Tại Hà Nội, tòa án quân sự đang mở phiên toà xét xử các cựu sỹ quan quân đội nhận hối lộ, bao che, dung túng cho tội phạm buôn lậu xăng thời gian dài và số lượng lớn.
Cụ thể, trong vụ án này, cựu đại tá Phùng Danh Thoại, cựu Trưởng phòng Xăng dầu Cảnh sát Biển bị truy tố về tội "Buôn lậu"; cựu đại tá Nguyễn Thế Anh (từng giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Phó Chánh Văn phòng, thuộc Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang bị truy tố tội "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép".
Các bị cáo bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" gồm: Lê Văn Minh, cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4; Lê Xuân Thanh, cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3; Lưu Thế Đức, cựu thiếu tá, cựu Phó đoàn trưởng Trinh sát 2 Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển; Phạm Văn Trên, cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Văn Hùng, cựu thượng tá, cựu Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Thanh Lâm, cựu trung tá, cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng; Lê Văn Phương, cựu thượng tá, cựu Phó phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Trà Vinh và nhóm thuộc các đơn vị dân sự.
Nhìn vào số lượng người phạm tội, đường đi và lực lượng tham gia đường dây buôn lậu này mới thấy quy mô, sự kín kẽ, mức độ “an toàn” đến nhường nào.
Trong vụ án này, những người từng có chức vụ cao nhất là hai cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh của hai vùng Cảnh sát Biển, những người nắm giữ chức quyền, đảm nhận nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ các vùng biển.
Tuy nhiên, không ai dám nghĩ, thay vì thực hiện nhiệm vụ, làm hết trách nhiệm theo bổn phận được phân công, họ “ngoảnh mặt” làm ngơ cho những kẻ buôn lậu xăng ung dung trên biển.
Thậm chí, cũng trong vụ án này, có những cựu sỹ quan như “niềm tin” của đường dây buôn lậu, đó chính là cựu đại tá, cựu Trưởng phòng Xăng dầu (Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển) Phùng Danh Thoại khi người này tham gia góp vốn để “cùng buôn lậu”.
Nói như vậy mới thấy "con đường" nhóm người này đi rất thông thoáng, không còn trở ngại nào và cũng không bị ai ngăn cản. Vì thế, khi có được sự bảo trợ này, những đối tượng trong đường dây buôn lậu đã không còn lén lút mà công khai buôn lậu, thu lợi hàng trăm tỷ đồng. Đổi lại, những cựu sỹ quan tha hóa đã trợ giúp họ cũng bỏ túi hàng trăm triệu mỗi tháng…
Nhưng lưới trời lồng lộng, những việc làm bất minh cuối cùng đã bị lộ. Với sự kiểm tra, điều tra của các cơ quan, với sự giám sát từ người dân, dù đường dây buôn lậu xăng có được tổ chức, bảo trợ tinh vi thì những việc vi phạm pháp luật của họ đã đến ngày bị trừng trị.
Vụ kỷ luật một số cựu tướng lĩnh ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển vừa qua là một ví dụ, vì những việc làm sai trái họ đã gây ra. Còn về lĩnh vực cán bộ, công bộc, có thể thấy họ đã tha hoá, biến chất đến mức "bán mình" cho tội phạm buôn lậu.
Sự nghiêm minh với những cán bộ tha hóa, biến chất này sẽ được người dân ủng hộ, vì sự nghiêm minh đó thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng với phương châm không có vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Đó chính là sức mạnh, là quyết tâm gột bỏ những ung nhọt, là “chặt một vài cành sâu để cứu lấy cây”.
Tòa án vẫn đang xét xử trùm buôn lậu xăng và những cựu tướng tá tha hóa nhận hối lộ, nhưng điều người dân đã nhìn thấy là chuyện "viên đạn bọc tiền" đã bắn xuyên qua cả loạt cựu sỹ quan. Nói nôm na là vì tiền bạc mà mờ mắt, vì tiền mà "bán mình".
Điều đáng nói hơn, chỉ một trùm buôn lậu xăng Phan Thanh Hữu đã xô ngã rất nhiều cán bộ.
Tại tòa, bị cáo Hữu khai, số tiền 500 triệu đồng mà anh ta chuyển cho ông Hùng hàng tháng là để ông Hùng tùy ý hối lộ các VIP.
Còn theo lời khai của cựu Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, cựu Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hoà, sau khi nhận tiền từ Hữu, bị cáo đã chi tiền hối lộ cho Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh Phạm Văn 100 triệu đồng/tháng; chuyển cho bị cáo Phạm Hồ Hải (Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải Trà Vinh) và bị cáo Lê Văn Phương (Phó Trưởng phòng SCGT Công an tỉnh Trà Vinh, phụ trách giao thông đường thủy) 30 triệu đồng/tháng.
Và còn đó những nỗi đau lớn hơn, đó là những người thực thi pháp luật lại vi phạm pháp luật. Và không chỉ dung túng, nhiều người còn tham gia “che chắn” về pháp luật cho hành vi vi phạm pháp này.
Phải khẳng định, công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu vô cùng quan trọng. Đảng chủ trương xây dựng lực lượng quân đội, công an trong sạch, vững mạnh tiến lên chính quy và hiện đại, trong đó rất chú trọng đào tạo và tôi rèn cán bộ. Vì thế, việc làm trong sạch lực lượng là yếu tố bắt buộc và tiên quyết.
Rồi đây tòa án sẽ có những án phạt thích đáng, nghiêm khắc, thể hiện sự nghiêm minh trong phòng chống tham nhũng của Đảng. Và trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đó, hơn ai hết, lực lượng vũ trang nói chung và quân đội nói riêng phải là nơi trong sạch nhất, phải là nơi miễn nhiễm với tất cả các loại đạn “bọc đường”. Chỉ có như vậy mới hoàn thành nhiệm vụ và sứ mệnh mà Đảng và Nhà nước giao phó.