‘Giỏi việc nước đảm việc nhà’ là một lời khen chết người. Khen phụ nữ, nhưng trên thực tế là đặt một gánh nặng kinh khủng lên vai họ.
Tuần Việt Nam xin trân trọng giới thiệu phần cuối cuộc Tọa đàm Phụ nữ tham chính với bà Tôn Nữ Thị Ninh và bà Đỗ Thùy Dương.
Lời khen hay gánh nặng?
Hoàng Hường: Có một tư duy mặc định, đó là, cứ nói đến phụ nữ VN là phải ‘giỏi việc nước đảm việc nhà’. Làm sao giải bài toán này, tôi thấy khó quá. Là một người phụ nữ nhiều năm tham gia chính trường, bà Ninh có thể chia sẻ gì với những phụ nữ trẻ?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Năm 2013 tôi có tổ chức một bàn tròn chủ đề ‘Bức trần vô hình’ về những cản trở, hạn chế sự vươn lên của phụ nữ, không chỉ trong chính trị mà cả kinh tế, ngoại hình. Lúc đó mọi người bình luận xung quanh khẩu hiệu truyền thống ‘giỏi việc nước đảm việc nhà’.
Tôi cho rằng khẩu hiệu ấy đã lỗi thời, đưa ra cách đấy mấy chục năm trước thống nhất thì có ý nghĩa. Đến nay mà vẫn cứ nguyên xi khẩu hiệu đó thì không phù hợp. Một ông GS nói nửa đùa, nửa thật: “toàn dân, toàn quân giỏi việc nước đảm việc nhà”, cả nam và nữ, mới là công bằng. Chứ ‘giỏi việc nước đảm việc nhà’ là một lời khen chết người. Khen phụ nữ, nhưng trên thực tế là đặt một gánh nặng kinh khủng lên vai họ.
Tôi có nói “tại sao không nêu khẩu hiệu như thế với nam giới, tại sao cứ nói câu đó chỉ với chị em?”. Nói cách khác, ngày nay không thể chấp nhận tư duy là việc nhà, hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của phụ nữ. Cái khẩu hiệu đó phải nói là trách nhiệm của toàn thể thành viên gia đình. Phụ nữ nên trút bớt gánh nặng đó bằng cách dụ dỗ, thuyết phục ông chồng rằng hạnh phúc gia đình thì người chồng cũng cần phải góp phần xây đắp.
Tôi gọi đó là nghệ thuật lãnh đạo gia đình của người phụ nữ, làm sao mà người đàn ông cảm thấy dễ chịu, không ngượng với bạn bè. Tại vì có những người bạn trai hay khích bác, hay mỉa mai ông nọ ông kia khi giúp đỡ vợ. Việc này tôi cho là trách nhiệm để đạt được sự cân đối hơn và chia sẻ một cách nghệ thuật chứ không phải 50/50 đâu.
Bà Đỗ Thùy Dương: Không biết chúng ta có nên dùng từ ‘trách nhiệm’ trong câu chuyện gia đình hay là dùng từ ‘quyền lợi’. Mỗi người khi tham gia vào đời sống gia đình đều có hạnh phúc ở đó. Họ có thể thành công ở đâu đó, nhưng về với gia đình là hạnh phúc. Nếu họ góp sức cùng vợ con chuẩn bị một bữa ăn tối hay cùng nhau dạy dỗ con cái, theo dõi chúng trưởng thành, đó là quyền lợi.
Cuối con đường nhìn lại chúng ta sẽ còn cái gì nếu như ta không có những giây phút chung tay cùng xây dựng tổ ấm? Vậy có khi truyền thông nên gọi đó là quyền lợi. Nếu như nam giới không tham gia họ sẽ mất đi một nửa cuộc sống.
Người ta nói là cân bằng không có nghĩa là 50/50 mà là sự kết hợp hài hoà giữa sự nghiệp, yếu tố xã hội và yếu tố gia đình. Có lẽ cũng là một cái cách để giới truyền thông dùng cái nhãn khác đi một chút. Đúng như cô Ninh nói: toàn dân là người đảm đang, giỏi giang trong mọi khía cạnh cuộc sống.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: "dù có giữ chức vụ gì, có tham gia chính trường, hay cứ là một người dân bình thường, thì mình vẫn cứ phải là chính mình. Nếu có một lời khuyên với các bạn trẻ hơn, thì tôi chỉ khuyên là phụ nữ phải yêu cái đẹp, nên làm đẹp" |
Phụ nữ lúc nào cũng nên đẹp
Hoàng Hường: Quay trở lại với câu chuyện phụ nữ tham chính. Hình như vẫn tồn tại một quán tính tư duy rằng ‘chính trị là lĩnh vực của đàn ông, phụ nữ tham gia ít thôi’. Cô nào ham mê chính trị quá thì sẽ bị cho là ‘ham mê quyền lực’, ‘mất đi nữ tính’, cô ấy thế này thế khác… Mục đích chính của cuộc tọa đàm là làm sao thay đổi quan điểm đó của xã hội và tìm giải pháp để tạo điều kiện hơn cho phụ nữ tham gia chính trường. Các chị có chia sẻ thêm điều gì?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Tôi cho rằng không nhất thiết tất cả phụ nữ tham gia chính trường đều phải duyên dáng, dễ nhìn, phải thế này, thế kia. Nói thật tôi chẳng thấy bà Thủ tướng Đức Angela Merkel có áp lực nào từ việc này cả. Cách ăn mặc của bà phải nói là cách tiếp cận tối thiểu. Thế nhưng không ai đặt vấn đề sao bà không đổi kiểu tóc, sao không đổi kiểu ăn mặc; tại vì phong thái của bà ấy đã thoát khỏi cái khung gò ép đó rồi.
Nhưng đó là trường hợp hết sức đặc biệt, nổi trội. Còn với số đông, tôi nghĩ không nhất thiết phụ nữ nào cũng phải chăm chăm vừa tham chính, vừa giữ kín mình. Trong thực tế tôi có cách sống của tôi. Kể từ thời sinh viên, tôi cho rằng mình là phụ nữ mình cũng thích cái đẹp và sự duyên dáng, kể cả khi mình không tham chính. Và khi đã bước chân vào chính trường thì tôi cảm thấy mình phải càng phải chú ý nhiều hơn. Chính vì câu chuyện chị Hường nói là để tránh người ta phải thị phi, rằng từ khi bà Ninh tham gia chính trường thì cứ thấy bà ấy thế nọ, thế kia, rồi, nom có vẻ bơ phờ.
Trong tiềm thức của tôi vẫn có ý niệm là, dù có giữ chức vụ gì, có tham gia chính trường, hay cứ là một người dân bình thường, thì mình vẫn cứ phải là chính mình. Nếu có một lời khuyên với các bạn trẻ hơn, thì tôi chỉ khuyên là phụ nữ phải yêu cái đẹp, nên làm đẹp. Tôi hay đùa đàn ông tiêu tiền một nháy là thành bia, thành bọt, thành nước rồi. Còn phụ nữ với số tiền đó thì có thể làm đẹp cho bản thân. Mà làm đẹp cho bản thân mình là cũng làm đẹp cho môi trường xã hội.
Một số nước phát triển ở phương Tây đôi khi có quan điểm nữ quyền hơi quá khích là ‘việc gì phải làm đẹp, mình cứ tự nhiên, mình bận quá thì kệ nó’ nhưng quan điểm của tôi hơi khác. Một người phụ nữ có nghệ thuật và năng lực tổ chức cuộc sống hằng ngày vẫn có thể rất nhanh chóng trang điểm và chọn quần áo sao cho dễ nhìn và cứ như thế hoạt động cả ngày. Có một chút quan tâm, một chút kinh nghiệm, một chút nghệ thuật, thì như vậy chị em sẽ không rơi vào bẫy của lập luận ‘mất nữ tính’ mà dư luận định kiến.
Hoàng Hường: Tức là dù ở vai nào, nữ giới vẫn phải song hành với sự quyến rũ đúng không?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh từng là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của VN tại Liên minh Châu Âu, các quốc gia như là Bỉ, Luxembourg. Bà cũng là Phó chủ nhiệm UB đối ngoại quốc hội Việt Nam và là uỷ viên BCH Trung ương Hội phụ nữ VN. Bà Đỗ Thuỳ Dương là CEO của Talentpool, chuyên gia tư vấn và đào tạo lãnh đạo nữ. |
Bà Đỗ Thùy Dương: Có lẽ là cô Ninh đang nói đến câu chuyện Chân – Thiện – Mỹ nhiều hơn là sự quyến rũ. Tôi tin rằng một người phải bao gồm đầy đủ sức mạnh cả về thân, tâm và trí. Thân thể mà mạnh mẽ thì anh có thể có khát vọng hay cống hiến còn nếu yếu đuối thì anh chỉ lo nghĩ làm sao để anh khoẻ thôi cũng đã rất mệt mỏi.
Thêm nữa, cái tâm để người phụ nữ tham chính phải là vì động cơ phụng sự xã hội, không thể và không bao giờ là ‘lợi lộc’ hay ‘quyền lực’.
Nếu động cơ là ‘quyền lực’ thì khi trở về với gia đình rất khó có thể mềm xuống với trái tim chân thành rằng chồng và gia đình vẫn là quan trọng hơn, như cô Ninh nói. Phụ nữ cần nghĩ như vậy, là, nếu có tham gia phụng sự xã hội cũng là bởi ở vị trí đó, chị em mới phát huy được tốt nhất tiềm lực của mình.
Bình thường người phụ nữ có thể yếu đuối, nhưng khi phải bảo vệ gia đình thì họ lại vô cùng mạnh mẽ. Tôi có xem một bộ phim về công nương Monaco. Lúc bình thường bà chỉ cố gắng trở thành một công nương xinh đẹp thôi nhưng khi có biến thì bà trở thành một người vô cùng mạnh mẽ để bảo vệ gia đình. Bởi vậy, tôi tin rằng nếu hoàn thiện bản thân và được giao giữ trọng trách thì sớm muộn, phụ nữ làm lãnh đạo cũng sẽ góp phần mang lại lợi ích cho nhiều người nhất.
Hoàng Hường: Tôi rất tâm đắc với ý kiến của hai vị khách mời. Hy vọng cuộc trò chuyện hôm nay sẽ đóng góp một phần cho sự tiến bộ của chị em phụ nữ cũng như cho xã hội nói chung. Xin cảm ơn hai vị khách mời, cũng như cảm ơn sự theo dõi của khán giả, độc giả VietNamNet!
Tuần Việt Nam
Ảnh: Trần Chánh Nghĩa
Quay phim: Ngọc Trinh, Mai Yên
Dựng phim: Huy Phúc