Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc ra thông báo cho biết, chiều 9/5, từ thành phố tây bắc Kusong, cách biên giới với Hàn Quốc khoảng 210km về phía bắc, Triều Tiên đã cho phóng 2 tên lửa về hướng đông. Hai tên lửa phóng riêng rẽ này bay xa lần lượt là 420km và 270km, đạt độ cao khoảng 50km trước khi rơi xuống biển.
Bức ảnh do Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) công bố về vụ phóng tên lửa ngày 4/5. |
Quân đội Hàn Quốc và Mỹ đang cùng phân tích các thông tin tình báo thu thập được về những tên lửa nói trên. Song, giới chức Hàn Quốc tin chúng nhiều khả năng là các tên lửa tầm ngắn.
Vụ phóng ngày 9/5 diễn ra không đầy một tuần sau khi đích thân Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đi thị sát một vụ bắn thử nhiều tên lửa, bao gồm cả một quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ bờ biển phía đông nước này hướng sang biển Nhật Bản hôm 4/5.
Động thái mới nhất diễn ra đúng vào lúc đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đang có mặt ở Seoul để hội đàm với Ngoại trưởng Kang Kyung-wha và đặc phái viên hạt nhân Lee Do-hoon của Hàn Quốc. Tại những cuộc gặp này, các quan chức hai bên dự kiến thảo luận về cách nối lại đàm phán giải trừ hạt nhân đang ngưng trệ giữa Washington và Bình Nhưỡng cũng như vấn đề viện trợ lương thực nhân đạo cho Triều Tiên.
Dinh tổng thống Hàn Quốc tuyên bố các vụ phóng tên lửa mới của nước láng giềng “rất đáng lo ngại”. Chúng đang phá hoại những nỗ lực giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng như cải thiện quan hệ liên Triều trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa vẫn tiếp diễn.
Phản ứng trước vụ việc vài tiếng sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hạ thấp khả năng đạt được một đột phá ngoại giao với Triều Tiên. Ông Trump thậm chí cho rằng Triều Tiên hiện chưa sẵn sàng để thương lượng và "không ai vui về điều này cả". Song, ông Trump nói sẽ "tiếp tục quan hệ" với chính quyền ông Kim.
Tuyên bố mới nhất của lãnh đạo Nhà Trắng cho thấy ông không còn tỏ ra lạc quan như phát biểu sau vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên cuối tuần trước.
Vào thời điểm đó, ông Trump từng bày tỏ: "Bất cứ điều gì trong thế giới rất thú vị này đều có thể xảy ra, nhưng tôi tin ông Kim Jong Un hoàn toàn nhận ra tiềm năng kinh tế to lớn của Triều Tiên và sẽ không làm gì để cản trở hay chấm dứt nó. Ông ấy cũng biết tôi sát cánh bên ông ấy và ông ấy sẽ không muốn thất hứa với tôi. Thỏa thuận rồi sẽ đạt được!".
Ông Kim Jong Un đích thân thị sát một vụ thử vũ khí của quân đội Triều Tiên. Ảnh: KCNA |
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, việc Triều Tiên tiến hành các vụ phóng tên lửa liên tiếp không có gì đáng ngạc nhiên. Truyền thông nhà nước Triều Tiên gần đây nhiều lần đăng tải các bài viết bày tỏ sự phẫn nộ đối với các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, chỉ trích đó là những động thái khiêu khích, gây hấn.
Chính quyền của ông Kim cũng cảnh báo Washington rằng, sự kiên nhẫn của họ đối với việc đạt thỏa thuận song phương, trong đó có cả việc nới lỏng các cấm vận chống Bình Nhưỡng, sẽ không kéo dài nếu Chính phủ Mỹ không từ bỏ "cách tiếp cận sai lầm" như hiện tại và đi theo "một con đường mới".
Theo một số chuyên gia phân tích, các diễn biến thiếu tích cực gần đây thể hiện thông điệp ngày càng cứng rắn của nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên gửi tới Tổng thống Mỹ giữa lúc đàm phán song phương lâm vào bế tắc. Ông Kim có vẻ đã "mất kiên nhẫn" với cách hành xử "không như ý" của chính quyền ông Trump.
Triều Tiên đã dừng mọi cuộc thử hạt nhân và tên lửa kể từ sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều Triều đầu tiên dưới thời ông Kim hồi tháng 4/2018 và đặc biệt là cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều lần thứ nhất tại Singapore vào tháng 6 cùng năm, với cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Đối thoại, hòa giải thay cho căng thẳng, đối đầu đã đưa ông Kim tái gặp ông Trump lần thứ hai tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội hồi cuối tháng 2 vừa qua. Song, những bất đồng về các bước thực thi giải trừ hạt nhân cụ thể để đổi lấy việc gỡ bỏ cấm vận đã khiến hai nguyên thủ không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào tại đây.
Kể từ đó, tiến trình đàm phán hạt nhân vốn mong manh giữa Washington - Bình Nhưỡng có dấu hiệu đổ vỡ khi các chính quyền của ông Trump và ông Kim tìm cách gia tăng áp lực lên đối phương. Washington không ngừng tung ra các đòn trừng phạt mới, đồng thời siết chặt các lệnh cấm vận đã có chống Bình Nhưỡng, trong khi Bình Nhưỡng đáp trả bằng những lời công kích và các vụ thử vũ khí chiến thuật mới cũng như tên lửa.
Nhà nghiên cứu Yang Uk thuộc Diễn đàn Quốc phòng và an ninh Hàn Quốc bình luận, Triều Tiên dường như đang tái áp dụng chiêu bài leo thang căng thẳng kinh điển để "nắn gân" Mỹ. Nếu Washington duy trì sức ép bằng các lệnh trừng phạt, chính quyền của ông Kim được tin có thể tiếp tục làm leo thang căng thẳng bằng cách cho bắn thêm những tên lửa có sức công phá lớn hơn, buộc Chính phủ Mỹ phải cân nhắc điều chỉnh cách tiếp cận tức thì.
Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) ngày 9/5 đưa tin, sau các vụ phóng tên lửa tầm ngắn, Chủ tịch Kim đã ra lệnh cho quân đội nước này chuẩn bị một cuộc diễn tập tấn công tầm xa. Theo KCNA, ông Kim nói "hòa bình và an ninh thực sự của Triều Tiên chỉ được đảm bảo bởi các lực lượng vững mạnh, có khả năng bảo vệ chủ quyền đất nước".
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu bày tỏ quan ngại về nguy cơ "già néo đứt dây". Một vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa, có thể mang đầu đạn hạt nhân nhiều khả năng sẽ đưa tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trở lại vạch xuất phát trước thời điểm tháng 4/2018, viễn cảnh tất cả các bên rõ ràng đều không mong muốn.
Tuấn Anh