- Sau khi phương án tăng lương tối thiểu được “chốt” ở mức 12,4% vào trưa 3/9, đại diện khối doanh nghiệp (DN) cho rằng, mức tăng này sẽ là “áp lực” đối với các DN trong nước...

Quá sức chịu đựng?

Theo ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, việc lương tối thiểu tăng 12,4% là áp lực của ngành dệt may.

Tuy nhiên, khi quyết định đã đưa ra thì cộng đồng DN phải tìm ra giải pháp để tăng năng suất lao động, nâng cao tay nghề cho người lao động, đổi mới công nghệ... để giải quyết áp lực tăng lương, tăng chi phí trong năm 2016.

“Nếu mức lương tối thiểu tăng 12,4% được Chính phủ thông qua thì chi phí cho công đoàn của ngành dệt may sẽ tăng khoảng 450 tỷ đồng/ năm, chi phí cho bảo hiểm xã hội cũng ở mức trên 6.000 tỷ đồng/ năm. Đây là áp lực cho khối DN dệt may phải tính toán.

{keywords}
Đại diện VCCI cho biết sẽ tập hợp ý kiến DN để đề xuất giảm mức đóng BHXH giảm bớt gánh nặng cho DN.

Nhưng vì mục tiêu tăng thu cho người lao động thì cộng động DN cũng phải cố gắng để đảm bảo mức sống cho người lao động”, ông Giang cho hay.

Đồng tình quan điểm, ông Hoàng Quang Phong Phó chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho rằng, mức lương tối thiểu tăng 12,4% là quá sức chi trả của DN.

Nhưng hội đồng đã quyết định DN không còn cách nào khác phải “gồng mình” lên để tái sản xuất, nâng cao năng suất lao động để tiếp tục tồn tại.

“VCCI sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến của các DN kiến nghị giảm mức đóng bảo hiểm xã hội để có thể chịu được áp lực tăng lương. Bởi, theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội từ 1/1/2016 có hiệu lực, tiền lương sẽ là cơ sở để tính toán mức đóng bảo hiểm xã hội”, đại diện VCCI cho biết.

DN không nên lợi dụng phí công nhân giá rẻ

Thẳng thắn chỉ ra nhược điểm của DN trong nước, ông Mai Đức Chính Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động VN nêu lên thực tế, hiện nay việc đổi mới khoa học công nghệ của DN trong nước còn chậm, ít được quan tâm đầu tư, hoặc nếu có đầu tư thì tốc độ đổi mới rất chậm so với các nước trong khu vực.

“DN biết điều này nhưng lại không chịu đổi mới, vì họ đang được tận dụng lao động giá rẻ. Do vậy, nếu không dùng áp lực tăng lương, thì DN vẫn lợi dụng chi phí nhân công giá rẻ để không đổi mới công nghệ”, ông Chính nói.

{keywords}
Tăng lương tối thiểu là vấn đề nóng được dư luận đặc biệt trong thời gian qua.

Đánh giá thực tế từ ngành dệt may trong nước, ông Mai Đức Chính cho rằng, hiện nay DN dệt may chủ yếu chỉ trông chờ vào hàng gia công là chủ yếu, nên chỉ thu được một chút chi phí từ nhân công giá rẻ, do vậy lợi nhuận thu về không cao.

“Điều này là do các DN dệt may trong nước chậm thay đổi công nghệ so với các nước”, ông Chính thẳng thắn đánh giá.

Chia sẻ khó khăn với DN, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng từ 250 – 400 ngàn đồng cũng đặt gánh nặng lên vai chủ sử dụng lao động. Do vậy, DN cần tiếp tục tiết kiệm, đẩy mạnh tăng năng suất lao động để có nguồn chăm lo cho người lao động, bởi chính người lao động là nguồn lực lớn để DN phát triển.

Thứ trưởng Huân cũng mong muốn VCCI động viên các DN cắt giảm chi phí để dành nguồn tăng lương cho người lao động.

Ngoài ra, theo ông Huân, việc DN chịu tác động phải đóng bảo hiểm xã hội tăng khi lương tối thiểu tăng các bên sẽ có ý kiến với các cơ quan chức năng để xem xét báo cáo Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp.

Vũ Điệp