- Giải quyết việc làm cho trên 1 triệu lao động, thu ngoại tệ hàng năm gần 1 tỉ rưỡi USD, đó không phải là vị thế, là giá trị sao!

Tôi có người bạn, vốn dân khởi nghiệp từ vùng đất Tây Nguyên, từng chặt-hạ-cưa-xẻ cây rừng. Rồi bỗng dưng từ hai chục năm trước, anh chuyển nghề. Khi thiên hạ đổ dồn vào mấy cây chủ lực, từ cà phê, cao su, cho đến cây tiêu, cây điều, thì anh thủng thẳng với cây sắn, người miền Trung trở vào gọi là cây mì.

Hồi ấy anh đã thủ cái triết lý, đừng cứ thấy thiên hạ thành công thứ gì thì nhảy bổ vào thứ ấy. Đó là thói quen thấy người ta ăn khoai thì cũng vác mai đi đào. Cứ phải nghĩ cách làm khác thiên hạ. Và anh đầu tư vào cây sắn, từ việc quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu, đến xây dựng nhà máy chế biển, tìm đầu ra cho sản phẩm. Hơn chục năm bươn bả, từ Đắc Lắc, Đắc Nông đến miền tây Thanh Hoá, giờ anh đã thành danh- doanh nhân sắn, lại được bạn bè gọi bằng cái tên rất kêu và rất yêu: Nhà sắn học!
Ai từng sống qua thời bao cấp hẳn không quên những thứ củ thứ hạt gắn với sự thiếu đói, với miếng ăn, cái dạ dày suốt một phần cuộc đời mỗi người. Những hạt ngô răng ngựa mọt và sần, hạt bo bo còn nguyên lớp vỏ ngoài tốn lửa tốn củ. Những củ khoai hà khoai sùng khô và tươi, vì đói mà ăn, ăn để sống chứ không như cái sự tuyên truyền ăn ngô ăn khoai đẹp da và tăng tuổi thọ. Những củ sắn tươi nhựa thâm sì, luộc lên phần nhiều sượng và đắng. Những lát sắn khô dày bằng nửa đốt ngón tay, ghế độn cơm, hạt cơm chín nhừ mà lát sắn sống nguyên.

Ấn tượng nhất là củ sắn gạc nai. Gọi là sắn gạc nai vì nó đen một màu đen bồ hóng, cứng như cành cây khô, lỗ chỗ mốc xanh. Thay vì ăn tươi hay băm thái phơi khô, người ta để nguyên củ sắn gác lên gác bếp hàng nhiều tháng trời cho đến khi khô cong và đen màu khói lửa. Đấy là cách bảo quản và cất giữ nguồn lương thực dự trữ thô sơ và hiệu quả nhất. Chế tác nó để thành thứ ăn được là cả một kỳ công. Cho vào nước ngâm cho mềm vỏ và thải bớt bồ hóng rồi mang ra gọt vỏ, lại ngâm lần nữa mới chặt khúc, bỏ vào cối giã lấy bột. Thứ bột này đồ lên hoặc làm bánh, thêm tí muối, tí hành, sang hơn thì tí mỡ nước cho dễ nuốt. Ăn để mà tồn tại chứ cái thứ tinh bột này nạp đến bữa thứ hai thứ ba thì ngán, với cái trạng thái nóng ruột, nóng cổ và cả ngày vướng vất cái mùi khói bồ hóng đến lạ.

Một lần, cách đây chưa lâu tôi được bạn bè rủ lên nhà hàng trên mạn hồ Trúc Bạch, cái nhà hàng trong ngõ nhỏ không gian không được rộng rãi cho lắm. Từ trang trí, trang phục, cung cách phục vụ của nhân viên cho tới thức ăn nước uống gợi lại thời mậu dịch quốc doanh tem phiếu bao cấp, thời mà cả nước “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Món cơm độn ngô, khoai, mỳ sợi và sắn tươi khá hấp dẫn. Lại đĩa sắn luộc chấm muối vừng. Món ăn và cách phục vụ như thời bao cấp nhưng giá cả không như bao cấp chút nào. Mà thực khách không ai kêu ca đắt rẻ.

Tôi lại nhớ đến món củ mì ở khu di tích địa đạo kháng chiến Củ Chi. Lần đó, khám phá địa đạo - không gian sinh tồn cũng là công sự, trận địa chiến của người dân và du kích, lại thưởng thức đĩa sắn luộc, thứ lương thực chủ yếu của quân dân vùng đất thép một thời, thấy thật hợp lý. Củ sắn - củ mì đã có mặt đúng nơi đúng chỗ và tạo nên một giá trị khác, vượt lên định kiến thân phận.

{keywords}

Trồng sắn ở huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: Báo Đăk Lăk điện tử/ VTV

Thời thế khác, cây sắn, củ mì cũng khác chăng?

Hơn hai tháng trước, tôi gặp lại người bạn thời Tây Nguyên, bây giờ là “nhà sắn học”, dự một hội nghị của những người trồng, chế biến, xuất khẩu sắn, sau đó đến thăm một trung tâm trồng, chế biến sắn. Hoá ra cây sắn đã có vị thế rất đáng trân trọng. Cây sắn thành thứ cây công nghiệp, thành hàng hoá thứ thiệt. Diện tích cây sắn cả nước đã ổn định ở khoảng 500.000 đến 550.000 héc-ta, bằng 5% diện tích đất nông nghiệp. Hơn 1,2 triệu lao động tham gia nghề trồng, chế biến sắn.

Từ tinh bột sắn xuất khẩu, mỗi năm thu ngoại tệ cỡ 1,4 tỉ USD. Trong vị thế kinh tế đối ngoại, sản phẩm tinh bột sắn chỉ đứng sau gạo, cà phê, hạt điều, mặt hàng thuỷ sản, rau củ quả...Từ thứ cây nơi cọc rào, góc đồi, dành chống đói tháng ba ngày tám, cây sắn âm thầm hướng tới thứ cây hàng hoá làm giàu cho người trồng, người chế biến, xuất khẩu, góp nguồn ngoại tệ cho đất nước.

Có một giai đoạn cái bệnh nghề nghiệp khiến tôi định kiến với mấy ông chủ doanh nghiệp trồng sắn và làm nhà máy chế biến tinh bột sắn. Họ chỉ biết lợi nhuận, mặc sức bóc lột đất đai, thổ nhưỡng, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Nhưng, có lẽ đó là câu chuyện trước đây. Ông Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Tiến Nông, trong hội nghị những ông chủ doanh nghiệp sắn nói rằng, hãy từ bỏ quan niệm cây sắn là cây của người nghèo, đất nghèo. Cây sắn phải là cây giàu, là cây “3 giàu”: Làm giàu cho nông dân; đi vào bàn ăn nhà giàu và làm giàu cho đất. Với cây sắn, phải “3 hiểu”: Hiểu đất; hiểu cây và hiểu tập quán canh tác. Cây sắn tuyệt nhiên không tranh giành chỗ đứng với nhiều loại cây công nghiệp khác, nơi nào đất xấu, độ dốc cao, đấy là đất của sắn.

Người trồng sắn đã thay đổi tư duy, có thói quen sử dụng phân hữu cơ, sử dụng ngay những phụ phẩm của cây sắn sản xuất phân bón cho cây sắn. Năng suất, từ chỉ 8 tấn/ha, đã nâng lên đại trà 19 tấn/ha. Nơi đầu tư tốt có thể lên mức kỷ lục 45-49 tấn/ha. Đã xuất hiện một trung tâm sắn lớn nhất nước, mà những người trồng sắn gọi là “thủ đô sắn”, đấy là Tây Ninh, chiếm 1/10 diện tích sắn cả nước, tức 50.000 ha. Người nông dân cho tới chủ doanh nghiệp làm sắn ở tỉnh biên giới này đã sống khoẻ với cây sắn. Từ cây sắn, ta chỉ mới làm ra tinh bột xuất khẩu, thêm xăng sinh học, dăm bảy mặt hàng khác, trong khi thế giới đã tạo ra khoảng 270 mặt hàng, từ thực phẩm, chế phẩm sinh học, y dược đến nhiên liệu, sản phẩm vật dụng dân dụng, quốc phòng...

Tôi đã đến nhà máy mà ông chủ là người bạn, “nhà sắn học”, nằm ở xã đồng bào Mường thuộc huyện miền tây Thanh Hoá. Cái nhà máy không lớn, công suất 1.000 tấn củ tươi/ngày, phục vụ cho vùng nguyên liệu đầu tư tập trung 1.500 ha. Nếu tính thêm diện tích nhỏ lẻ của hộ gia đình các huyện trong vùng và tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào, tổng cộng tới gần 7.000 ha. Bình quân 1 ha tương ứng với 1 lao động, cái nhà máy này đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Và cơ bản, công nghệ của nhà máy xử lý khép kín: Nước thải, xơ bã, bùn vỏ được đưa ra hồ ủ tạo khí gas và làm phân bón, xử lý tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Nguồn khí gas tận thu được dùng đốt lò thay dầu và than đá, vừa tiết kiệm, vừa hạn chế khí thải ra môi trường, tính ra mỗi năm tiết kiệm cả nửa tỉ đồng. Đầu tư 150 tỉ, 1/3 trong số đó dành cho thiết bị công nghệ xử lý chất thải và môi trường, hơn 3 năm sau ngày đi vào hoạt động, nhà máy đã thu hồi vốn.

Người bạn, “nhà sắn học” cũng có chất lặng lẽ, âm thầm như cây sắn, tâm sự rằng, chủ những doanh nghiệp làm sắn có một bầu tâm tư. Rằng, khi dấn vốn liếng đầu tư vào cây sắn hiếm khi được địa phương ưu tiên “trải thảm đỏ”, vì cây sắn thân phận không sang trọng, vì bị cái định kiến làm hỏng đất và hư hại môi trường, vì... Nhưng thực tế, cây sắn đã có vị thế rất có ý nghĩa.

Khi những cây công nghiệp được xã hội sung vào hàng ngũ cây chủ lực bấp bênh lên bờ xuống ruộng vì thị trường trồi sụt, thì cây sắn vẫn đứng được. Giải quyết việc làm ổn định cho trên 1 triệu lao động, thu ngoại tệ hàng năm gần 1 tỉ rưỡi USD, đó không phải là vị thế, là giá trị sao! Đất nước này nên và luôn biết trân trọng những đóng góp như thế. Còn vấn đề môi trường, thổ nhưỡng, đã và đang được giải quyết...

“Nhà sắn học” vốn là thành viên sáng lập tổ chức Hiệp hội sắn Việt Nam, thừa nhận còn một loạt vấn đề để đưa cây sắn phát triển bền vững. Một là nghiên cứu, tạo ra giống sắn năng suất cao, trên 20 cho tới 60-70 tấn/ha, có hàm lượng tinh bột 23-31%, cùng với phòng chống dịch bệnh cho cây sắn. Hai là thay đổi thói quen canh tác, chuyển dần sang sản xuất hữu cơ, tăng giá trị và giảm diện tích. Ba là sản xuất theo chuỗi, gắn kết từ khâu giống, phân bón, trồng trọt đến công nghệ chế biến, thị trường tiêu thụ. Bốn là không nên phát triển thêm nhà máy chế biến tinh bột, thay vào đó tập trung thay đổi công nghệ, chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm sau tinh bột. Năm là khai thác thị trường mới, hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc hiện tiêu thụ phần lớn lượng tinh bột của Việt Nam...

Góp gió thành bão. Cây sắn cũng như những doanh nhân khởi nghiệp bằng cây sắn đang vượt qua mặc cảm và định kiến, khẳng định vị thế, giá trị riêng.

Uông Ngọc Dậu - Hoàng Oanh - Văn Chuyên

Liệu FDI có làm thui chột doanh nghiệp trong nước?

Liệu FDI có làm thui chột doanh nghiệp trong nước?

Hôm nay, ngày 4/10 Hội nghị “Tầm nhìn mới, cơ hội mới cho FDI trong kỷ nguyên mới” sẽ được tổ chức để tổng kết 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Lại trao quyền cho Bộ trưởng ban hành điều kiện kinh doanh?

Lại trao quyền cho Bộ trưởng ban hành điều kiện kinh doanh?

Dự thảo nghị định về giao thông bị phát hiện ban hành thêm 85 điều kiện kinh doanh và trao cho tư lệnh ngành thẩm quyền đặt điều kiện kinh doanh, trái với các quy định và quyết tâm cải cách hiện nay.  

“Đoàn thuyền thúng” và nghịch lý mang tên doanh nghiệp tư nhân

“Đoàn thuyền thúng” và nghịch lý mang tên doanh nghiệp tư nhân

Đã có 4 người Việt Nam được xếp hạng tỷ phú đô la trong khi nhiều doanh nhân khác cũng đang vươn lên danh sách này. Tuy nhiên...    

Từ vụ Khaisilk, chạnh lòng nghĩ đến doanh nhân Nhật

Từ vụ Khaisilk, chạnh lòng nghĩ đến doanh nhân Nhật

Việc Khaisilk hàng chục năm “treo lụa Việt bán lụa Tàu” khiến tôi chạnh lòng nghĩ đến triết lý “ba bên cùng có lợi” (Sanpo-yoshi) trong kinh doanh của người Nhật.