Theo Reuters, Tập đoàn Evergrande có trụ sở chính tại Quảng Đông. Đây là tỉnh “cởi mở” nhất và là nơi diễn ra những cải cách kinh tế quan trọng của Trung Quốc.
Các chủ nợ nước ngoài và nhà phát triển bất động sản của Chủ tịch Hứa Gia Ấn vẫn đang trong quá trình tìm tiếng nói chung về khoản nợ 19 tỷ USD. Đây là tín hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc vẫn coi trọng khả năng thu hút một phần vốn đầu tư nước ngoài.
Sau thông tin Tập đoàn Evergrande vỡ nợ vào năm 2021, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã cử đoàn công tác giám sát việc cơ cấu khoản nợ 333 tỷ USD của doanh nghiệp này.
Động thái này nhằm tránh lặp lại sự sụp đổ như của Tập đoàn Đầu tư và Tín Thác Quốc tế Quảng Đông vào năm 1999. Thời điểm đó, doanh nghiệp nhà nước này đã không thể thanh toán gần 5 tỷ USD khoản vay nước ngoài.
Với tình cảnh hiện tại của Evergrande, các chủ nợ vẫn chưa có hướng giải quyết. Tập đoàn này cho biết họ “không đủ điều kiện” phát hành thêm trái phiếu để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu đã vạch ra hồi tháng 3.
Theo kế hoạch Evergrande đưa ra, các chủ nợ có thể hoán đổi nợ thành trái phiếu mới và sẽ đáo hạn trong 12 năm hoặc vốn chủ sở hữu của hai công ty con niêm yết ở Hong Kong. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu này vẫn chưa thật sự rõ ràng.
Thông tin của Reuters cho hay, có đến 44% khoản nợ phải trả lãi suất của Evergrande không có tài sản đảm bảo, phần lớn trong số này là của chủ nợ nước ngoài. Trường hợp tập đoàn này bị phá sản, các chủ nợ này sẽ thu hồi được số tiền ít ỏi, thậm chí tỷ lệ tiền thu hồi dưới 2%.
Năm 2019, các công ty bất động sản Trung Quốc đã phát hành 69 tỷ USD trái phiếu với lãi suất cao. Tuy nhiên, trong hai năm qua, việc phát hành trái phiếu bằng đồng USD của các doanh nghiệp Trung Quốc đã suy giảm.
Kể từ giữa năm 2021, hàng chục nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã hoàn thành quá trình tái cơ cấu với 101 đợt phát hành trái phiếu ra nước ngoài, tổng giá trị 32 tỷ USD. Trong khi đó, Evergrande vẫn chìm sâu trong khủng hoảng.
Theo Reuters, Evergrande đang ưu tiên thỏa thuận với các chủ nợ nước ngoài trước. Điều này khiến cho một số bên liên quan trong nước cảm thấy không hài lòng.
Ngược lại, Công ty Sunac, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn của Trung Quốc, lại chọn cách thoả thuận với chủ nợ trong nước trước, rồi sau đó mới đến chủ nợ nước ngoài.
Trong khi Tập đoàn Evergrande đang nỗ lực để hoàn thành các dự án bất động sản dang dở thì Chủ tịch Tập đoàn Hứa Gia Ấn bị điều tra.
Theo tờ Wall Street Journal, không có gì ngạc nhiên khi một trong những hành vi ông này bị cáo buộc là tẩu tán tài sản ra nước ngoài.