Với “sức hấp dẫn thông minh” thời Modi, Ấn Độ sẽ vực dậy những “mẫu số chung” trong thế trận cạnh tranh và hợp tác giữa các cường quốc khu vực châu Á.
>> Nhật - Ấn bắt tay làm tàu ngầm: Ác mộng của TQ?
>> Mỹ - Ấn ‘đảo chiều’ và thế trận đối phó Putin
>> Mỹ - Ấn đáp trả ‘tập kích sân sau’ của TQ
Sự dẫn dắt của Thủ tướng N. Modi không chỉ đang từng bước vực dậy tiềm lực của Ấn Độ từ bên trong, mà còn làm “sống lại” một mắc xích trọng yếu lâu đời trong quan hệ quốc tế. Là một cường quốc có đa dạng nguồn tài nguyên, diện tích rộng lớn cùng quy mô thị trường khổng lồ, Ấn Độ ngay từ thời cổ đại đã sớm trở thành điểm đến chiến lược của nhiều cường quốc trên thế giới.
Từ “sức hấp dẫn tự nhiên” hàng nghìn năm lịch sử
Bán đảo Ấn Độ án ngữ trên cả hai hệ thống giao thông huyết mạch trên bộ và trên biển, giúp kết nối các nền kinh tế từ Á sang Âu. Vị thế địa chiến lược này càng làm tăng cường sức “hấp dẫn tự nhiên” của Ấn Độ, đặc biệt khi các tuyến giao thương Đông – Tây đương đại đang bùng nổ.
“Sức hấp dẫn tự nhiên” cùng với “truyền thống Ashoka” chủ trương ngoại giao hoà bình, không liên kết đã đưa Ấn Độ đến thương hiệu “cường quốc thân thiện” hiếm hoi của thế giới. Chính thương hiệu này đã khiến Ấn Độ trở thành tâm điểm hợp tác của thế giới, là cầu nối giữa các thế lực khác biệt ý thức hệ trong quan hệ quốc tế. Do đó, giữa nhiều sự lựa chọn tiềm ẩn nhân tố khó lường, dường như các cường quốc đều đồng lòng xem Ấn Độ như một “điểm đến an toàn” với nhiều tiềm năng phát triển cùng có lợi.
Tuy nhiên, với xu thế cạnh tranh ngày càng cao trong quan hệ quốc tế, “điểm đến an toàn” có lẽ vẫn chưa đủ để Ấn Độ vượt lên các trung tâm chính trị - kinh tế khác của thế giới. Nhất là khi cường quốc này vì sức ép dân số và các chính sách kinh tế trì trệ đang dần mất đi lợi thế so sánh trong khu vực và liên khu vực.
Giai đoạn 2013 – 2014, Ấn Độ chỉ đạt thứ hạng 70 trong Báo cáo về sức cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Với tốc độ phát triển kinh tế quay lại mức khiêm tốn (5-6%/năm), thậm chí có những năm gần như quay lại “tốc độ tăng trưởng Hindu”, Ấn Độ cần phải đưa ra những biện pháp mạnh tay để “xốc” lại các tiềm năng của mình.
Sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm trước một cơ chế trì trệ là điểm thiếu vắng quan trọng trên chính trường Ấn Độ dưới thời của Đảng Quốc đại Ấn Độ nắm quyền. Chính phủ mới của Tân thủ tướng N. Modi lại chính là chìa khoá then chốt để “mở cửa” bài toán nan giải này.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ấn Độ Modi bắt tay tại cuộc họp bên lề của Hội nghị BRICS, năm 2014. Ảnh: PTI |
… đến “sự thần kỳ Modi” thời hiện đại
Dựa theo hình mẫu phát triển “vượt trội” của bang Gujarat – nơi ông Modi làm Thống đốc bang suốt 4 nhiệm kỳ liên tục, hiện tượng “thần kỳ Modi” đang được dư luận Ấn Độ đặt ra như một câu hỏi đầy lạc quan cho triển vọng phát triển của đất nước. Với chính sách phát triển kinh tế toàn diện “Modinomics”, chính phủ mới của Ấn Độ quyết tâm tiến hành các cuộc “cách mạng xanh” lần thứ 2, “cách mạng trắng” lần thứ 2 và triển khai trên diện rộng cuộc cách mạng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (“saffron revolution”).
Trong lĩnh vực ngoại thương, ông Modi đã khởi động chiến dịch “Make in India” nhằm “trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần hợp tác cùng xây dựng Ấn Độ thành trung tâm sản xuất - gia công lớn nhất thế giới. Ngoài ra, chiến dịch “làm sạch Ấn Độ” cũng là một trong những sáng kiến đã chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ về “một Ấn Độ đầy sức sống” đến cộng đồng quốc tế.
Sự kết hợp giữa “sức hấp dẫn tự nhiên” với “sự thần kỳ Modi” rõ ràng đã đưa Ấn Độ thoát khỏi một giai đoạn mờ nhạt trên trường quốc tế. Một Ấn Độ trỗi dậy mạnh mẽ sẽ khôi phục lại “mẫu số chung” về hợp tác giữa các cường quốc. Hàng loạt các cường quốc liên tiếp cử các lãnh đạo cao cấp đến thăm chính thức Ấn Độ đã minh chứng cho nhận định trên.
Như một khái niệm kết hợp, có thể nói Ấn Độ đang phát huy tối đa “sức hấp dẫn thông minh” khi khéo léo chuyển hoá những điểm khuyết về nội lực thành mục tiêu thu hút ngoại lực từ các cường quốc. Đồng thời, Thủ tướng N. Modi cũng rất tâm lý khi đã “ra tay trước” bằng cách chuẩn bị sẵn những điều khoản vốn là thế mạnh của Ấn Độ để giúp khắc phục điểm yếu của các đối tác khác.
Trong chuyến thăm đến Nhật Bản (09/2014), Thủ tướng Modi đã chia sẻ nguồn đất hiếm của Ấn Độ cho quá trình đa dạng hoá nguồn nhiên liệu thiết yếu ở các ngành kinh tế kỹ thuật cao của Nhật Bản. Đổi lại, Ấn Độ nhận được những cam kết quan trọng của Nhật Bản trên các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, hạt nhân dân sự và phát triển bền vững (giúp xây dựng “thành phố thông minh” Varasani theo công nghệ Kyoto). Đây cũng là những lĩnh vực chủ chốt mà Ấn Độ đang cần đầu tư công nghệ cao.
Cùng kịch bản như vậy, mục tiêu xây dựng 100 “thành phố thông minh” của Thủ tướng N. Modi đã nhận được cam kết hỗ trợ công nghệ từ Nga, Singapore, Pháp. Ở chiều ngược lại, các công ty Ấn Độ sẽ gia tăng đầu tư vào các “công viên công nghiệp” ở những nước này.
Đồng thời, Ấn Độ cũng nhận được sự đồng thuận quốc tế đối với hình thức “cùng phát triển, cùng sản xuất” theo tinh thần “Make in India” trong nhiều mặt hàng công nghiệp dân sự và quân sự. Đặc biệt trên lĩnh vực hạt nhân dân sự, Ấn Độ đã thuyết phục và được phép tiếp cận với công nghệ hạt nhân dân sự của cả hai cường quốc hạt nhân là Nga và Mỹ.
Đặc biệt, trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Tony Abbott (09/2014), Thủ tướng Modi đã đảm bảo được nguồn cung urani từ nước Úc – quốc gia đang dự trữ 1/3 nguồn urani của thế giới. Hợp tác kinh tế, dầu khí và an ninh hàng hải của Ấn Độ cũng trở thành những “mẫu số chung” nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Cần lưu ý, do Ấn Độ chưa ký kết Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) nên hầu hết các cường quốc trước đây đều vin vào đó để trì hoãn lĩnh vực hợp tác hạt nhân dân sự với người Ấn. Vì vậy, động thái hồ hởi ký kết các hiệp định hạt nhân dân sự hiện nay đã chứng tỏ xu hướng “bỏ qua chuyện nhỏ” để “bảo toàn đại cục” của các cường quốc trong quan hệ với Ấn Độ.
Tâm điểm của thế giới
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, với đường lối đối ngoại mạnh mẽ và quyết đoán của Tân Thủ tướng N. Modi, Ấn Độ đã bước đầu thành công trong quá trình “chuyển mình”. Từ dấu chân voi khổng lồ nhưng chậm chạp chuyển thành “bước đi của loài sư tử dũng mãnh”, khẩu hiệu từ Thủ tướng N. Modi cho chiến dịch “Make in India” thực chất đã định hình một “Ấn Độ với sức sống mới”.
Từ tháng 6/2014, Ấn Độ đã chủ động “mở đường” đến với thế giới qua một loạt các chuyến thăm cấp cao. Và thế giới đã hồi đáp bằng một loạt các thỏa thuận hợp tác chiến lược với nhiều “ưu ái” cho Ấn Độ. Liên tiếp các chuyến thăm của Thủ tướng Úc (09/2014), Chủ tịch Trung Quốc (09/2014), Tổng thống Nga (12/2014), Tổng thống Mỹ (01/2015) và nhiều phái đoàn ngoại giao cấp cao khác đã làm “hồi sinh” lại một Ấn Độ nhộn nhịp trên tuyến đường thương mại quốc tế.
Ngay cả mối quan hệ Trung - Ấn vốn đang vấp phải những hành động cứng rắn từ cả hai bên trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, Ấn Độ cũng đạt được những cam kết tăng cường đầu tư từ phía Trung Quốc.
Nếu như trong lịch sử, Ấn Độ đã từng là “điểm đến hấp dẫn” của cả thế giới, thì nay, với “sức hấp dẫn thông minh” thời Modi, Ấn Độ sẽ vực dậy những “mẫu số chung” trong thế trận cạnh tranh và hợp tác giữa các cường quốc khu vực châu Á.
Lục Minh Tuấn (Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học KHXH&NV, TPHCM)