Liệu đó có thể là một lời cảnh báo dành cho Tổng thống Donald Trump, rằng Triều Tiên đang mất dần kiên nhẫn về ngoại giao? Hoặc có thể là một thủ thuật tăng thêm thế mạnh trước khi đàm phán giải trừ hạt nhân được nối lại?

{keywords}
 

Trong trường hợp này, các vụ thử vũ khí gần đây nhất của Triều Tiên có thể không hẳn thể hiện sự phản đối dành cho chiến lược đàm phán của Tổng thống Trump, mà thiên về trả đũa việc Hàn Quốc mua chiến cơ tàng hình F-35 của Mỹ.

Bình Nhưỡng không hề giấu diếm sự phản đối đó. Ngày 11/7, khoảng 2 tuần trước vụ phóng thử ngày 25/7, một quan chức của Viện Các nghiên cứu Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên lên án hợp đồng F-35 của Hàn Quốc là "hành động cực kỳ nguy hiểm " mà Triều Tiên cần phải có biện pháp đáp trả. Và chắc chắn, Triều Tiên đã giữ lời bằng một loạt hành động thời gian qua.

Đích thân giám sát vụ thử tên lửa ngày 25/7, ông Kim Jong Un khẳng định "ưu tiên hàng đầu và hoạt động phải làm vì an ninh của đất nước là liên tục phát triển các hệ thống vũ khí uy lực và tổ chức thử nghiệm phát triển để ngay lập tức vô hiệu hóa các vũ khí [Hàn Quốc] vốn đang tạo ra những mối đe dọa không thể chối cãi đối với an ninh đất nước và biến chúng thành đống sắt vụn ngay giai đoạn đầu khi cần thiết".

Hãng thông tấn KCNA tuyên bố, Triều Tiên sẽ không ngồi đấy một cách thụ động và để cho Hàn Quốc mua F-35 mà không đáp trả.

Câu hỏi là tại sao Bình Nhưỡng lại không thích Seoul sở hữu và vận hành loại máy bay đặc biệt này? Tạp chí National Interest nêu ra 2 lý do:

Trước tiên là về chính trị. Những gì Kim Jong Un tính toán thật khó đoán nhưng rất có thể nhà lãnh đạo Triều Tiên coi việc triển khai F-35 trên đất Hàn Quốc là trực tiếp vi phạm tuyên bố Singapore tháng 6/2018 và thỏa thuận phi hạt nhân tháng 9/2018 giữa hai miền Triều Tiên.

Hai ông Trump và Kim đã ký tên của mình lên tờ giấy 2 trang không có tính ràng buộc pháp lý, với điểm nhấn đầu tiên là cam kết thiết lập "các mối quan hệ Mỹ - Triều mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng".

Ba tháng sau, ông Kim cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đặt bút ký một thỏa thuận xuống thang toàn diện hơn – mục tiêu hàng đầu là hai miền Triều Tiên dừng "mọi hành động thù địch nhằm vào nhau ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có trên bộ, trên không và trên biển vốn là nguồn cơn gây căng thẳng và xung đột".

Cả Washington và Seoul đều cam kết với Bình Nhưỡng là các biện pháp sẽ được thực thi để gieo hạt giống quan hệ đối tác ổn định, công bằng và tôn trọng nhau hơn, kể cả trước khi một hiệp ước phi hạt nhân hóa được hoàn tất.

Các cuộc gặp trực tiếp Trump – Kim, và cả các sáng kiến liên Triều của Tổng thống Moon trong năm 2018, đều được thiết kế để thuyết phục ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng rằng Mỹ và Hàn Quốc rất chân thành loại bỏ cái cũ và mang lại cái mới.

Xem F-35 diệt cùng lúc 5 mục tiêu:

Yếu tố thứ 2 có tính thực tế hơn, F-35 là loại máy bay vô cùng ấn tượng. Dù gắn với nhiều tai tiếng về chi phí và một số vấn đề trong giai đoạn thử nghiệm, chiến cơ này là có một không hai về tính linh hoạt trên không và năng lực tàng hình. Điều đó có nghĩa là rất khó để các hệ thống phòng thủ đối địch phát hiện ra F-35.

Theo tập đoàn Lockeed Martin, sự kết hợp giữa các đặc tính tàng hình, hệ thống radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) cùng khả năng mang rất nhiều loại vũ khí và nhiên liệu bên trong cho phép các phi công F-35 nhắm đến những mục tiêu trên mặt đất ở tầm bắn xa hơn mà không bị theo dấu hay phát hiện.

Trong khi đó, Triều Tiên phụ thuộc vào 13.000 khẩu đội pháo núp hầm cách Seoul vài chục cây số để bù đắp cho quân đội chính quy lạc hậu. Với thực tế này, loại máy bay tàng hình như F-35 là vô cùng nguy hiểm.

Trong tương lai, F-35 thậm chí còn hơn cả một sự đe dọa đối với Bình Nhưỡng. Đánh giá Phòng thủ Tên lửa của chính quyền Trump nhận định máy bay về lý thuyết có thể mang theo những vũ khí đánh chặn tiêu diệt các tên lửa đạn đạo đang bay. Mike Griffin – Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách nghiên cứu và kỹ thuật – bình luận hồi tháng 1 vừa qua rằng, Lầu Năm Góc sẽ nghiên cứu năng lực này một cách chặt chẽ hơn nữa.

Nếu vũ khí đánh chặn không – đối – không rốt cuộc được thiết kế và thử nghiệm thành công cho F-35 thì chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên sẽ trở nên kém hiệu quả hơn trong trường hợp xảy ra xung đột.

Việc Bình Nhưỡng tức giận Mỹ triển khai quân gần bán đảo Triều Tiên không phải là điều mới mẻ. Chính quyền Kim Jong Un thường xem mọi hoạt động quân sự bất kể lớn nhỏ ở Hàn Quốc là bằng chứng Washington – Seoul đang chuẩn bị khởi sự chiến tranh chống lại Triều Tiên.

Tuy nhiên, F-35 không phải là một nền tảng vũ khí bình thường. Và vào lúc đối thoại liên Triều đang sa lầy, không ngạc nhiên khi ông Kim Jong Un hạ lệnh cho các tướng lĩnh tiếp tục cải thiện năng lực quân sự của đất nước. Nếu Seoul định đưa F-35 vào sử dụng thì sẽ không ngạc nhiên khi Triều Tiên dốc toàn sức để đạt tới sự ngang bằng.

Thanh Hảo