phi nông nghiệp chiếm 35,1%. Số HTX đang hoạt động là 496 HTX, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; có 134 HTX ngừng hoạt động.

Nhiều HTX đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm riêng, tạo được dấu ấn tốt ở thị trường trong nước. Tiêu biểu có thể kể đến như: gạo ST24 của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (huyện Krông Ana); các giống bơ Acado, Bazan… của HTX bơ Đại Hùng (TP. Buôn Ma Thuột); thịt gà đen Đại Phúc Tây Nguyên của HTX Nông nghiệp và thương mại dịch vụ Đại Phúc (huyện Cư M’gar); cà phê bột và cà phê hạt Thủy Tiên Krông Năng của HTX Sản xuất thương mại và du lịch Minh Toàn Lợi (huyện Krông Năng)…

Một ví dụ điển hình tại huyện Krông Năng hiện có 36 HTX đang hoạt động, trong đó 23 HTX nông nghiệp, 10 HTX thương mại, dịch vụ, 2 HTX xây dựng và 1 HTX vận tải. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phát triển KTTT huyện, nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên.

Bên cạnh đó, thông qua việc tham gia HTX liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, nông dân đã thay đổi tư duy trong sản xuất, từ việc không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, đến áp dụng quy trình kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng sản phẩm và bảo đảm môi trường trong canh tác.

Đơn cử như HTX sản xuất nông nghiệp thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi (xã Ea Púk) thành lập năm 2012, hiện có 227 thành viên, trong đó 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, canh tác 360 ha cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, FLO tại các xã Ea Tam và Ea Púk. Anh Y Nô Niê (thôn Giang Minh, xã Ea Púk) canh tác 2 ha cà phê, là thành viên của HTX từ ngày đầu thành lập. Từ khi tham gia HTX, anh đã thay đổi thói quen sản xuất theo kinh nghiệm sang áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu chăm sóc, tưới nước, bón phân đến thu hái, bảo quản, nên năng suất cà phê tăng lên khoảng 10 – 15% so với trước đây.

Theo ông Vũ Đức Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, từ năm 2014, đơn vị đã liên kết với các doanh nghiệp rang xay, xuất khẩu cà phê tiêu thụ sản phẩm với giá tối thiểu là 40,5 triệu đồng/tấn và hỗ trợ thêm gần 10 triệu đồng/tấn tiền phúc lợi, nên thành viên yên tâm với gắn bó với HTX với thu nhập bình quân đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, người dân địa phương còn được thụ hưởng từ các công trình phúc lợi xã hội do HTX đầu tư bằng quỹ phúc lợi cà phê.

Nhiều HTX khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số hoạt động hiệu quả, qua đó góp phần thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động. Tuy nhiên, nhiều HTX khu vực này đang gặp khó khăn do quy mô nhỏ, phương án sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả, thiếu vốn, quỹ đất và cán bộ quản lý, kỹ thuật.

Thời gian tới, Tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách đối với các HTX trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như: Cấp đất làm trụ sở, hỗ trợ vốn lưu động, hỗ trợ mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất... Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển HTX, trong đó ưu tiên các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua nguồn ngân sách và kinh phí của các dự án hợp tác công tư.

Văn Điệp, Tuấn Anh, Tuấn Kiệt, Văn Giáp, Huyền Sâm