FPT Retail muốn sớm cung cấp dịch vụ

Chia sẻ với VietNamNet, đại diện FPT Retail cho hay nhà mạng này sẽ hợp tác, sử dụng hạ tầng của MobiFone để cung cấp mạng di động ảo.

“Tập đoàn FPT và MobiFone có Thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh, tận dụng các thế mạnh công nghệ của hai bên, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia. FPT Retail sẽ đầu tư đầy đủ các hệ thống phần cứng/phần mềm đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất tới khách hàng, hướng tới xây dựng hệ sinh thái số”, đại diện FPT Retail nói.

Đề cập đến thời gian cung cấp dịch vụ, FPT Retail cho hay, thời gian để một mạng di động chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật mất trung bình 12 - 15 tháng, nhưng FPT Retail với lợi thế về công nghệ và sự hỗ trợ từ tập đoàn FPT, kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian này và sớm cung cấp dịch vụ tới khách hàng. 

Mỗi năm, FPT Retail bán ra trên 1,5 triệu smartphone, thiết bị IoT các loại và là đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông di động đến hàng trăm nghìn khách hàng.

Cho đến thời điểm này, Bộ TT&TT đã cấp phép cho 5 mạng di động ảo là Đông Dương Telecom, Mobicast, ASIM, Digilife và FPT Retail. Trong đó, mạng di động ảo của Đông Dương Telecom và Mobicast sử dụng hạ tầng của VinaPhone còn mạng ASIM, Digilife và FPT Retail sử dụng hạ tầng của MobiFone. Duy nhất Viettel chưa có bất cứ một nhà mạng ảo nào có thể hợp tác, cho dù Viettel được cho là có hạ tầng mạnh nhất hiện nay.

Cơ hội mới cho mạng ảo 

Vào thời điểm năm 2010, Bộ TT&TT đã cấp phép cho một số mạng di động ảo như FPT và Digicom. Tuy nhiên, thời điểm đó các nhà mạng chỉ cung cấp dịch vụ thoại và 3G nên các mạng di động ảo không thể cạnh tranh với các mạng di động có hạ tầng.

Chia sẻ với VietNamNet tại thời điểm đó, lãnh đạo một mạng di động lớn cho rằng, ở thị trường như Việt Nam thì gần như không còn đất cho mạng di động ảo. Có lẽ mạng di động ảo chỉ sống được khi mà các mạng di động có hạ tầng phải bán buôn lưu lượng cho mạng ảo ở một mức siêu rẻ đến phi kinh tế. 

Tại thời điểm đó, khi “mối lương duyên” của EVN Telecom và VTC Digicom “nửa chừng đứt gánh”, EVN Telecom phải “sang tên đổi chủ” cho Viettel, đã khiến con đường bước vào lĩnh vực mạng di động của VTC trở nên bế tắc. Ông Nguyễn Hoàng Phong, Giám đốc VTC Digicom cho rằng độ hấp dẫn trong đầu tư làm viễn thông rất thấp. Thị trường viễn thông đang cạnh tranh quá mức. Việc cạnh tranh này khiến VTC không có nhu cầu đầu tư vào đó nữa bởi nó không đem lại lợi nhuận.

Sau đó, giấc mộng mạng di động ảo với FPT và VTC tan thành mây khói khi không thể hợp tác với các nhà mạng và cung cấp dịch vụ ra thị trường. Vì thế, Bộ TT&TT đã phải thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp này.

Thế nhưng, hiện nhiều doanh nghiệp lại nhìn thấy cơ hội mới cho dịch vụ mạng di động ảo. Thống kê vào cuối năm 2022 cho thấy, có đến 1.986 mạng di động ảo đang hoạt động trên toàn cầu, nhiều hơn gấp đôi số lượng của các nhà khai thác mạng viễn thông truyền thống. Doanh thu của thị trường này trên thế giới năm 2022 cũng đạt con số lý tưởng 78,15 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt qua mốc 124,81 tỷ USD vào năm 2028.

Những doanh nghiệp Việt đang có tập khách hàng lớn nhìn thấy cơ hội xây dựng hệ sinh thái riêng của mình. Trong đó, phải kể đến The Sherpa, công ty con của Masan đã mua lại 70% cổ phần Mobicast, bước đầu mở rộng sang lĩnh vực viễn thông. Đây là bước đi chiến lược trong lộ trình hiện thực hóa nền tảng “Point of Life” mà Masan vạch ra nhiều năm trước.

Sở hữu hệ thống phân phối bán lẻ rộng khắp Masan Consumer, Techcombank, VinCommerce và Phúc Long, phục vụ gần 15 triệu người tiêu dùng am hiểu và thường xuyên sử dụng các dịch vụ số, Masan cần có giải pháp để tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng. Việc mở rộng sang lĩnh vực viễn thông là bước đầu để Masan số hóa hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life”, mang đến trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online. Bằng cách kết hợp với cơ sở dữ liệu khách hàng của Reddi, Masan sẽ xây dựng nền tảng tích hợp xuyên suốt để mang đến giá trị cho người tiêu dùng.

Cũng như Masan, FPT Retail đang có nhiều lợi thế khi sở hữu mạng lưới bán lẻ trên toàn quốc với hơn 800 cửa hàng FPT Shop và gần 1.300 cửa hàng dược phẩm Long Châu. Mỗi năm, FPT Retail bán ra trên 1,5 triệu smartphone và thiết bị IoT các loại, đồng thời là đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông di động đến hàng trăm nghìn khách hàng. Bên cạnh đó, FPT Retail có lợi thế khai thác hệ sinh thái dịch vụ số đa dạng của FPT để phát triển kinh doanh.

Tuy nhiên, hiện vấn đề chính sách cho các mạng di động ảo đang là khoảng trống khi họ vẫn chỉ là “cửa dưới” trước các nhà mạng có hạ tầng. Vì vậy, các nhà mạng có hạ tầng có thể đặt điều kiện cho "cuộc chơi" với các mạng ảo. Đây là những vấn đề đặt ra với cơ quan quản lý nhằm tạo ra một thị trường phát triển và cạnh tranh lành mạnh.