- Ông Ishighaki Misao chợt sững lại khi nhìn thấy những hình ảnh trong bộ phim dài 14 phút về những người lính trẻ nhập ngũ năm 1971. Đây là những thước phim do chính ông quay khi còn rất trẻ, lúc đang thường trú tại Hà Nội, nhưng chưa từng được phát.

"Tôi đã nói với Tổng thống, Sài Gòn sẽ thất thủ sau 2 tuần nữa"
Một ngày tháng Tư thăm nghĩa trang quân đội chế độ cũ

LTS: Kỷ niệm ngày 30/4 năm nay, kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam phát bộ phim “Đi tìm người lính trẻ năm xưa”, do NDN (Nihon Denpa News) của Nhật Bản sản xuất. Đây là hiện tượng khá hy hữu, khi một bộ phim do nước ngoài sản xuất được phát đi phát lại trên VTV1 Đài THVN vào các ngày 30/4, từ năm 2016 đến nay, sau khi phát lần đầu trên VTV3 vào ngày 22/12/2015 – Kỷ niệm ngày thành lập QĐNN Việt Nam.

Theo lời bà Tạ Bích Loan, Giám đốc VTV3 – người chịu trách nhiệm phát bộ phim lần đầu tiên, Tổng cục Chính trị QĐND đã nhờ bà xin bản quyền bộ phim này để phát hành trong toàn quân để giáo dục tin thần yêu nước của chiến sĩ trẻ. Tại sao bộ phim này lại có ý nghĩa như vậy?

Bộ phim kể về những người lính nhập ngũ năm 1971 đã chiến đấu ra sao ở chiến trường miền Nam, ai còn ai mất, và những người sống sót, khi trở về, đã sống ra sao tại địa phương, thân phận thế nào. Nhưng hay nhất là quá trình tìm kiếm nhân vật chính của bộ phim, vốn được quay từ năm 1971 khi nhập ngũ, với bao gian nan vất vả.

Tuần Việt Nam xin được giới thiệu bộ phim này qua quá trình kiếm tìm nhân vật chính, lời kể của đạo diễn bộ phim, Giám đốc Văn phòng NDN tại Hà Nội, Trần Huy Công.

Cuối năm 2014, ông Ishighaki Misao, Giám đốc Hãng Sản xuất Chương trình Truyền hình NDN tại Nhật Bản mải mê lục tìm trong kho tư liệu những thước phim về cuộc chiến chống Mỹ ở Việt Nam. 30/4 sang năm là kỷ niệm 40 năm ngày Việt Nam thống nhất đất nước, và, cũng như trong những năm chẵn Việt Nam kỷ niệm ngày này, NDN(*) lại chuẩn bị những bộ phim, khi làm mới, khi biên tập lại hình ảnh đã quay, để phát.

Ông chợt sững lại khi nhìn thấy những hình ảnh trong bộ phim dài 14 phút về những người lính trẻ nhập ngũ năm 1971. Đây là những thước phim do chính ông quay khi còn rất trẻ, lúc đang thường trú tại Hà Nội, nhưng chưa từng được phát, bởi NDN đã quay rất nhiều. Tự nhiên, trong đầu ông chợt hiện lên câu hỏi: “Số phận những chàng trai nhập ngũ năm 1971 ấy thế nào? “Liệu còn ai sống sót sau cuộc chiến khốc liệt ấy?”

Ông bấm ngay điện thoại gọi ông Trần Huy Công, đề nghị văn phòng Hà Nội đi tìm tung tích những người lính trẻ ấy.

Hành trình tìm tung tích người lính

{keywords}
Chàng trai trẻ măng Vũ Bình Minh chia tay gia đình chuẩn bị nhập ngũ năm 1971

Sau khi nhận được bản sao bộ phim, ông Công xem rất kỹ lưỡng, hòng tìm ra manh mối của các nhân vật. Nhưng hoàn toàn mờ mịt, vì phim được quay không có tiếng và không ghi địa danh, nhằm đảm bảo nguyên tắc bí mật quân sự.

Bí quá, ông Công gọi trở lại cho ông Misao, và hỏi: “Ông còn nhớ là quay ở đâu không?” Ông Misao không nhớ, vì đã lâu quá rồi.  

Thế thì phải tìm những người đã làm phiên dịch cho Văn phòng NDN giai đoạn đó, ông Công thầm nghĩ. Ông đã tìm ra: Ông Đoàn Ngọc Cảnh, người sau này trở thành Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại TW; Ông Thanh, sau này là Chánh văn phòng Thông tấn xã VN; Và ông Hồ Mộng Điệp, sau này là hướng dẫn viên báo chí Nhật của Trung tâm Báo chí Nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao. Cả ba đều đã nghỉ hưu.

Ông Công cho ba ông xem phim, rồi những tấm ảnh trích ra từ phim, cỡ A4, nhưng cả ba ông đều không nhận ra hình ảnh quen thuộc. Họ nói rằng để quay được những thước phim này, chắc chắn phải làm việc với quân đội để lấy giấy phép, và họ thì quá trẻ để được giao nhiệm vụ này, và chắc chắn người đi theo dịch tiếng Nhật là người có thâm niên như cụ Nguyễn Quý, sau này là phiên dịch tiếng Nhật tại Trung tâm Báo chí Nước ngoài. Nhưng cụ Quý đã mất lâu rồi, nên phát hiện đó vô tác dụng.

Rất may là ông Đoàn Ngọc Cảnh, khi xem phim và ảnh, đã phát hiện ra chữ Hải Hưng trên tấm bằng “Tổ quốc ghi công”, treo trên tường nhà nhân vật chính (xuất hiện nhiều nhất trong phim), trong khi các chữ khác đều nhòa đi. Đã thu hẹp được hướng tìm, ông Công mừng rỡ.

Thế là mỗi cuối tuần, hai vợ chồng ông Công cùng con cái tất cả lên xe, hôm đi theo quốc lộ 5 đi Hải Dương, hôm theo Ecopark đi Văn Giang (Hưng Yên). Tới những nơi các cụ cao niên thường hay tụ tập nói chuyện, đánh cờ, Công dừng xe xuống mang phim ra chiếu, hoặc cho xem ảnh. Hết làng này đến làng khác, hết huyện này đến huyện khác, dọc quốc lộ, tổng cộng thời gian Công tìm kiếm mất khoảng hai tháng rưỡi mà vẫn bặt vô âm tín.

Đồng thời với hành trình tìm kiếm mà ông gọi là “thủ công” đó, ông Công còn thuê phát trên truyền hình hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên bộ phim đó nhiều lần. Khán giả xem truyền hình sẽ đọc được dòng chữ gắn vào đó “Đây là hình ảnh năm 1971 tân binh nhập ngũ, ai biết ai trên đoạn phim đó, hoặc địa điểm quay phim, thì báo cho đài truyền hình biết".

Cách thứ ba là ông liên hệ với Ban Chỉ huy Quân sự hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, và gửi băng và ảnh cho họ. Họ mời cựu chiến binh của hai tỉnh tới xem phim và xem ảnh.

Gần đến ngày 30/4, ông Công mới nhận được những thông tin có giá trị đầu tiên. Một cựu chiến binh xem phim đã phát hiện ra nơi bộ đội gặt lúa giúp dân có dãy đồi thấp ở phía xa xa. “Dứt khoát là trại Sao Đỏ rồi”, họ nói. Trong kháng chiến chống Mỹ, chỉ có hai địa điểm là nơi huấn luyện tân binh là Sao Đỏ và Sơn Tây, nơi ông Misao láng máng nhớ lại.

Thế là ông Công liên hệ với Hội Cựu chiến binh Sao đỏ. “Rất tiếc là ngày mai chúng tôi phải tổ chức mít tinh kỷ niệm 30/4”, lãnh đạo hội trả lời qua điện thoại.

“Thế chúng tôi sẽ ngồi chờ đến giờ giải lao rồi cho cựu chiến binh xem phim”, Công cố nằn nì. Họ đồng ý, và hôm sau bố trí cho Công một phòng bên cạnh hội trường để ngồi chờ.

“Vì là mít tinh nên chúng tôi xin phép quay luôn buổi mít tinh để làm tư liệu, và họ cũng đồng ý, sau khi hỏi ý kiến cấp trên”, ông Công kể lại.

Giờ giải lao, khi xem phim, chợt có cựu chiến binh ồ lên: “Ông Mưu đây này”, rồi họ chỉ ông chủ nhà trong phim. Ông Mưu, theo họ, là thành viên Ủy ban huyện, khá nổi tiếng. Xem tiếp một đoạn nữa, họ lại ồ lên: “Minh con ông Mưu”, rồi chỉ tay vào nhân vật chính trong phim.

{keywords}
Đạo diễn Trần Huy Công (ngoài cùng bên phải) trao đổi với các cựu chiến binh khi tìm ra nhân vật chính Vũ Bình Minh.

Có một số cựu chiến binh nhập ngũ năm 1971, và họ biết ông Minh hiện ở đâu. Sau khi Minh nhập ngũ, đến năm 1973 Nhà nước cho di rời cả làng để lấy chỗ xây dựng nhà máy nhiệt điện Phả lại. Gia đình Minh chuyển sang chỗ tái định cư gần đó.

Minh đã chiến đấu ở đâu, như thế nào?

Trong bộ phim “Đi tìm người lính trẻ năm ấy”, ngoài việc đưa vào một số hình ảnh tiêu biểu của cuộc tìm kiếm nhân vật chính, NDN đã cố gắng trở lại quay trở chiến trường cũ của Minh, với sự tham gia của các đồng nghiệp của anh hiện sống trong Sài Gòn.

Sau khi huấn luyện tân binh xong, cấp chỉ huy nhìn thấy năng lực của anh, và cử anh theo tiếp khóa học đào tạo hạ sĩ quan trong 6 tháng là bộ khung để xây dựng bộ đội địa phương. Sau cuộc Tổng Tấn công Mậu thân năm 1968, quân Mỹ và quân đội Sài Gòn đã tăng cường phản kích khiến lực lượng quân giải phóng bị thiệt hại nặng, nên phải ra lệnh tổng động viên để bù đắp.

Minh được cử vào Đồng bằng sông Cửu long, làm tiểu đội trưởng bộ đội địa phương. Nhiệm vụ của đơn vị này là tấn công bất ngờ cho địch khiếp sợ. Họ thường được giao đánh các tàu tuần tiễu của quân đội Sài Gòn, vì sau Hiệp định Paris Mỹ đã rút, cũng như bộ binh đi theo yểm trợ các tàu.

Đối với tàu, Tiểu đội của Minh thường đánh chìm tàu dẫn đầu và tàu cuối cùng, làm đoàn tàu bị tắc nghẽn. Đối với bộ binh, thường tiểu đội của Minh chờ đến khi địch cách chỉ còn 2 mét mới nổ sung. “Vì lúa và sậy mọc khá cao nên xa không nhìn thấy được. Anh Minh thường dặn chúng tôi là phải mắt thấy, tai nghe và mũi ngửi mới được bắn”, một người đồng đội của Minh kể lại, và nói thêm rằng lòng tin của anh em với tiểu đội trưởng là tuyệt đối.

Để đạt được niềm tin đó, Minh phải nhờ tới sự trợ giúp của du kích, được giao nhiệm vụ hỗ trợ bộ đôi, trong những ngày đầu tiên. “Anh em ngoài Bắc mới vào chưa quen đường ở đồng bằng sông Cửu Long nên chúng tôi phải đưa đường dẫn lối. Đến khi anh em quen thì chiến đấu thành thạo không kém chúng tôi”, ông Đoàn Công Tuất, một trong những du kích khi đó nhận xét.

Giữa các trận đánh, tiểu đội của Minh trốn trong các ấp quanh đó. Và, ở đây, họ nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của chị em phụ nữ, những người nuôi họ, chăm sóc họ khi bị thương, và giấu họ xuống dưới hầm khi địch càn tới. Họ coi lính ngoài Bắc như những người trong gia đình.

Nhờ có đoàn làm phim mà những người lính Bắc năm xưa mới có cơ hội gặp những du kích đã giúp đỡ họ trên sông Ba Rài, và những phụ nữ đã che giấu họ ở Cẩm Sơn. Kỷ niệm được nhen dần theo từng câu chuyện.

{keywords}
Ông Vũ Bình Minh ngồi kể chuyện với đạo diễn NDN trong cuộc gặp gỡ năm 2015.

Khốc liệt nhất là trận đánh trên quốc lộ nối đồng bằng sông Cửu long với Sài gòn, mà trên đó quân đội Sài Gòn cho xây dựng căn cứ 23, được bao bọc bởi hàng rào dây thép gai. Căn cứ này được chi viện bởi pháo binh mà quân địch tự hào gọi là dàn nhạc Tân Tây Lan, nên đại đội của Minh (lúc này đã phát triển thành đại đội) gặp rất nhiều khó khăn. Đại đội trưởng Minh nhận nhiệm vụ ôm bộc phá làm sập hàng rào đó để đại đội tấn công căn cứ. Anh thành công, căn cứ bị diệt gọn.

“Mình làm sao tránh được mũi tên hòn đạn, chỉ có chúng tránh mình thôi. Trong chiến trận, nhanh cũng chết, mà chậm cũng chết. Mỗi có anh may là sống thôi”, Minh bình thản nhớ lại.

Nghĩa trang và lời kết của bộ phim

Bộ phim công phu này kết thúc bằng những cảnh quay nghĩa trang. Trong cuộc chiến tranh đó người ta nói có đến hơn một triệu người ngã xuống để đất nước được thống nhất. Các cựu chiến binh vẫn nhớ tới cái giá của chiến thắng.

“Tôi đứng trước mộ một đồng đội đã hy sinh, và khấn với anh ấy rằng “mày đã chết vì hòa bình cho đất nước, hãy vui lên”, người đồng đội của Minh nói.

Còn ngoài Hải Dương, Minh đứng trước ngôi mộ của người anh mình, đã hy sinh trong cuộc chiến, và nói với chúng tôi, những người làm bộ phim này: “Chiến tranh khốc liệt lắm, đất nước bị tàn phá, con người thì hy sinh, không ai muốn chiến tranh cả. Ai cũng muốn sống cuộc sống hòa bình”.

Huỳnh Phan

NDN lập văn phòng ở Hà Nội vào năm 1964, và là hãng sản xuất truyền hình nước ngoài duy nhất quay và phát đi những thước phim về cuộc chiến đấu của quân dân miền Bắc chống lại biết bao cuộc ném bom phá hoại của không lực Hoa kỳ trên truyền hình Nhật Bản và trên thế giới.

Bí thư cũng phải lặn lội chạy ăn từng bữa

Bí thư cũng phải lặn lội chạy ăn từng bữa

Lãnh đạo chạy lo từng bữa cho dân, tin vào dân, huy động sức dân... đã giúp TP. Hồ Chí Minh vượt qua giai đoạn khó khăn ngặt nghèo.

Một ngày tháng Tư thăm nghĩa trang quân đội chế độ cũ

Một ngày tháng Tư thăm nghĩa trang quân đội chế độ cũ

Ba mươi lăm năm nhìn lại. Thời gian đã đủ lâu để những người đang sống thấy thấm thía nỗi đau ngăn cách. 

Nuôi thù hận, cản trở hòa hợp là có tội với tương lai

Nuôi thù hận, cản trở hòa hợp là có tội với tương lai

“Nếu ai đó trong chúng ta dù từng đứng từ phía nào mà vẫn nuôi lòng thù hận, cản trở hòa hợp dân tộc thì sẽ dần trở nên lạc lõng và có tội với tương lai.”

Sự đầu hàng vô điều kiện đã đặt dấu chấm hết

Sự đầu hàng vô điều kiện đã đặt dấu chấm hết

Bằng một cú duy nhất, sự đầu hàng vô điều kiện của chính quyền Sài Gòn vừa cứu tính mạng của nhiều người, vừa đặt dấu chấm hết cho ý tưởng về một “thành phần thứ ba”.

Sau ngày 27/1/1973 và chính sách 4 không của ông Thiệu

Sau ngày 27/1/1973 và chính sách 4 không của ông Thiệu

Được khuyến khích bởi cả Kissinger và Nixon, Tổng thống Thiệu đã tái khẳng định chính sách “4 không” ngay khi Hiệp định Paris được ký.